LTS: Về vấn đề một số lãnh đạo nhà trường gây mất dân chủ trong trường học, thầy giáo Sông Trà cho rằng các giáo viên cũng nên tự nhìn nhận lại trách nhiệm của bản thân trong việc này.
Theo đó, thầy phản ánh tình trạng giáo viên sống "an phận thủ thường", không biết bênh vực cái đúng, không dám đấu tranh cái sai... cũng là một trong những nguyên nhân khiến lãnh đạo trường học chuyên quyền.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thời gian gần đây, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có loạt bài phản ánh, phân tích, đánh giá về việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học, về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trách nhiệm của Ban giám hiệu, về mối quan hệ ứng xử giữa lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giáo viên đã nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc cả nước.
Hầu hết các bài viết tập trung “đánh” mạnh vào những biểu hiện tiêu cực, hạn chế, yếu kém… của một số lãnh đạo nhà trường làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng giáo dục, gây nên tình trạng mất đoàn kết, mất dân chủ, khiến giáo viên bức xúc, khiếu kiện nhiều nơi.
Sự thật là đúng như vậy. Chúng ta vẫn chưa quên mới đây một số Hiệu trưởng ở Hà Nội bị xử lý kỉ luật vì gian dối, thiếu trung thực; vi phạm quy định thu-chi tài chính, có dấu hiệu trục lợi cá nhân, trù dập giáo viên đấu tranh…
Mất dân chủ trong trường học một phần là do giáo viên không dám và không đủ năng lực đấu tranh bảo vệ cái đúng. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Song các bài viết lại chưa nêu ra được những nguyên nhân khách quan vì đâu lãnh đạo nhà trường lại sa sút, hư hỏng, yếu kém, trì trệ, tiêu cực như thế.
Bởi Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng là những con người của tổ chức, của tập thể xây dựng, hình thành nên.
Ở phạm vi nhận thức của mình, tôi xin chỉ rõ, phân tích thêm các nguyên nhân khách quan.
1 - Tinh thần xây dựng, tính đấu tranh của bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở trường học đang có vấn đề.
Có thầy cô giáo thiếu kiến thức, hiểu biết về các văn bản, quy định pháp luật, những minh chứng cụ thể, xác thực dẫn đến việc đấu tranh, góp ý thường rơi vào trạng thái chung chung, vu vơ, không thuyết phục, khi Hiệu trưởng phản biện lại thì lúng túng, bế tắc…
Nhiều giáo viên có tâm lý, tư tưởng, cách xử trí “an thận thủ thường”, “dĩ hòa vi quý”, “bình chân như vại”, “chủ nghĩa duy tình”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, ngại va chạm, nể nang, sợ mất lòng lãnh đạo nhà trường.
Nhiều nhà giáo mắc thêm “bệnh” đổ thừa Ban giám hiệu sa sút phẩm chất, đạo đức, lối sống, độc đoán, chuyên quyền, coi thường giáo viên, cố tình làm trái, tham nhũng là do cấp trên bổ nhiệm, cơ chế của nhà nước, chứ không thấy có một tí trách nhiệm của mình trong đó.
Có một số ít giáo viên giỏi nịnh nọt, xum xoe, luôn tìm cách che đậy, bảo vệ cho việc làm sai trái của cấp trên để được cất nhắc, thăng tiến, hưởng lợi từ việc phân công nhiệm vụ, tổ chức dạy thêm ở trường, ở nhà…
Có một ít thầy, cô giáo sợ hãi, thiếu bản lĩnh đấu tranh nhưng lại thường hay đứng đằng sau xúi giục, kích động người khác ý kiến, khiếu nại, tố cáo Hiệu trưởng khi có sai phạm.
Từ hàng loạt biểu hiện tiêu cực cơ bản nêu trên, tồn tại lâu nay trong nhận thức và hành động của số đông giáo viên, nhân viên là căn nguyên chính khiến một số lãnh đạo nhà trường trở thành các “ông trời con”, chuyên lộng quyền, lộng hành, thu - chi tài chính vô tội vạ, vi phạm quy chế dân chủ nghiêm trọng, nói hay làm dở…
Nếu một tập thể đoàn kết, vững mạnh, tinh thần đấu tranh, xây dựng tốt, không có những biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến” thì làm sao có “đất” cho các “ông trời con” kia tung hoành ngang dọc, gây ra nhiều hệ lụy, tai tiếng cho ngành giáo dục chúng ta.
Nói gì thì nói, tập thể, các tổ chức như Công đoàn, Đoàn thanh niên và từng cá nhân giáo viên, nhân viên đơn vị trường học không thể chối bỏ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp, xây dựng nhà trường nói chung, cán bộ quản lý nói riêng.
Chẳng lẽ, mỗi tập thể trường học có hàng chục đến hàng trăm cán bộ, thầy, cô giáo, nhân viên lại mãi bất lực, thỏa hiệp, đầu hàng, chào thua những “ông trời con” (chỉ một vài người) như thế hay sao?
2 - Công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị, hành chính, sự nghiệp ở nước ta nói chung, lĩnh vực giáo dục nói riêng cũng đang tồn tại nhiều bất cập.
Một khi đã được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý giáo dục (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) thì coi như làm lãnh đạo dài lâu đến khi về nghỉ hưu, trừ trường hợp bị vi phạm kỷ luật nặng hoặc vì lý do sức khỏe, ốm đau, xin tự nguyện từ chức, về hưu non.
Thực tế, đâu thiếu Hiệu trưởng ở các địa phương tại vị 5, 6 nhiệm kỳ liên tiếp.
Hết nhiệm kỳ 5 năm, cấp trên cùng tập thể nhà trường đều làm đúng quy trình, tổ chức hội nghị, lấy ý kiến đóng góp, nhận xét, đánh giá ưu điểm, hạn chế và lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại cho các chức danh lãnh đạo đơn vị.
Dường như, hiếm có trường hợp nào không đủ điều kiện để tái bổ nhiệm.
Vì phần lớn, anh, chị em giáo viên đồng nghiệp đều rất nặng chữ tình, đánh tréo vào ô đồng ý bổ nhiệm lại.
“Thầy ấy tuy chậm chạp, năng lực quản lý còn hạn chế nhiều nhưng thầy ấy có đạo đức, sống hòa đồng và luôn nhẹ nhàng với anh, chị, em, ai nỡ góp ý nặng với thầy và đánh dấu tréo sang ô không đồng ý” - Nhiều giáo viên hay bộc bạch như vậy trong và sau khi tổ chức hội nghị bổ nhiệm lại.
Còn quy định, quy trình đánh giá, phân loại cán bộ quản lý tại trường học theo Nghị định 56-CP, Thông tư 30 về chuẩn đánh giá nghề nghiệp cán bộ, giáo viên ngành giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2009 khá đầy đủ, bài bản, không thể chê vào đâu được.
Hãy vùng lên, chiến thắng luôn thuộc về những người dũng cảm |
Vấn đề còn lại nằm ở ý thức, trách nhiệm của người được đánh giá và tinh thần đấu tranh, góp ý kiến của người đánh giá.
Việc nhiều Hiệu trưởng tại vị quá lâu, đến mấy chục năm, ảnh hưởng sự phát triển, đột phá đi lên của nhà trường, xét cho cùng cũng không thuộc về lỗi của các vị Hiệu trưởng đó mà ở quy hoạch, quy định luân, điều chuyển cán bộ của cấp trên chậm được ban hành và tổ chức thực hiện.
Gần đây, nhiều địa phương có ban hành và thực hiện khá tốt việc luân, điều chuyển cán bộ ở tất cả lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
Không quá hai nhiệm kỳ, cấp trưởng, cấp phó đều phải luân chuyển đi đến đơn vị khác.
Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên về công tác tổ chức cán bộ ở các địa phương được cán bộ, công chức, viên chức và dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ ở ta, ở ngành giáo dục còn nhiều điều đáng bàn, nhất là vấn nạn đi đêm, chạy chọt, quan hệ, nể nang nhau.