LTS: Là một người tâm huyết với ngành giáo dục nước nhà, Tiến sĩ Lý Tiến Hùng chia sẻ một số đóng góp ý kiến về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Theo đó, tác giả nhấn mạnh đến việc xác định hình ảnh con người Việt Nam với hình hài, tầm vóc quốc gia và dân tộc.
Tác giả cũng đưa ra đề xuất tối ưu hóa giáo dục tiểu học và cho rằng nội dung chương trình hiện hành chỉ cần chỉnh sửa giảm tải một số nội dung khó và chính xác hóa lại các thông tin gây hiểu nhầm và tranh cãi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thế giới ngày càng phát triển, bối cảnh hội nhập đặt ra nhiều vấn đề buộc mọi quốc gia, dân tộc phải thích ứng.
Bốn trụ cột giáo dục thế kỉ 21 do UNESCO đặt ra vừa là các giá trị cốt lõi vừa có tính hiện đại.
Giáo dục nước nhà mấy chục năm qua đã bốn lần cải cách, đổi mới, song tại sao không tiếp cận được, vẫn còn xa các giá trị cốt lõi và hiện đại, nhân văn như thế?
Chúng ta vẫn loay hoay với việc xác định ta là ai, ta cần học ai và học cái gì?
Sở dĩ vậy có lẽ bởi chúng ta còn thiếu tầm nhìn, cứ “đuổi hình bắt chữ”, cứ lấy cái ta nghĩ, lấy cái trước mắt mà làm ra chương trình bắt con em nhân dân phải học chứ không tính đến việc người học nghĩ gì, được lợi gì, chiến lược giáo dục ra sao…
Đổi mới cần lưu ý về vấn đề con người Việt Nam - hình hài, tầm vóc quốc gia, dân tộc trong chương trình tổng thể. (Ảnh minh họa, nguồn: Tuoitre.vn) |
Chương trình VNEN vừa kết thúc vừa rồi là một bài học.
Nhưng có vẻ như Dự thảo đổi mới lần này (đã được chuẩn bị khá lâu) vẫn luẩn quẩn, chưa thể hiện được một tư tưởng giáo dục khả dĩ nhất quán, minh triết; một chương trình tổng thể đáp ứng được kì vọng của nhân dân.
Lịch sử phát triển của loài người và các quốc gia, dân tộc đều coi trọng phát triển giáo dục và đã chứng minh rằng:
Giáo dục là nguồn tạo ra những con người có nhân sinh quan tiến bộ, có năng lực tư duy và hành vi giá trị để cải tạo thế giới, những con người đó chính là lực lượng sản xuất hàng đầu quyết định việc tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho con người, kiến tạo xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và thường xuyên yêu cầu giáo dục là phải “trồng người” để con người có khả năng nhận thức và cải tạo thế giới [1].
Những nội dung cụ thể của yêu cầu này được thể hiện trong nhiều bài huấn thị, giảng giải của Người tại nhiều nơi trong suốt cuộc đời.
1. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông và những vấn đề cần trao đổi
Chương trình dự thảo được chuẩn bị khá kĩ lưỡng. Bên cạnh những điểm chung như tính mới, còn những hạn chế chưa được tính đến, mà cơ bản và quan trọng nhất là: Cần hướng đến xây dựng và phát triển con người Việt Nam mang tầm vóc của quốc gia, dân tộc trong bối cảnh thế giới mới.
Một trong những luận điểm được nhắc đến trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là “bốn trụ cột của học tập” do UNESCO công bố năm 1996 nhằm khuyến nghị cho giáo dục của các quốc gia trên thế giới.
Thực ra nội hàm của bốn trụ cột đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra và chỉ thị từ năm 1949, tức là trước UNESCO tới 47 năm [2].
Nhìn vào dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2017 (về cơ bản là bản tiếp nối dự thảo chương trình năm 2015) có thể thấy rõ sự phức tạp, rắc rối, thiếu vắng tầm nhân sinh quan, văn hóa nhân cách, tâm thế và năng lực tư duy nhận thức của con người Việt Nam trong bối cảnh quốc gia và thế giới mới.
Dư luận xã hội không khỏi hoài nghi và đặt câu hỏi:
Học xong chương trình này học sinh có được nhân sinh quan, thế giới quan, lý tưởng sống như thế nào?
Có thể trở thành những con người biết sống tôn trọng con người, tôn trọng quyền và tự do của con người không?
Có nhận thức và hành vi thượng tôn pháp luật không? Có biết tư duy và hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc không?
Hay là có xu hướng trở thành những con người vị kỷ, chỉ biết chăm lo cho lợi ích cá nhân, gia đình và dòng họ mà mơ hồ về những vấn đề lớn hơn như phẩm giá, quyền và tự do của con người, về tiến bộ xã hội, phai nhạt về lý tưởng sống và trách nhiệm xã hội?
6 phẩm chất, 10 năng lực và các môn học, hoạt động giáo dục đã thực sự đầy đủ, chắc chắn và thuyết phục để triển khai thực hiện chưa?
Những nền tảng nhân cách và phẩm giá, tâm thế, năng lực tư duy nhận thức và năng lực hành vi giá trị của các thế hệ con người Việt Nam sắp tới mà chương trình sẽ hình thành cho học sinh là gì?
Và hàng loạt vấn đề quan trọng khác như nội dung môn học và hình thức giáo dục, chuẩn giáo dục và tiêu chí đánh giá, hệ thống hành chính, quản lý, phương tiện dạy học, cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực đội ngũ giáo viên cần phải được làm rất rõ và công bố công khai thì mới nói lên được sự sẵn sàng của chương trình cho triển khai thực hiện.
Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều biến động xã hội có xu hướng phân hóa sâu sắc như: sự gia tăng sự chênh lệch giàu nghèo, vấn đề dân số và di dân, vấn đề nghèo đói giữa các nhóm dân cư, vấn đề việc làm và thất nghiệp, trình độ và năng lực của nguồn nhân lực còn thấp và tụt hậu, sự bùng nổ mạng xã hội và thực tại ảo…
Những vấn đề này ngày càng tác động mạnh đến cách cư xử của con người với nhau, đến nhân sinh quan và lý tưởng sống, đến tư duy nhận thức và hành vi xã hội.
Những bất cập về kiến thức của chương trình giáo dục, những xơ cứng, trì trệ, nặng nề hành chính quản lý, thậm chí chỉ đạo sai lệch, ép buộc cứng nhắc, sự can thiệp của phụ huynh và cá nhân nào đó, sự lệch chuẩn của một số học sinh cá biệt dường như ngày càng trở thành bầu không khí không mấy trong lành bao trùm không gian sư phạm, khiến cho giáo dục nhân cách học sinh ngày càng khó khăn và gắn bó lỏng lẻo với thực tế cuộc sống hơn.
Lãnh đạo Sở đề xuất nên đổi tên môn học trong chương trình mới |
Dự thảo chương trình giáo dục dựa trên hai phạm trù phẩm chất và năng lực là không sai so với một số nội dung của nghị quyết các cấp.
Tuy nhiên, với hai phạm trù này dự thảo chương trình làm cho dư luận có cảm giác là đã đơn giản hóa tinh thần chung của các nghị quyết:
1/ Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
2/ Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
3/ Nghị quyết Đại hội XII - nhiệm vụ thứ 6 của về con người [3] cũng như tinh thần chung của hiến pháp và các luật về giáo dục và đào tạo.
Điều lo ngại học sinh Việt Nam có nguy cơ trở thành “một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá” và xu hướng hành chính sư phạm nặng nề, không thuyên giảm được tiêu cực giáo dục cũng như tiêu cực xã hội là hoàn toàn có cơ sở với một chương trình rắc rối và thiếu tầm vóc như hiện nay.
“Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá.
Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện.
...
Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” [4].
2. Những luận cứ để có một chương trình giáo dục phổ thông tốt
Một chương trình tốt về nội dung nhất định phải toát lên được tư tưởng chủ đạo là hình thành và phát triển nhân cách con người có nhân sinh quan, thế giới quan, lý tưởng sống, có năng lực tư duy nhận thức, tri thức khoa học và hành vi giá trị nhân văn, có năng lực hành vi công dân và trách nhiệm xã hội mang tầm vóc quốc gia, dân tộc trong tương lai.
Có nhiều cách để có được một chương trình giáo dục tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức công cua cho các tổ chức, cá nhân đề xuất phương án chương trình để lựa chọn, tích hợp, chắt lọc thành một chương trình tối ưu và xác định, chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện.
Trao đổi về 6 phẩm chất cần đạt được trong chương trình giáo dục phổ thông |
Một chương trình trình giáo dục tốt dứt khoát không thể thiếu sự hiện diện của các luận cứ khoa học sau đây:
i. Luận cứ về đặc điểm con người, văn hóa người Việt, đặc điểm tư duy, tiềm thức, nhân sinh quan và những yêu cầu đối với con người Việt Nam cho tầm nhìn phát triển quốc gia, dân tộc.
ii. Luận cứ về bối cảnh và biến động của xã hội Việt Nam, xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam, khu vực và thế giới, những yêu cầu về nhân cách và năng lực của con người Việt Nam mà chương trình hướng tới.
iii. Luận cứ về cấu trúc chương trình, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể hình thành và phát triển nhân cách và năng lực ở từng cấp học.
iv. Luận cứ về chuẩn giáo dục, chuẩn kết quả học tập, tiêu chí đánh giá, chỉ báo kết quả, hệ thống hiển thị quan trắc, đo lường.
v. Luận cứ về các lĩnh vực giáo dục, tên môn học, tên hoạt động giáo dục, thời lượng, định hướng nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và giáo dục.
vi. Luận cứ về việc thực hiện chương trình ở các vùng miền, nội dung giáo dục địa phương, thực hiện chương trình đối với các nhóm học sinh khuyết tật, nhóm yếu thế.
vii. Luận cứ về việc định hướng xây dựng chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa, về sự tham gia của của các giới khoa học, giáo dục, kinh tế, quốc phòng - an ninh và các bên liên quan khác.
viii. Luận cứ về giáo viên thực hiện chương trình và hệ thống hành chính, quản lý, về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật, sự tham gia của xã hội và gia đình.
ix. Luận cứ về tác động của chương trình đối với các bên liên quan (giáo viên, gia đình học sinh, chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm…).
x. Luận cứ về các yếu tố ảnh hưởng, các giải pháp giảm nhiễu, bù nhiễu của hệ thống, về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
3. Đề xuất tối ưu hóa chương trình giáo dục tiểu học
Từ các luận cứ nêu trên, trên cơ sở rà soát chương trình giáo dục tiểu học hiện hành và tham chiếu dự thảo chương trình do Ban xây dựng chương trình đề xuất, có thể xem xét tối ưu hóa chương trình giáo dục tiểu học để có thể triển khai trong năm học tới.
Đề cương về mục tiêu, chuẩn giáo dục và tiêu chí đánh giá, tên môn học và hoạt động thực nghiệp được xác định và phát biểu như sau:
1) Mục tiêu:
a. Mục tiêu chung: Hình thành và phát triển những nền tảng nhân cách con người Việt Nam, có năng lực nhận thức và hành vi phù hợp với các giá trị cốt lõi của nhân loại và dân tộc, phát triển hài hòa về văn hóa thể chất, văn hóa tinh thần và tâm hồn, có tư duy độc lập và sáng tạo, có nền tảng để tiếp tục học tập và phát triển ở cấp học cao hơn trong bối cảnh mới của quốc gia và thế giới.
b. Mục tiêu cụ thể:
i. Hình thành và phát triển nền tảng nhân cách (platform of personality):
• Hình thành và phát triển được thế giới quan, nhân sinh quan, nhận thức, thái độ và hành vi giá trị nhân văn trong học tập và cuộc sống hàng ngày.
• Hình thành và phát triển nhận thức, thái độ và hành vi về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội.
• Hình thành và phát triển nhận thức, thái độ và hành vi về văn hóa thể chất, sức khỏe, an toàn trong cuộc sống.
• Hình thành và phát triển nhận thức, thái độ và hành vi thẩm mỹ, văn hóa tinh thần và tâm hồn.
Nền tảng nhân cách của học sinh được hình thành và phát triển thông qua các môn học cụ thể và hoạt động thực nghiệp là hoạt động học tập tổng hợp.
ii. Hình thành năng lực tổng hợp (general competence):
• Năng lực sau môn học (metasubject competence): Hình thành năng lực tư duy để học sinh nhận thức và hành động độc lập phù hợp với chuẩn mực xã hội, nhận thức được và có năng lực chủ động học tập dựa trên tư duy phân tích, tổng hợp và sáng tạo;
Có năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực hợp tác, giao tiếp, ứng xử, năng lực an toàn cuộc sống…
Chương trình nào thì cũng phải để trẻ thấy đến trường là hạnh phúc |
Năng lực sau môn học được hình thành thông qua các hoạt động học tập tổng hợp và môn học cụ thể.
• Năng lực kiến thức môn học (subject competence): Trang bị kiến thức toán học, ngôn ngữ (Tiếng Việt, Ngoại ngữ), văn học, kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, kiến thức văn hóa, nghệ thuật, sức khỏe và an toàn cuộc sống.
Năng lực kiến thức môn học được hình thành thông qua việc chương trình môn học và hoạt động học tập tổng hợp.
2) Chuẩn giáo dục và tiêu chí đánh giá:
i. Về nhân cách: Chuẩn giáo dục và tiêu chí đánh giá mức độ hình thành nhân cách được xây dựng trên các giá trị nhân văn cốt lõi và chuẩn mực xã hội…
Đối tượng đánh giá là biểu hiện thái độ, quan điểm, nhận định, đánh giá, hành vi cá nhân, hành vi điều chỉnh bản thân, hành vi giao tiếp, ứng xử, hợp tác của học sinh, có thể các chuẩn đó là:
• Tôn trọng quyền con người và các giá trị cơ bản của nhân loại và dân tộc: quyền bình đẳng và tự do cá nhân, có hành vi cao thượng, trung thực, nhân ái, dũng cảm…
• Tự tin trong giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm, điều chỉnh được hành vi cá nhân.
• Nhận thức và hành vi về quyền, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội.
• Nhận biết và cảm thụ được cái đẹp, giá trị tinh thần và tâm hồn.
• Biết tìm cách khắc phục,vượt qua khó khăn trong cuộc sống và học tập.
ii. Về năng lực sau môn học: Chuẩn giáo dục và tiêu chí đánh giá năng lực sau môn học được xây dựng trên thang bậc nhận thức, mô hình năng lực và tập trung vào xem xét mức độ hình thành các kỹ năng cơ bản của học sinh như: năng lực trình bày, diễn đạt vấn đề, năng lực tư duy phân tích, tổng hợp và sáng tạo, liên hệ với cuộc sống, năng lực thực hành, phát hiện và giải quyết vấn đề…
iii. Về năng lực kiến thức môn học: Chuẩn giáo dục và chí đánh giá năng lực kiến thức môn học dựa trên nội dung kiến thức môn học, kế thừa cơ bản cách đánh giá như hiện nay, có điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và giảm nhẹ thủ tục hành chính, có khả năng phòng ngừa, giảm và bù nhiễu từ bên trong và bên ngoài hệ thống.
3) Về Tên môn học, hình thức tổ chức giáo dục và thời lượng:
Trên cơ sở các lĩnh vực giáo dục phổ thông (Ngôn ngữ và Văn học - Toán học - Tự nhiên - Xã hội - Văn hóa công dân - Giáo dục thẩm mỹ - Văn hóa thể chất), các lớp ở cấp tiểu học ngoài các môn học với hình thức truyền thống là bài dạy, bài tập, bài thực hành còn có hoạt động thực nghiệp là Hoạt động học tập tổng hợp (gồm các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, dự án học tập, câu lạc bộ, nhóm sở thích):
Lớp 1 – 2: 1) Tiếng Việt, 2) Đọc hiểu (hoặc tiếng mẹ đẻ ở vùng dân tộc thiểu số), 3) Toán, 4) Con người và thế giới, 5) Văn hóa và Công dân, 6) Giáo dục thể chất, 7) Hoạt động học tập tổng hợp. Tổng thời lượng khoảng 1015 tiết/năm học, trung bình 29 tiết/tuần.
Lớp 3 – 4: 1) Tiếng Việt, 2) Đọc hiểu (hoặc tiếng mẹ đẻ), 3) Toán, 4) Con người và thế giới, 5) Văn hóa và Công dân, 6) Ngoại ngữ, 7) Giáo dục thể chất, 8) Hoạt động học tập tổng hợp. Tổng thời lượng khoảng 1120 tiết/năm học, trung bình 32 tiết/tuần.
Lớp 5: 1) Tiếng Việt, 2) Đọc hiểu (hoặc tiếng mẹ đẻ), 3) Toán, 4) Tìm hiểu khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 5) Văn hóa, Xã hội và Công dân, 6) Ngoại ngữ, 7) Giáo dục thể chất, 8) Hoạt động học tập tổng hợp. Tổng thời lượng khoảng 1120 tiết/năm học, trung bình 32 tiết/tuần.
Thầy giáo dạy tiểu học mong các em được học ít hơn ở chương trình mới |
Nội dung các môn học kế thừa cơ bản cách thiết kế tích hợp như chương trình hiện nay và được rà soát, giảm tải một số nội dung khó, chính xác hóa một số nội dung gây khó khăn, gây cách hiểu không thống nhất trong giáo viên.
Hoạt động giáo dục mới (hoạt động học tập tổng hợp) được xây dựng theo các chủ đề lớn của môn học, gắn kết với đời sống thực tiễn để hình thành nhân cách, năng lực tổng hợp cho học sinh.
Trên đây chỉ là đề cương một trong các phần lõi của một phương án chương trình giáo dục tiểu học đang được dự thảo.
Tổng thể chương trình được tối ưu hóa và lập luận khả thi, có phần giải thích tường minh để các bên liên quan có cách hiểu thống nhất và triển khai thực hiện được.
Đề xuất mong được được phản biện rộng rãi, trao đổi trên nhiều diễn đàn, được gọt giũa để tiến đến chân lý cuối cùng.
Đổi mới chương trình giáo dục lần này nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung có rất nhiều thuận lợi về sự thống nhất chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và sự tích cực triển khai của bộ phận soạn thảo chương trình, về đội ngũ chuyên gia và các chương trình, dự án phục vụ chương trình.
Việc góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như cho ngành giáo dục lần này có tinh thần cởi mở, trách nhiệm và cầu thị.
Điều đó chứng tỏ ngành giáo dục và các nhà khoa học, nhà giáo dục và các giới quan tâm đang đồng hành song song với nhau như những dòng sông cùng chảy về một hướng.
Điều quan trọng là những người có trách nhiệm và thẩm quyền biết nhập các dòng sông đó lại tạo thành dòng sông lớn mạnh hơn, đưa con người và quốc gia, dân tộc Việt Nam đến tầm phát triển cao hơn cùng thế giới.
Tài liệu tham khảo:
[2] Trần Văn Nhung: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201005/Tran-Van-Nhung-910995/
[3] - Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013: “Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
- Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước:
“Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.
- Nghị quyết Đại hội Khóa XII 01/2016 yêu cầu đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ thứ 6:
“Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.
[4] A.Einstein: Giáo dục tư duy độc lập - Thế giới như tôi thấy – Nhà xuất bản Tri thức 2005, Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, tr.48.