Nỗi khổ mang tên "trường chuẩn quốc gia"

24/10/2017 07:07
Nguyễn Cao
(GDVN) - Ở thời hiện đại, người ta đang quy định rất nhiều cái “chuẩn” nhưng ở ngành giáo dục thì cái “chuẩn” cao nhất phải là chất lượng giảng dạy và học tập thật.

LTS: Từ câu chuyện của Trường tiểu học Lệ Xá và Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A, với mong muốn được phản ánh những góc khuất phía sau danh hiệu "trường chuẩn quốc gia" của một số địa phương hiện nay, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Cũng theo tác giả, chính căn bệnh hình thức, giả dối trong ngành giáo dục đã và đang làm băng hoại nhiều giá trị truyền thống trong các nhà trường hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng mong muốn ngành giáo dục nước nhà phát triển, chất lượng giảng dạy được nâng cao, cơ sở vật chất được đầu tư tốt nhất, môi trường giáo dục thân thiện để hướng tới việc “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Thế nhưng, khi chất lượng giảng dạy và học tập chưa tốt, cơ sở vật chất còn khiêm tốn nhưng vì muốn được nhanh chóng trở thành trường chuẩn quốc gia mà nhiều nơi phải cố gắng làm bằng được thì đó thực sự là nỗi lo lớn cho xã hội.

Những giá trị cốt lõi nhất trong nhà trường bị đảo lộn, thật giả không rõ ràng thì những tờ giấy công nhận là trường chuẩn quốc gia cũng trở nên vô nghĩa.

Phía sau các danh hiệu trường chuẩn quốc gia của một số địa phương đang ẩn dấu nhiều những góc khuất đáng buồn.

Sự kiện bà Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lệ Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vừa bị công an tỉnh Hưng Yên khởi tố vụ án, bắt tạm giam vì để xảy ra nhiều sai phạm mà nổi cộm nhất là tình trạng lạm thu các khoản đóng góp đầu năm học cho ta thấy một bài học cay đắng.

Bà Nguyễn Thị Quyên cho biết những khoản thu trái quy định cũng chỉ vì "trường chuẩn quốc gia", nhiều "trường chuẩn" phải làm thế chứ không riêng Lệ Xá. Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.
Bà Nguyễn Thị Quyên cho biết những khoản thu trái quy định cũng chỉ vì "trường chuẩn quốc gia", nhiều "trường chuẩn" phải làm thế chứ không riêng Lệ Xá. Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.

Có lẽ, lúc này chúng ta chưa thể phán xét sự đúng sai về những việc làm của bà Quyên, nhưng theo lí giải của bà trước cơ quan chức năng và báo chí thì những việc bà Quyên đã làm đáng để cho chúng ta suy ngẫm.

Bà Quyên nói về tình trạng lạm Trường Tiểu học Lệ Xá như sau:

Do ngân sách cấp cho trường eo hẹp nên để có kinh phí hoạt động cũng như xây dựng nhà trường khang trang theo chuẩn quốc gia nên không chỉ Lệ Xá mà nhiều nhà trường cũng trong tình trạng tương tự, vì căn bệnh thành tích, biết sai nhưng vẫn làm.

Tôi cũng biết rằng người dân Lệ Xá là một xã nghèo nhưng vì để phấn đấu trường đạt chuẩn mức độ 2 nên là phải chạy theo cái đó.

Không đạt chuẩn mức độ 2 thì học sinh không được học 2 buổi/ngày và chúng tôi mất nhiều tiêu chí”. [1]

Ngày 21/10/2017, trên Báo Thanh niên có bài viết: “Nhiều học sinh trường chuẩn quốc gia không biết đọc, biết viết”.

Đó là câu chuyện Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (Huyện Trần Đề, Sóc Trăng) là trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng hiện có nhiều học sinh không biết đọc, không biết viết mà vẫn được nhà trường cho lên lớp.

Nỗi khổ mang tên "trường chuẩn quốc gia" ảnh 2

Học trò yếu cứ để lại lớp, sao cứ kéo tuột lên lớp thế?

Trong đó, chỉ riêng ở lớp 2H có 24 học sinh nhưng chỉ có 4 em đọc trôi chảy.

Số còn lại, một số em chỉ biết đánh vần một cách khó nhọc, một số em khác biết vần nhưng không ghép được, có em không biết đọc, không biết viết.

Vì vậy, nhiều phụ huynh đến xin ban giám hiệu nhà trường cho con ở lại lớp 1. [2]

Từ 2 sự việc như đã nêu ở trên đã cho chúng ta thấy được phần nào một thực trạng rất đau lòng, lãnh đạo nhà trường thì muốn đạt được trường chuẩn nên bất chấp tất cả để thu tiền cha mẹ học sinh mà đầu tư cho cơ sở hạ tầng;

Giáo viên đứng lớp phải nhắm mắt làm ngơ để học sinh không biết đọc, biết viết mà vẫn phải cho lên lớp. Vì sao vậy?

Theo Thông tư Số 59/2012/TT-BGDĐT công nhận trường chuẩn quốc gia cấp Tiểu học thì tại Tiêu chuẩn 3, Điều 9 đã quy định Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học phải đạt chuẩn như sau:

1. Khuôn viên, cổng trường, hàng rào bảo vệ, sân chơi, sân tập:

a) Diện tích khuôn viên và các yêu cầu về xanh, sạch, đẹp, thoáng mát đảm bảo tổ chức hoạt động giáo dục;

b) Có cổng, biển tên trường, tường rào bao quanh;

c) Có sân chơi, sân tập thể dục thể thao.

2. Phòng học, bảng, bàn ghế cho giáo viên, học sinh

a) Số lượng phòng học đủ cho các lớp học để không học ba ca. Phòng học được xây dựng đúng quy cách, đủ ánh sáng;

b) Bàn ghế học sinh đảm bảo yêu cầu về vệ sinh trường học; có bàn ghế phù hợp cho học sinh khuyết tật học hòa nhập;

c) Kích thước, màu sắc, cách treo của bảng trong lớp học đảm bảo quy định về vệ sinh trường học.

3. Khối phòng, trang thiết bị văn phòng phục vụ công tác quản lý, dạy và học

a) Khối phòng phục vụ học tập bao gồm: thư viện, phòng để thiết bị giáo dục; khối phòng hành chính quản trị bao gồm: phòng hiệu trưởng, phòng họp;

c)) Phòng y tế trường học có tủ thuốc với các loại thuốc thiết yếu;

d) Có các loại máy văn phòng (máy tính, máy in) phục vụ công tác quản lí và giảng dạy.[3]

Nỗi khổ mang tên "trường chuẩn quốc gia" ảnh 3

"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích"

Chính vì sự quy định như thế mà trong khi đầu tư từ ngân sách có hạn nên những hiệu trưởng như cô Quyên phải lách luật, thậm chí là “biết sai nhưng vẫn làm” bởi tất cả cũng từ căn bệnh thành tích mà ra cả.

Cũng theo cô Quyên thì “không chỉ Lệ Xá mà nhiều nhà trường cũng trong tình trạng tương tự” cho thấy những góc khuất đang được ẩn sau những danh hiệu mang tên “trường chuẩn”.

Việc cô Quyên hay một số hiệu trưởng đã và đang “lách luật” để lạm thu thật đáng lên án, nhưng rõ ràng chúng ta cũng thấy được những khó khăn khi họ đảm nhận nhiệm vai trò của một người hiệu trưởng ở trường chuẩn quốc gia.

Tôi có một người bạn hiện đang làm hiệu trưởng một trường cấp 2 ở một tỉnh phía Nam, anh tâm sự rằng:

“Làm hiệu trưởng một trường chuẩn quốc gia không có gì sung sướng cả. Cái gì cũng phải “chuẩn” nên không chỉ Ban giám hiệu mệt mỏi mà giáo viên trong trường cũng vất vả không kém”.

Những trường chuẩn thì thường xuyên được sở, phòng chọn làm điểm đến của các lớp tập huấn, bồi dưỡng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Lãnh đạo cũng hay ghé thăm, nhất là trường của anh bạn tôi lại gần một điểm du lịch.

Vì thế, mỗi khi lãnh đạo về phòng thì hay ghé điểm này tham quan và ghé thăm trường anh. Tất nhiên, sau khi ghé thăm trường và tham quan khu du lịch thì hay ghé “ăn cơm thân mật” tại một nhà hàng nào đó.

Và, điều dĩ nhiên là ban giám hiệu nhà trường sở tại phải trả tiền cho các lần tham dự ấy. Không trả thì không được mà trả thì phải yêu cầu kế toán nhà trường tìm cách “lách” một khoản kinh phí nào đó để bù lại.

Dù biết sai nhưng đành phải làm vậy chứ trong kế hoạch chi tiêu đâu có khoản nào cho chi tiếp khách và cũng chẳng có ban giám hiệu nhà trường nào mà lại lấy tiền túi ra trả cho các buổi tiệc “bất đắc dĩ” phải như vậy.

Chuyện chất lượng giảng dạy ở trường chuẩn cấp tiểu học cũng được thể hiện trong Thông tư Số 59/2012/TT-BGDĐT và khống chế tỉ lệ về Kết quả xếp loại giáo dục của học sinh như sau:

a) Tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên đạt ít nhất 90%;

b) Tỷ lệ học sinh xếp loại khá đạt ít nhất 30%; xếp loại giỏi đạt ít nhất 5%;

c) Có học sinh tham gia các hội thi, giao lưu do các cấp tổ chức.[3]

Nỗi khổ mang tên "trường chuẩn quốc gia" ảnh 4

Điều gì khiến học sinh lớp 6 rơi nước mắt vì không biết đọc, biết viết?

Với những quy định như vậy, trong khi số lượng học sinh quy định trường chuẩn cấp Tiểu học không quá 35 học sinh mà “Tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên đạt ít nhất 90%” thì mỗi lớp chỉ có thể xếp được 2 em yếu kém còn yếu đến đâu cũng phải “đẩy” cho các em lên lớp cả.

Nếu không làm vậy thì không được nên mới có chuyện nhiều học sinh lớp 2 mà không biết đọc như trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A ở Sóc Trăng.

Ở thời hiện đại, người ta đang quy định rất nhiều cái “chuẩn” nhưng ở ngành giáo dục thì cái “chuẩn” cao nhất phải là chất lượng giảng dạy và học tập thật.

Nếu chúng ta cứ căn cứ vào những cái chuẩn viển vông mà không căn cứ vào tình hình thực tế của nền giáo dục nước nhà thì hậu quả trong tương lai sẽ rất khó lường hết được.

Lãnh đạo, thầy cô giáo nhà trường dù không muốn giả dối cũng phải bắt buộc giả dối. Học sinh dù yếu kém cũng được lên lớp. Tất cả chỉ vì những số liệu ảo, thành tích ảo và sự hào nhoáng bên ngoài của mỗi ngôi trường mà thôi.

Trường đạt chuẩn quốc gia mà giáo viên, học sinh không đạt “chuẩn thật” thì đâu còn giá trị gì.

Chỉ tiếc rằng căn bệnh hình thức, giả dối trong ngành giáo dục đang làm băng hoại nhiều giá trị truyền thống trong các nhà trường hiện nay.

Liệu Bộ Giáo dục và lãnh đạo các địa phương sở tại có trăn trở về những “góc khuất” này không?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hieu-truong-truong-tieu-hoc-thu-trai-quy-dinh-hon-3-ty-dong-406053.html

[2]http://thanhnien.vn/giao-duc/nhieu-hoc-sinh-truong-chuan-quoc-gia-khong-biet-doc-biet-viet-892110.html

[3]https://www.google.com.vn/thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-59-2012-TT-BGDDT-cong-nhan-truong-tieu-hoc-dat-chuan-quoc-gia-163114.aspx&usg

Nguyễn Cao