Ngày 4/5, bên lề hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức tại Trường Trung học Phổ thông Phạm Công Bình, phóng viên có dịp trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Bích Nguyệt về công tác dạy môn địa lý ở trường phổ thông hiện nay.
Theo cô Bích Nguyệt, bất cập hiện nay của môn địa lý chính là xung đột giữa chương trình học và nội dung thi đang vênh nhau.
Trong nội dung thi trung học phổ thông quốc gia đòi hỏi học sinh thực hành các bài tập về kỹ năng vẽ đồ thị và đọc Atlat rất nhiều.
Thế nhưng, trong chương trình giảng dạy thì thời lượng dành cho các phần này lại rất ít.
Chương trình giảng dạy hiện thiên về lý thuyết trong khi các bài rèn luyện kỹ năng chỉ được lồng ghép nhỏ giọt.
Do đó, muốn trang bị cho các em kiến thức để thi quốc gia bắt buộc giáo viên tăng cường dạy thêm, học thêm.
“Tôi cho đây là một bất cập vì chương trình một đằng, thi một nẻo” – cô Bích Nguyệt nói.
Cô Nguyễn Thị Bích Nguyệt cho rằng: "Chương trình giảng dạy hiện thiên về lý thuyết trong khi các bài rèn luyện kỹ năng chỉ được lồng ghép nhỏ giọt" - ảnh Trinh Phúc. |
Giải thích cho nhận định của mình, cô Bích Nguyệt cho biết, hiện trong chương trình địa lý không có bài dạy nào có nội dung trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng Atlat. Riêng kỹ năng biểu đồ, đồ thị được lồng ghép rải rác trong từng bài học.
Học sinh muốn làm được bài thi khi thi quốc gia đòi hỏi phải có kỹ năng xử lý số liệu, chọn lựa biểu đồ phù hợp, biết cách nhận xét, giải thích biểu đồ, đồ thị...
Do đó, để học sinh có kiến thức và kỹ năng làm bài thi buộc giáo viên phải dạy thêm ngoài giờ.
Qua trao đổi, cô Bích Nguyệt còn chỉ ra một bất cập nữa của chương trình môn địa lý hiện hành đó là môn học mang tính thực tế cao, đòi hỏi phải học tập từ thực tế rất nhiều nhưng chương trình lại chỉ bố trí giờ giảng đa số dạy trên lớp.
Các tiết học thực tế cho học sinh hầu như không có kể cả các tiết địa lý địa phương.
Cũng trong buổi trao đổi này, một vấn đề mà giáo viên quan tâm chính là việc dạy tích hợp liên môn.
Nhiều giáo viên tỏ ra lo lắng khi phải tiến hành dạy theo phương pháp mới này.
Trao đổi với phóng viên về chủ đề này, cô Bích Nguyệt cho biết, môn địa lý có ưu thế là dễ tìm nhiều chủ đề hay để tổ chức dạy học tích hợp.
Thách thức lớn nhất theo cô Bích Nguyệt đó là đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức đa môn vững chắc.
Tuy nhiên, do kiến thức địa lý đòi hỏi rộng từ tự nhiên đến xã hội nên không phải lúc nào giáo viên cũng xử lý hoàn hảo.
Kinh nghiệm của cô Bích Nguyệt mỗi khi dạy một chủ đề tích hợp khó, đòi hỏi kiến thức liên môn thì kết hợp với một giáo viên của bộ môn khác cùng tham gia giảng dạy.
Cô Bích Nguyệt kể rằng: “Khi dạy tích hợp bài “Sóng, Thủy triều dòng biển” với một giáo viên vật lý.
Hay dạy tích hợp vấn đề “Toàn cầu hóa, khu vực hóa” cô đã kết hợp với một giáo viên dạy sử”.
Một khó khăn nữa mà trong dạy tích hợp theo cô Bích Nguyệt đó là thời gian để soạn một giáo án tích hợp.
Phải cần dành nhiều thời gian, ít nhất phải một tuần để có một giáo án hợp lý. Ngoài ra, vấn đề tìm kiếm tài liệu tham khảo cũng rất vất vả.
Do đó, cô Bích Nguyệt hy vọng, sau này sẽ có nhiều tài liệu hướng dẫn cung cấp cho giáo viên nhiều tài liệu tham khảo.
Viết sách giáo khoa lịch sử, hãy nghĩ đến học sinh, đừng viết cho nhà nghiên cứu |
Chia sẻ thêm với phóng viên, cô giáo Bích Nguyệt cho rằng môn địa lý từ lâu vẫn được xem là môn phụ.
Trong chương trình phổ thông mới, môn sử, địa, giáo dục công dân là mộn học tự chọn nên lo lắng vị thế của môn học sẽ còn xuống thấp trong mắt của học sinh và phụ huynh.
Do đó, khó khăn của giáo viên dạy địa lý không phải là kiến thức hay nhiệt huyết với nghề mà là làm sao để học sinh yêu thích môn địa lý để các em ý thức học tập môn học này.
“Đây là vấn đề rất buồn đối với giáo viên dạy địa lý. Học sinh không xem trọng môn học nên nhiều khi cảm thấy rất buồn.
Trong khi một số nước, bài thi lịch sử, địa lý là bài thi bắt buộc. Gần như các trường đại học đều xem là mộn học chính.
Trong khi Việt Nam chúng ta lại xem môn địa lý, lịch sử như là môn phụ” – cô Bích Nguyệt ngậm ngùi nói.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội tới hơn 700 học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Công Bình - Vĩnh Phúc (ảnh Trinh Phúc). |
Ngày 4/5, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường trung học phổ thông Phạm Công Bình tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, hội thảo đã thu hút hơn 700 học sinh cùng cán bộ, giáo viên của trường trung học phổ thông Phạm Công Bình. Tại hội thảo lần này, các em học sinh được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777, Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |