Cô giáo trẻ tiên phong trong dạy học tích hợp STEM ở Hải Phòng

08/01/2019 06:40
LÃ TIẾN
(GDVN) - Cô giáo Trịnh Thị Thu Chang đi tiên phong trong việc dạy học tích hợp STEM để phát triển năng lực của học sinh trong việc học tập bộ môn Vật Lý.

Năm 2006, tốt nghiệp Đại học Hải Phòng, cô giáo trẻ Trịnh Thị Thu Chang về công tác tại Trường Trung học cơ sở Lam Hà (quận Kiến An, Hải Phòng).

Sau 3 năm gắn bó tại ngôi trường này, cô Chang được điều về công tác tại Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện.

Hiện cô Chang đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 8A7 và giáo viên dạy môn vật lý ở ngôi trường “điểm” của quận Kiến An.

Cô giáo Trịnh Thị Thu Chang cùng học sinh trong giờ thực hành môn Vật Lý (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Trịnh Thị Thu Chang cùng học sinh trong giờ thực hành môn Vật Lý (Ảnh: Lã Tiến)

Cô Chang chia sẻ: “Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình đã yêu thích môn Vật Lý, vì mình thấy môn học này tuy khô khan nhưng hữu ích với cuộc sống.

Chính bởi lẽ đó, khi bắt tay vào việc giảng dạy môn Vật Lý bản thân mình luôn tâm niệm phải có cách truyền đạt mới mẻ để khiến các học sinh quan tâm và muốn học môn học này”.

Vì thế, để học sinh dễ nắm bắt được kiến thức môn Vật Lý, cô Chang thường gắn thực tế xung quanh để đưa vào các bài giảng.

Cô Chang còn sưu tầm thêm những câu vè, câu đố vui về tên các định luật để tạo trò chơi vui nhộn, lồng ghép vào bài học, giúp các em nhớ lâu, hiểu kỹ những công thức mới.

Chính vì vậy, học sinh của cô Chang luôn cảm thấy yêu thích, chờ đợi đến giờ được học môn học khô khan này.

Cô Chang là một trong những giáo viên tiên phong trong dạy học tích hợp STEM (Ảnh: Lã Tiến)
Cô Chang là một trong những giáo viên tiên phong trong dạy học tích hợp STEM (Ảnh: Lã Tiến)

Mặc dù đảm nhiệm nhiều công việc: giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng bộ môn, giáo viên phụ trách đội tuyển học sinh giỏi…nhưng ở cương vị nào cô Chang cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cô Chang còn là người đi tiên phong trong việc dạy học tích hợp STEM để phát triển năng lực của học sinh trong việc học tập bộ môn Vật Lý.

Theo cô giáo Chang, môn Vật Lý là bộ môn khoa học thực nghiệm, tư tưởng chỉ đạo của sách giáo khoa Vật Lý trung học cơ sở là nội dung kiến thức mới được hình thành phần lớn thông qua các thí nghiệm thực hành.

Điều đó không chỉ tích cực hoá việc học tập của học sinh mà còn rèn luyện kỹ năng sử dụng thiết bị, đồ dùng trong cuộc sống, rèn luyện thái độ, đức tính kiên trì , tác phong làm việc của những người khoa học trong thời đại công nghệ.

Cô giáo trẻ tiên phong trong dạy học tích hợp STEM ở Hải Phòng ảnh 3

Hoa trên đá: Giá như có bàn tay người đàn ông

Thực tế trong nhiều năm qua, chất lượng thiết bị, thời gian thí nghiệm, thói quen có rất nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng  không ít tới việc tích cực hoạt động của giáo viên và học sinh.

Mặt khác, trong chương trình Vật Lý trung học cơ sở, ngoài các bài thí nghiệm đã được chỉ định tối thiểu và đã có thiết bị đi kèm thì nhiều nội dung thí nghiệm khác trong sách giáo khoa chưa có dụng cụ thí nghiệm.

Điều đó đòi hỏi sự sáng tạo, tích cực của giáo viên và học sinh để tạo ra nhưng dụng cụ phục vụ nội dung bài học.

“Việc giáo viên và học sinh tự thiết kế chế tạo và sử dụng các dụng cụ thí nghiệm đơn giản qua các vật liệu đơn giản dễ kiếm dựa trên các kiến thức lý thuyết chính là một phương thức đơn giản của việc tích hợp STEM trong dạy học Vật Lý.

Mỗi sản phẩm làm được phải là sự gắn kết lý thuyết của bộ môn Vật Lý, Công nghệ, Hóa học, Sinh học, sự tính toán kỹ lưỡng của bộ môn Toán học.

Nhưng điều quan trọng nhất là học sinh được trải nghiệm thực tế, được thực hành những lý thuyết đã học, củng cố lý thuyết qua thực tiễn chứ không dừng lại ở việc phải các bài tập giả định thực tế khô khan, cứng nhắc”, cô Chang nói.

Cô giáo Trịnh Thị Thu Chang (bên trái) luôn được các đồng nghiệp, học sinh yêu mến (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Trịnh Thị Thu Chang (bên trái) luôn được các đồng nghiệp, học sinh yêu mến (Ảnh: Lã Tiến)

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sáng kiến kinh nghiệm đưa dạy học tích hợp STEM vào môn Vật Lý của cô Chang giúp học sinh có sự hăng hái, tích cực hơn trong quá trình học tập.

Đồng thời, học sinh hào hứng, tự nguyện tham gia các công việc học tập ở trên lớp cũng như về nhà; có khả năng tự học, tự khám phá, có khả năng sáng tạo trong học tập và giải quyết vấn đề.

Qua hoạt động trải nghiệm, học sinh được rèn luyện tư duy logic, tư duy phản biện, được rèn luyện nhiều kĩ năng sống như kĩ năng giao tiếp – hợp tác (khi làm việc theo nhóm), kĩ năng thực hành, …

Bên cạnh việc thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Chang còn “mát tay” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Hầu như năm nào, học sinh của cô Chang cũng đoạt nhiều giải thưởng lớn, nhỏ ở môn Vật Lý.

Cô giáo trẻ tiên phong trong dạy học tích hợp STEM ở Hải Phòng ảnh 5

Trò chuyện với cao thủ bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi quốc gia

Năm học 2017-2018, đội tuyển học sinh giỏi môn Vật Lý do cô phụ trách giành 1 giải nhất, 2 giải nhì và 2 giải ba cấp quận; sau đó đoạt 1 giải nhì, 2 giải ba cấp thành phố môn Vật Lý lý thuyết.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy tốt, dạy hay môn Vật Lý, cô Chang cho biết: “Muốn “truyền lửa” tới học sinh, bản thân mỗi giáo viên phải giữ trọn ngọn lửa đam mê.

Yêu công việc mình làm, yêu bộ môn mình giảng dạy chính là niềm cảm hứng để giáo viên tìm tòi, học hỏi và lắng nghe học trò nhiều hơn”.

Cô giáo Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện cho biết: “Cô giáo Chang là Tổ phó tổ Khoa học tự nhiên của nhà trường, có năng lực chuyên môn vững vàng và có tinh thần, trách nhiệm cao với công việc.  

Hơn nữa, cô Chang còn là giáo viên có bề dạy trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, là cốt cán chuyên môn của thành phố Hải Phòng”.

Cuối tháng 5/2018, cô Chang vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi.

LÃ TIẾN