Ngày 24/01/2019 tại văn phòng Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã diễn ra buổi làm việc giữa lãnh đạo Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam và Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Buổi làm việc được tổ chức với mục đích cung cấp thông tin, trao đổi và ký kết bản ghi nhớ phối hợp thực hiện một số công việc giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam.
Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang |
Mục đích hợp tác giữa hai bên nhằm tranh thủ tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên hỗ trợ và hoặc phối hợp cùng nhau để các bên hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Tổ chức thực hiện các nghiên cứu, các hoạt động liên quan đến những vấn đề của giáo dục nói chung, của giáo dục đại học nói riêng; thông qua nắm bắt và trao đổi về tình hình thực tế cơ hội, thuận lợi, khó khăn, thách thức của các trường đại học cao đẳng, trong việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cung cấp thông tin và đề xuất giải pháp để các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp có liên quan, xem xét, giải quyết, tạo điều kiện cho các trường phấn đấu vươn lên, phát triển bền vững, nâng cao dần chất lượng đào tạo, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên các trường.
Giáo sư Trần Hồng Quân (phải) và Tiến sĩ Vũ Minh Đức (trái) tại buổi làm việc (Ảnh: Vũ Ninh) |
Giáo sư Trần Hồng Quân hoan nghênh ý tưởng hợp tác và cho rằng cần có sự phối hợp giữa Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam với Công đoàn Giáo dục Việt Nam để cùng nhau nghiên cứu các vấn đề về giáo dục.
Sau khi bàn bạc hai bên thống nhất, các vấn đề sẽ hợp tác trong năm 2019 tập trung vào 3 khía cạnh:
1. Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức triển khai các nghiên cứu khoa học, hội thảo, hội nghị, tọa đàm,… có nội dung liên quan.
2. Nghiên cứu, quán triệt thực hiện các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục nói chúng, giáo dục đại học nói riêng: thực hiện Luật Giáo dục đại học, thực hiện tự chủ đại học, các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị Nhà trường,
3. Nghiên cứu chế độ chính sách, việc làm, tâm tư, tình cảm, kỹ năng mềm và ứng xử của nhà giáo trước các vấn đề xã hội.
Giáo viên sống thế nào khi mỗi tháng chỉ được trả 1,3 triệu đồng
Trao đổi thêm tại buổi làm việc, về vấn đề đời sống giáo viên, tiến sĩ Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: "Luật giáo dục sửa đổi có nói về tiêu chuẩn lương và phụ cấp dành cho giáo viên.
Theo đó tất cả những phụ cấp sẽ không còn nữa và sẽ được đưa vào trong lương.
Nhưng việc đưa phụ cấp vào trong lương như thế nào cần tính toán sao cho hợp lý.
Nếu như những gì được ghi trong dự luật hiện nay về cơ bản thì không có cái gì đảm bảo cả.
Quan trọng cái thang bảng lương có đảm bảo cho người giáo viên có thể sống được hay không?".
Ông Đức phân tích: "Luật giáo dục và luật lao động hiện nay đều đang sửa đổi.
Một vấn đề đặt ra là làm sao để luật giáo dục và luật lao động phải thống nhất mức lương cơ bản của giáo viên phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng".
Để dẫn chứng cho vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nêu ra các ví dụ: "Nhiều trường chúng tôi có dịp đến chẳng hạn như trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bắc Hà, lương của cô nuôi chỉ có 1,3 triệu đồng.
Hay như ngay tại Thanh Oai, Hà Nội có những thầy giáo dạy hợp đồng 21 năm mà lương cũng chỉ 1,3 triệu đồng.
Lương giáo viên Việt Nam so với đồng nghiệp toàn cầu |
Nhiều em sinh viên mới ra trường, mức lương cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng thì làm gì có tiền để mà học tiếng Anh hay nghiên cứu khoa học".
Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Giáo sư Trần Hồng Quân chia sẻ:
"Mặc dù hiện nay lương giáo viên được xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp nhưng như vậy cũng chưa ăn thua.
Từ đó dẫn đến đội ngũ chủ lực làm giáo dục trong đó có các giáo viên giảm đi động lực với công việc của mình.
Đồng lương chính từ công việc của mình cụ thể là nghề giáo viên lại không đủ nuôi sống bản thân chứ đừng nói đến gia đình.
Lương là vấn đề bức xúc của ngành giáo dục hiện nay, cho nên Hiệp hội và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần có sự hợp tác trong việc nghiên cứu, kiểm tra cũng như cập nhật tình hình.
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải hiểu cái khó của chính phủ khi đội ngũ giáo viên cũng không hề nhỏ.
Ngoài ra hiệp hội và công đoàn cũng cần hợp tác để tìm ra các giải pháp cho vấn đề trên và kiến nghị lên chính phủ".