Tại Hội thảo giáo dục năm 2017 do Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (22/9/2017), bà Vi Thị Mỹ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Ca, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã có tham luận: “Đề xuất giải pháp đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy bậc tiểu học, đề xuất đổi mới công tác quản lý giáo dục bậc tiểu học” được đánh giá cao.
Bằng kinh nghiệm thực tế giảng dạy và tham gia công tác quản lý giáo dục 35 năm ở vùng núi cao tỉnh Cao Bằng, bà Vi Thị Mỹ đã có những góc nhìn sâu sắc về những vấn đề tồn tại của giáo dục hiện nay.
Bà Vi Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Ca (Cao Bằng) - ảnh Trinh Phúc. |
Trong đó, bà đã chỉ ra những bất cập như chương trình hiện hành nặng về nội dung, cả cô và trò không dám và không thể bước ra ngoài ranh giới của việc học tập nội dung kiến thức các môn được trình bày trong các sách giáo khoa môn học.
Vì vậy, với đa số học sinh việc học luôn quá tải, mệt mỏi, không hứng thú.
Với giáo viên, việc phải trung thành với sách giáo khoa và "phương pháp" dạy học được tập huấn từ trên xuống dưới, từ trung ương tới tận các bản làng heo hút đã làm cho đội ngũ giáo viên thụ động làm theo lối mòn.
“Người giáo viên làm việc đối phó như thường chỉ chỉnh sửa một chút từ giáo án cũ, có đủ hồ sơ đẹp, sạch sẽ, thuộc nằm lòng "quy trình, phương pháp lên lớp" để đáp ứng với các đợt thao giảng, thanh tra và đáp ứng được cung cách quản lý nặng về hình thức, chú trọng hồ sơ để làm hài lòng các cấp quản lý.
Cách quản lý bảo thủ, trì trệ, áp đặt, một chiều và duy ý chí đã tồn tại từ rất lâu trong ngành giáo dục của chúng ta cũng là một hạn chế lớn” – bà Vi Thị Mỹ nhấn mạnh.
Bà Vi Thị Mỹ bày tỏ mong muốn, công tác quản lí giáo dục sẽ thay đổi tạo nên môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại và nhân văn, trong đó người thầy phải được đặt ở vị trí trung tâm, được tôn trọng và tự chủ trong công việc.
Để làm được điều này, Bà Vi Thị Mỹ cho rằng, cần thiết phải đổi mới về công tác tập huấn chuyên môn.
Tập huấn chuyên môn là hoạt động vô cùng quan trọng đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Những tập huấn chuyên môn đã thực hiện trước đây có vẻ như không hợp lí.
Không thể có cách làm, phương pháp ấn định từ một số ít chuyên gia của Bộ Giáo dục mà có thể phù hợp cho mọi đối tượng học sinh ở tất cả các vùng miền trên cả nước.
Theo bà Mỹ: “Từ chương trình khung của Bộ Giáo dục, cũng như các Thông tư, văn bản hướng dẫn chuyên môn, việc tập huấn nên trực tiếp ngay tại cơ sở (cấp quận huyện) mà không qua nhiều khâu như hiện nay.
Lí do tôi đề xuất như vậy vì khi người dạy và người phụ trách chuyên môn giáo dục ở cấp huyện được chủ động trực tiếp nghiên cứu tài liệu, phương pháp, không lệ thuộc vào "trên" thì khi có vướng mắc sẽ tháo gỡ kịp thời, đồng thời cũng tìm ra những phương pháp phù hợp với đối tượng học của địa phương”.
Liên quan đến bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Ca, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho rằng cần đổi mới về công tác bồi dưỡng thường xuyên.
Theo đó, công tác bồi dưỡng thường xuyên hiện nay là nghiên cứu những mô-đun được gửi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi làm bài thu hoạch (viết tay). Hết một năm học, hầu hết giáo viên không nhớ mình đã nghiên cứu mô- đun nào và viết được gì!
Có thể thay bằng việc giáo viên thường xuyên xem xét, đánh giá lại những cách làm, những kết quả mà mình đã thực hiện trên lớp được giao, những khó khăn cần tháo gỡ, những đề xuất cần lưu ý hoặc khắc phục để đạt được chất lượng giáo dục tốt hơn.
Hay nói cách khác, bồi dưỡng thường xuyên phải xuất phát từ cơ sở, tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở.
Một vấn đề bà Vi Thi Mỹ rất tâm huyết đó chính là mong muốn đổi mới quản lý hồ sơ chuyên môn. Theo bà Mỹ: “Cần kiên quyết loại bỏ những hồ sơ, sổ sách không cần thiết cùng tư duy "viết tay" của đội ngũ quản lí.
Hiện nay, giáo viên còn phải viết tay nhiều loại sổ, điều đó tạo cho giáo viên nhiều áp lực, mệt mỏi không cần thiết và làm lãng phí nguồn kinh phí không hề nhỏ cho việc in sổ.
“Ví dụ về một loại sổ: Thông tư 22 quy định hồ sơ học sinh chỉ có Bảng tổng hợp chất lượng, giáo viên tổng hợp kết quả của lớp rồi in ra nộp, rất hợp lí. Tuy nhiên, trên lại cấp sổ in về, giáo viên lại phải chép tay, vừa tốn kém về kinh phí, vừa mất thời gian ngồi chép, vừa công kềnh khi lưu trữ” – bà Mỹ nói.
Trong các ý kiến đóng góp bà Vi Thị Mỹ rất tâm huyết về việc đổi mới quản lý chất lượng.
Bà Mỹ cho rằng: “Với bậc học tiểu học được coi là bậc nền móng kiến thức nhưng giáo viên, địa phương không được chủ động quyết định về phương pháp, cách thức dạy học phù hợp đối tượng học sinh thì vẫn sẽ khó đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất trong việc đảm bảo chất lượng là từ lớp nền móng (lớp 1) cần giảm sĩ số không quá 20 học sinh/lớp để lớp 1 đảm bảo đọc viết tốt thì việc sĩ số đông ở lớp trên cũng ít bị ảnh hưởng chất lượng”.
Ngoài ra, Bà Vi Thị Mỹ cho rằng, cần thiết phải đổi mới về đánh giá giáo viên. “ Lâu nay, một tiêu chí rất quan trọng trong đánh giá giáo viên là qua tiết thao giảng hàng năm.
Qua thực tế công tác bản thân mà tôi nhận tiết dự giờ thao giảng gần như chỉ còn là tiết "diễn", nó làm xấu đi, làm “tội nghiệp” về hình ảnh của người thầy.
Kết quả những tiết thao giảng đó còn phụ thuộc phần lớn vào ý chí và suy nghĩ theo chiều hướng của người dự.
Vì vậy, tôi đã được chứng kiến những giáo viên không có tâm trong nghề nghiệp nhưng họ rất chau chuốt về hồ sơ và luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận huyện.
Những giáo viên đó cũng dường như luôn được lãnh đạo ưu ái, đánh giá cao vì làm đẹp thành tích của trường, của huyện, nhưng nếu để học sinh và phụ huynh đánh giá thì họ sẽ bị đào thải vì phụ huynh và xã hội chỉ muốn chất lượng thật mà thôi .
Vì vậy, cẩn bỏ ngay việc đánh giá giáo viên qua tiết dự giờ, thao giảng, thanh tra, kiểm tra hồ sơ và thay bằng đánh giá giáo viên qua sản phẩm của họ là chất lượng học sinh và qua nhiều kênh thông tin như đánh giá của học sinh, phụ huynh và của đồng nghiệp, trong đó coi trọng đánh giá từ học sinh và phụ huynh.
Những thầy cô tận tâm với nghề sẽ luôn được đánh giá công bằng từ học sinh và phụ huynh. Những thầy cô yếu kém về năng lực hoặc không tâm huyết với nghề sẽ tự đào thải do chính đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh không công nhận.
Bỏ ngay và tất cả "những cái khung cứng nhắc" được đóng từ cấp trên, những “sợi dây thòng lọng” đối với người thầy và tầng tầng lớp lớp các bậc thanh tra từ cấp Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn, bộ môn…và cả những cách tạo áp lực từ trên xuống:
Bộ giội áp lực xuống sở, sở gây áp lực cho phòng giáo dục, cho hiệu trưởng...
Khi việc đánh giá năng lực của thầy cô không còn phụ thuộc chủ yếu vào người quản lí và một số người làm giám khảo cũng như các đội ngũ thanh tra kiểm tra, những thầy cô chân chính sẽ không còn phải "Lo đối phó “nặng” hơn dạy trò?";)
Khi đó, hi vọng chúng ta sẽ có một môi trường giáo dục dân chủ thực sự, cởi mở và tiến bộ giúp cho đổi mới giáo dục thành công” – cô Vi Thị Mỹ đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bên hành lanh Cuộc hội thảo giáo dục năm 2017 Bà Vi Thị Mỹ chia sẻ thêm:
“Trong đổi mới giáo dục phổ thông đừng như VNEN, vì sách viết trình tự từng bước, cô trò cứ phải theo từng bước học đó như kiểu cầm tay chỉ việc nên cả trò và cô bị lệ thuộc hoàn toàn vào sách.
Điều này chưa đạt yêu cầu đặt ra, VNEN chưa đáp ứng được quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh tích cực nhưng kiến thức thu được chưa phải của bản thân học sinh, mà chỉ là nhắc lại sách. Cho nên cần phải có cách thức và phương pháp khác hơn”.