Tiêu chí chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục có mâu thuẫn không?

28/09/2017 07:19
Hồng Ngọc
(GDVN) - Theo kế hoạch đến cuối năm 2017, Bộ sẽ ban hành 3 Thông tư: Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia...

Cùng với việc triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) bậc đại học, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai gần 10 năm qua.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mỹ Phong, Trưởng phòng phụ trách về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về những kết quả đạt được cũng như bài học kinh nghiệm, giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Ông Lê Mỹ Phong, Trưởng phòng phụ trách về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục của Cục Quản lý chất lượng (Ảnh: tác giả cung cấp).
 Ông Lê Mỹ Phong, Trưởng phòng phụ trách về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục của Cục Quản lý chất lượng (Ảnh: tác giả cung cấp).

Bước tiến dài của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục

Phóng viên: Kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên nói riêng là một nhiệm vụ cần thiết và quan trọng, góp phần làm chuyển biến và nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian qua, công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở mầm non, phổ thông và thường xuyên đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Lê Mỹ Phong: Cùng với kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm quan tâm đến kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên. 

Từ 2015 đến nay, công tác này đã có những bước tiến dài. Đến thời điểm 31/5/2017, trong số gần 44.000 trường mầm non, phổ thông, thường xuyên của cả nước đã có 95,3% số trường đã hoàn thành tự đánh giá, có gần 16.000 trường (chiếm 36,2%) đã được đánh giá ngoài. 

Số trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng chiếm 98,9% số trường đã được đánh giá ngoài.

Kiểm định chất lượng giáo dục đã làm thay đổi cách nhìn nhận về công tác quản lý và chỉ đạo, tăng cường năng lực quản lý nhà trường và quản lý dạy, học.

Trong các cơ sở giáo dục được kiểm định, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường đã bước đầu quen với văn hóa chất lượng, có ý thức và trách nhiệm trong việc xây dựng nhà trường ngày một tốt hơn. 

Trong quá trình triển khai thực hiện, ông nhận thấy các trường gặp khó khăn, vướng mắc gì ?

Ông Lê Mỹ Phong: Trước hết là vấn đề kinh phí, vài năm đầu triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, do hoạt động này còn mới, việc xây dựng một thông tư liên tịch giữa 2 Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Tài chính là rất khó khăn. 

Đến tháng 8/2014, Thông tư liên tịch số 125/2014/TTLT-BTC-BGDĐT Quy định về mức chi cho hoạt động Kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên được ban hành đã cơ bản tháo gỡ được. Đây cũng là một trong những lý do, hoạt động này được tăng tốc trong 3 năm gần đây. 

Tiêu chí chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục có mâu thuẫn không? ảnh 2

Cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn chất lượng sẽ bị đình chỉ tuyển sinh

Thứ hai là cơ chế, chính sách, hiện nay, quy định của Bộ còn có nhiều hình thức đánh giá nhà trường, đã ảnh hưởng khá nhiều đến các hoạt động của cơ sở giáo dục. 

Tại một số địa phương mặc dù đã xây dựng được một số chính sách khuyến khích những đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục và đạt cấp độ cao. 

Tuy nhiên, về mặt tổng thể, các chính sách này chưa thực sự hiệu quả, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những cơ sở giáo dục làm không tốt.

Thứ ba là các khó khăn bất cập mang tính chủ quan từ phía cơ sở như: tư tưởng ngại khó, ngại tiếp cận với vấn đề mới; bệnh thành tích; công tác quản lý hành chính, văn thư lưu trữ của nhiều nhà trường còn yếu…

Trong quá trình tiến hành công tác tự kiểm định chất lượng giáo dục, đối tượng thực hiện là cán bộ giáo viên. Mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn cách thức tiến hành nhưng không ít giáo viên vẫn tỏ ra lúng túng. 

Hơn nữa giáo viên một mặt phải “kiêm nhiệm” thêm công tác kiểm định trong khi vẫn phải tập trung hoàn thành công tác chuyên môn và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công.

Theo ông, việc đặt lên vai giáo viên trách nhiệm này liệu có đúng chuyên môn và khá nặng nề?

Ông Lê Mỹ Phong: Tham gia công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nhất là hoạt động tự đánh giá là trách nhiệm chung của tất cả các thành viên trong mỗi cơ sở giáo dục (từ lãnh đạo trường đến giáo viên, nhân viên, học sinh. 

Điều này sẽ giúp báo cáo tự đánh giá phản ánh đúng thực trạng nhà trường và đề ra được các kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của nhà trường trong từng giai đoạn cụ thể. 

Đối với đánh giá ngoài, thời gian cũng không mất quá nhiều (2-3 ngày/trường), qua đánh giá ngoài, chính những người tham gia cũng học hỏi được rất nhiều từ cơ sở giáo dục, từ đó họ sẽ làm tốt hơn chức trách của mình. 

Nên nếu xác định đúng ý nghĩa của kiểm định chất lượng giáo dục, những người tham gia sẽ không cảm thấy nặng nề.

Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục

Một số ý kiến phản ánh là có những khu vực trình độ phát triển giáo dục chậm hơn nên áp dụng những tiêu chuẩn kiểm định chung thì sẽ khó khăn. Nên chăng Bộ nên chia nhóm khu vực để có tiêu chí riêng?

Ông Lê Mỹ Phong: Xu hướng phổ biến của các nước trên thế giới trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng là theo quan điểm tiếp cận “Chất lượng là sự đáp ứng mục tiêu”. 

Tiêu chí chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục có mâu thuẫn không? ảnh 3

Đại học đầu tiên khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn chất lượng giáo dục

Theo đó, một nhà trường được đánh giá là đạt tiêu chuẩn chất lượng khi hoàn thành mục tiêu giáo dục được quy định tại Luật Giáo dục.

Mỗi nhà trường ở các cấp học, ngành học, các loại hình và các vùng miền có sứ mạng khác nhau, dẫn đến mục tiêu của các nhà trường cũng khác nhau. 

Mỗi nhà trường phải xác định được sứ mạng và mục tiêu cho chính mình; sứ mạng và mục tiêu đó phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Do vậy, các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục hiện hành (Thông tư 25/2014 và Thông tư 42/2012) và những bộ tiêu chuẩn sắp tới cũng đã và sẽ được xây dựng theo hướng này.

Thưa ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng hiện đang có sự chồng chéo giữa tiêu chí trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng (tiêu chí gần như nhau)? Và Bộ sẽ xử lý câu chuyện này như thế nào?

Ông Lê Mỹ Phong: Qua theo dõi chung trên cả nước và kết quả khảo sát trực tiếp tại 3 sở Giáo dục Đào tạo và 12 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc các tỉnh Phú Thọ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, chúng tôi thấy hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và hoạt động công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được triển khai trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường. 

Hai hoạt động nói trên có mục tiêu cụ thể và cách tiếp cận khác nhau, nhưng các bộ tiêu chuẩn và quy trình đánh giá khá gần nhau nên đã tạo ra sự chồng chéo, ít nhiều gây khó khăn cho cơ sở. Vì thế, việc tích hợp hai hoạt động này là yêu cầu có tính cấp thiết.

Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Kế hoạch số 181/KH-BGDĐT Triển khai tích hợp hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với hoạt động công nhận trường đạt chuẩn quốc gia tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. 

Theo kế hoạch đến cuối năm 2017, Bộ sẽ ban hành 3 Thông tư: Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non; trường tiểu học; trường trung học.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, chất lượng kiểm định, đánh giá tại các trường ngày càng khách quan, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp gì?

Ông Lê Mỹ Phong: Trong năm học này Bộ sẽ nghiên cứu, ban hành 3 Thông tư: Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non; trường tiểu học; trường trung học theo hướng tích hợp 2 bộ tiêu chuẩn (công nhận trường chuẩn quốc gia và trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục) và quy trình đánh giá, công nhận của 2 hoạt động này.

Nghiên cứu để xây dựng và hoàn chỉnh “Mô hình kiểm định chất lượng giáo dục” trong trường mầm non, phổ thông và trung tâm Giáo dục thường xuyên ở Việt Nam giai đoạn sau 2020.

Đẩy mạnh bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học. 

Tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non; khuyến khích các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. 

Tích cực tìm kiếm các nguồn kinh phí từ các dự án, các nguồn lực nhằm hỗ trợ các hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tại vùng khó khăn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Ngọc