Cô đã nuôi em được bữa cơm nào đâu?

15/12/2018 06:20
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Trước khi dang tay đánh học sinh, bạn chỉ cần hỏi chính mình “Đã nuôi học trò được bữa cơm nào chưa? Sao đánh nó?”, tin rằng bạn sẽ bỏ tay xuống.

LTS: Kể câu chuyện thực tế của đồng nghiệp cũng là học trò của mình, thầy giáo Sơn Quang Huyến mong rằng các thầy cô giáo hãy luôn tự vấn bản thân trước khi có hành động bạo lực với học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cháu tôi đi học về, thường kể chuyện trường, chuyện lớp cho ngoại. Cứ nghe tiếng bi bô của nó,  là biết chuyện ớ lớp ra sao. Nào là chuyện bạn A. đi học lớp một rồi mà còn … cả quần, cả chuyện cô giáo khóc vì bà của bạn H. lên mắng cô, sao cho H. ít điểm hơn bạn N.

Thôi thì đủ thứ, đúng là “ra đường hỏi già, ở nhà hỏi trẻ”, đâu cần cái camera!

Chuyện ở lớp, cô giáo có thể ngụy biện, thế nhưng trong mắt trẻ thơ là “sự thật không chối cãi”. Cô giáo lớp cháu chỉ cần dọa “bạn nào nói chuyện nữa, cô chuyển sang lớp cô L.”, cả lớp lập tức im lặng liền.

Tôi hỏi cháu “Sao mà các bạn sợ học lớp cô L. đến thế?”, cháu nói “cháu không kể với ông, là cô L., hay đánh mấy bạn lì đâu nhé!”.

Bạo lực chỉ đẻ ra bạo lực, yêu thương mới lan toả yêu thương. Ảnh minh họa: Anninhthudo.vn
Bạo lực chỉ đẻ ra bạo lực, yêu thương mới lan toả yêu thương. Ảnh minh họa: Anninhthudo.vn

Thế là tôi đi gặp L., một cuộc gặp mặt không mong muốn, nhưng đầy “thú vị”.

L. là học trò cũ của tôi, tính xởi lởi, cởi mở, ăn to, nói lớn, trực ngôn, không để bụng. L. dạy học cũng gần hai chục năm rồi, thành tích đầy mình, chinh chiến bao cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

Khi tôi tâm sự, góc nhìn con trẻ về L. như thế, L. cười vang “chuyện đó xưa rồi thầy ạ, em đi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, các bạn bảo thi chủ nhiệm dữ, chứ giỏi gì.

Mới về trường, học trò đủ mọi lứa tuổi, đứa lớn hiếp đáp đứa nhỏ, bất bình quá, em làm dữ để bảo vệ học trò hay bị ăn hiếp; tiếng “lành” đồn xa, một đồn … ngàn; em suýt ế chồng vì dữ luôn đó. Chỉ một năm là em “nổi tiếng”, chẳng cần dữ, lũ nhỏ cũng im re.”

- Vậy bây giờ em có đánh học trò nữa không?

Cô đã nuôi em được bữa cơm nào đâu? ảnh 2Đình chỉ công tác 15 ngày cô giáo đánh học sinh khuyết tật bầm tím

- Không, thầy ạ, có một lần, em đánh vào mông một bé hay bắt nạt bạn vì không cho nó chép bài, nó nói “Cô đã nuôi em được bữa cơm nào đâu? Sao đánh em?”.

“Ngẫm, đúng quá, thầy ạ. Hôm sau em gọi bé đó ra nói riêng “Em đã nuôi bạn được bữa cơm nào đâu, sao ngày nào cũng đánh bạn?”. 

Từ đó, không còn chuyện bắt nạt trong lớp, em tuyệt đối không đụng tay, đụng chân đến học trò nữa, bây giờ đồng nghiệp gọi em là dữ trong ngoặc. Đi dạy, mình cũng phải học, chính học trò thầy ạ.”

Những giáo viên đánh học trò nổi đình nổi đám trên báo chí, đã nuôi học trò đó được bữa cơm nào chưa nhỉ? Chắc chắn là chưa rồi!

Vậy trước khi dang tay đánh học sinh, bạn chỉ cần hỏi chính mình“Đã nuôi học trò được bữa cơm nào chưa? Sao đánh nó?”, tin rằng bạn sẽ bỏ tay xuống. Cách đơn giản nhất, tránh bao điều rắc rối, xảy ra cho chính mình.

Vậy nuôi trẻ có được đánh nó không? Chắc chắn là không rồi. Chúng ta đang hòa nhập quốc tế, hòa nhập phương pháp giáo dục hiện đại, văn minh; không còn cái khẩu hiệu “thương cho roi cho vọt… ” nữa.

Dù ở đâu, trên thế gian này, trẻ con đều đáng được bảo vệ, trân trọng; trong trường học lại càng phải như thế.

Bạo lực chỉ đẻ ra bạo lực, yêu thương mới lan toả yêu thương. Làm nghề giáo, cái cần đầu tiên là lòng nhân ái, có nó trong mỗi người giáo viên, chúng ta dễ dàng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh; gieo yêu thương, cho cây đời đơm hoa kết trái.

Sơn Quang Huyến