LTS: Thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đã xảy ra, khiến dư luận hết sức bất bình.
Thầy giáo Nguyễn Cao đặt câu hỏi về việc tại sao nhiều vụ việc bị phản ánh trên truyền thông mà có những giáo viên tiếp tục vi phạm?
Toà soạn trân trọng gửi độc giả bài viết.
Những vụ bạo lực học đường liên tục xảy ra vừa qua khiến chúng ta đau xót vô cùng về nhân phẩm của học trò, về đạo đức của người thầy.
Chúng tôi tự hỏi rằng không biết những giáo viên này hàng ngày có đọc báo và xem ti vi không?
Nếu có, sao chỉ trong vòng 20 ngày có tới 3 vụ bạo hành trẻ em tàn nhẫn đến vậy?
Lẽ nào những “tấm gương mờ” trước đó không phải là những bài học cảnh tỉnh cho một số giáo viên khác?
Sự việc giáo viên áp dụng hình phạt tát 231 cái mặt học trò lớp 6 ở Quảng Bình chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại phải chứng kiến thêm một sự việc tương tự ở Hà Nội khi giáo viên áp dụng với học trò lớp 2.
Mấy ngày nay, lại thêm một trường hợp đau lòng nữa là cô giáo đánh học sinh lớp 1 tím bầm lưng ở Long An.
Hình ảnh học sinh ở trường Tiểu học Bình Hữu bị cô giáo đánh tím bầm người được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Baodansinh.vn |
Những sự việc liên tục xảy ra như vậy ở cả 3 miền của đất nước khiến cho chúng ta thấy được một thực trạng đau lòng về đạo đức của một bộ phận người thầy.
Những vết thương lòng cũ chưa kịp lành lại có những vết thương mới xảy ra ở ngành giáo dục. Bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?
Bao giờ dư luận không phải chứng kiến những cảnh bất bình như những ngày vừa qua?
Điều đau đớn nhất là những vi phạm của giáo viên trong 3 vụ trên đều là giáo viên còn trẻ, có người mới ra trường.
Vì vậy, lẽ nào giáo viên lại không cập nhật được những hướng dẫn của ngành. Lẽ nào lại không đọc báo và xem ti vi hàng ngày.
Nếu xem, sao lại để xảy ra với mình như thế? Bởi, chỉ sự việc cô giáo cho học sinh tát 231 cái vào mặt đã chiếm phần lớn số trang trên các tờ báo.
Hàng ngày, chỉ cần mở chiếc điện thoại nối mạng Internet lướt qua trang Facebook của mình thì đã có hàng chục bài viết, phân tích chạy trên màn hình điện thoại.
Lẽ nào, các cô giáo này lại hững hờ với những thông tin từ ngành giáo dục mà mình đang công tác sao?
Một số giáo viên khi đã vi phạm trong thời gian qua thường lấy lý do là áp lực công việc, áp lực thi đua, áp lực thành tích… hay buồn về chuyện gia đình để biện minh cho hành động, việc làm sai trái của mình.
Nghĩ cũng thật nực cười. Con mình thì nâng niu, chăm bẵm từng ly, từng tí. Vậy mà học trò cứ xem như những bao cát trong các võ đường là sao?
Những trường hợp này có phải giáo viên thiếu bản lĩnh, non phương pháp hay chính tình thương, sự bao dung dành cho học trò của mình không có?
Rõ ràng, những giáo viên như vậy không xứng đáng với tiếng “thầy, cô” mà học trò đang gọi hàng ngày.
Hơn 3 tuần qua, sự việc cô giáo ở trường Trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Bình) áp dụng hình thức phạt học trò 231 cái tát vẫn chưa hết nóng.
Bởi, ngoài sự việc giáo viên bạo lực học trò thì hiệu trưởng nhà trường lại đưa ra hình thức điều tra học trò qua những phiếu điều tra.
Xét đến cùng, những việc làm của giáo viên và ngay cả hiệu trưởng nhà trường đã áp dụng những phương pháp giáo dục hoàn toàn không phù hợp.
Chỉ vì muốn được công nhận là trường chuẩn quốc gia ở mức độ II mà kéo theo nhiều cái sai của giáo viên và ngay cả cán bộ quản lý của nhà trường.
Thế rồi, sự việc cô giáo ở Trường tiểu học Quang Trung(Đống Đa, Hà Nội) cũng đang khiến cho dư luận nghi hoặc.
Bởi, giáo viên chủ nhiệm nói “không yêu cầu” học sinh tát bạn, nhưng học sinh lại nói có, gia đình nói có và nếu không có sao cô giáo lại bị đình chỉ 15 ngày công tác?
Vẫn có một cái gì đang uẩn khúc ở bên trong chăng?
Mấy hôm nay, sự việc giáo viên của Trường tiểu học Bình Hữu (Đức Hòa, Long An đánh học sinh bị bầm lưng do không kiềm chế được sự nóng giận của mình khiến cho chúng ta càng thêm đau đớn hơn. Bởi, em học sinh này bị khuyết tật.
Dù vẫn biết, áp lực trong ngành giáo dục nhiều năm qua là rất lớn đối với giáo viên bởi có rất nhiều phong trào thi đua, thi cử, sổ sách, hội họp, thành tích của bộ môn, của trường...
Song, điều mà chúng ta vẫn luôn thấy là đa phần các thầy cô giáo vẫn làm tốt công việc cả mình, luôn được đồng nghiệp và học trò tin cậy, yêu mến và cảm phục.
Vậy mà, một số giáo viên lại trở thành ác mộng cho học trò và xã hội!
Ông bà ta xưa thường nói: “Muốn đánh thì đẻ con ra/ Muốn ăn thì nấu của nhà mà ăn”, vì thế câu nói này vẫn luôn là bài học ý nghĩa cho chúng ta ngày hôm nay, nhất là với những thầy cô đang đứng lớp.
Bởi, con mình có đánh thì đó là chuyện của gia đình mình. Nhưng học trò là con của người ta, là xã hội sẽ lên tiếng, bênh vực lẽ phải.
Cho dù, ai cũng biết áp lực trong ngành giáo dục bây giờ là rất nhiều nhưng suy cho cùng thì ngành nào mà không có áp lực? Nên khi đánh học trò đừng đổ lỗi cho áp lực công việc.
Đã là con người, dù lớn hay bé ai mà lại không muốn mình được mọi người ứng xử nhân văn, phải đạo.
Học trò cũng vậy, các em như những cây non đang lớn, như những tờ giấy trắng tinh giữa cuộc đời.
Dù có vi phạm thì em học sinh nào cũng muốn được thầy cô khích lệ, yêu thương, động viên mình chứ không phải là những lời chửi bởi hay đánh đập để chấn áp tinh thần cũng như thể xác của học trò một cách nhẫn tâm thiếu tình người.
Những sự việc bạo hành trong những ngày qua rõ ràng các giáo viên này đáng trách vô cùng.
Có lẽ, người thầy không chỉ trau dồi về chuyên môn mà đạo đức cũng phải thường xuyên rèn luyện.
Một thầy cô tốt sẽ dạy có tác động đến rất nhiều học sinh trong từng năm học.
Một thầy cô chưa bao dung, nhân ái lấy bạo lực để giáo dục học trò sẽ có tác động tiêu cực đến nhiều em khác.
Vì thế, mỗi thầy cô giáo hãy hướng tới những điều tốt đẹp mà làm trọn thiên chức của mình. Đừng làm buồn thêm cho ngành giáo dục nước nhà nữa.