Con bạn đã sẵn sàng vào lớp 1 chưa?

22/07/2018 06:11
Phan Tuyết
(GDVN) - Gia đình mải bồi đắp kiến thức cho con trong khi một số kĩ năng lại bỏ quên. Vì thế, trẻ vào lớp 1 hiện nay, phần lớn là thừa kiến thức nhưng lại thiếu kĩ năng

LTS: Đưa ra những chia sẻ về việc trang bị kĩ năng sống cần thiết cho con trước khi trẻ bước vào lớp 1, cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi con sắp vào lớp 1, phụ huynh thường lo lắng nhất về việc sợ con không theo kịp chương trình, sợ con thua chúng bạn, sợ con sẽ trở thành “con vịt lạc đàn” trong lớp. Thế nên nhiều gia đình đã cho con đi học chữ ngay từ khi con mới 4, 5 tuổi.

Mải bồi đắp kiến thức cho con trong khi một số kĩ năng cần thiết gia đình thường bỏ quên. Vì thế, trẻ vào lớp 1 hiện nay, phần lớn là thừa kiến thức nhưng lại vô cùng thiếu các kĩ năng.

Do đó, các bậc phụ huynh nên trang bị cho con em mình những kĩ năng sống cần thiết.

Các gia đình nên trang bị những kĩ năng sống cần thiết cho trẻ trước khi vào lớp 1 (Ảnh minh họa trên Báo Chính phủ).
Các gia đình nên trang bị những kĩ năng sống cần thiết cho trẻ trước khi vào lớp 1 (Ảnh minh họa trên Báo Chính phủ).

Kĩ năng hòa nhập

Vào lớp 1, cái gì đối với trẻ cũng khác lạ so với môi trường mẫu giáo. Đó là trường lớp, thầy cô, bạn bè đến cả cách học, cách chơi...

Có em hòa nhập rất nhanh, nhưng không ít em phải cần cả một thời gian khá dài mới làm quen được.

Thậm chí có em tỏ thái độ hoảng sợ và thường la hét, khóc lóc mỗi sáng mai đến trường.

Khác với mẫu giáo, trẻ vừa học vừa chơi nên các bé thoải mái. Vào lớp 1, học 2 tiết (tính cả thời gian thực học và thời gian chuyển tiết là 120 phút) các bé mới được ra chơi nên nhiều em bức bối, khó chịu học mất tập trung.

Theo nhiều giáo viên dạy lớp 1 cho biết, phần đông các em chỉ tập trung cao độ khoảng 15-20 phút đầu tiên của tiết học.

Sau đó, các bé thường mất trật tự. Em ngồi nói chuyện, em chọc bạn, em nằm vật trên bàn, em ngó lơ như chẳng quan tâm điều gì.

Ham cho con học chữ cha mẹ bỏ quên nhiều kĩ năng cần thiết cho trẻ vào lớp 1

Để trẻ có được kĩ năng trên, phụ huynh phải tập cho trẻ từ từ không nên nóng vội.

Ví như, vào những ngày hè, ba mẹ tranh thủ đưa các bé đến trường giới thiệu ngôi trường các em sẽ học. Trẻ sẽ có một tuần làm quen trường lớp.

Với trẻ có tính nhút nhát, tự ti, ba mẹ nên theo sát con để hướng dẫn, giải thích thật kĩ để bé quen dần.

Ở nhà, phụ huynh phải tập cho các bé ngồi học thật tập trung ít nhất là một tiếng. Sau đó mới cho giải trí như uống nước, đi vệ sinh.

Kĩ năng sử dụng nhà vệ sinh và chăm sóc bản thân

Nhiều trẻ chưa biết cách đi vệ sinh, như việc ngồi bồn cầu, bỏ giấy nơi nào và dội nước ra sao? Thế nên cứ đi vệ sinh xong là trẻ chạy ngay vào lớp.

Nhà vệ sinh hôi dơ nguyên nhân chính vì những lỗi như thế.

Có em chưa biết làm thế nào để vệ sinh thân thể được sạch sẽ. Thế nên, sau khi đi vệ sinh bị bẩn dính khắp người không thể nào tiếp tục học được.

Nên làm gì khi con chuẩn bị vào lớp 1

Có em, có lẽ do gia đình dặn dò kĩ quá nên khi vào thấy nhà vệ sinh không sạch đã nín. Thế là “tai họa” đã xảy ra khi đang học mà cả lớp phải bung chạy bởi có bạn đã không thể nín nổi.

Kĩ năng biết tự lập trong học tập

Chuyện trẻ đến lớp quên bút, sách, vở thường xuyên xảy ra. Khi hỏi các bé thường thưa “vì ba mẹ con không bỏ vào”. Đây chính là hậu quả của việc cha mẹ làm thay con.

Từ việc soạn sách vở theo thời khóa biểu, soạn đồ dùng học tập mang theo. Do làm thay con nên nhiều khi giáo viên dặn mang thêm sách, vở trẻ không hề nhớ.

Được ba mẹ làm hộ, đến lớp các bé không tự lấy sách vở ra viết sao cho đúng. Sau khi học xong cũng không thể tự thu dọn đồ dùng học tập vào cặp sao cho gọn gàng.

Tập cho trẻ kĩ năng này không hề khó. Cha mẹ chỉ cần cho con nhìn thời khóa biểu và hướng dẫn các bé tự soạn sách, vở, đồ dùng trong sự giám sát của mình.

Cũng như khi bé học bài xong nên để các em tự thu dọn và cất vào cặp. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không vì các em làm chậm mà làm thay, từ đó dễ sinh tính ỉ lại.

Khi bé đã có được một số kĩ năng cần thiết cơ bản nêu trên, phụ huynh hãy cứ yên tâm vì các bé sẽ hòa nhập môi trường mới một cách khá tự tin và nhanh chóng.

Phan Tuyết