Cùng khai giảng một ngày, sao tựu trường mỗi nơi mỗi khác?

19/08/2017 06:40
Nhật Duy
(GDVN) - Các mốc thời điểm khai giảng, kết thúc học kì, năm học gần như tương đồng với nhau. Song, cách thức tổ chức năm học của mỗi nơi, mỗi địa phương lại khác nhau.

LTS: Theo quy định, khung chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ có từ 35 - 37 tuần thực học (tùy từng cấp học) và Bộ Giáo dục cũng đã có chỉ đạo các trường cùng khai giảng vào ngày 5/9. 

Tuy nhiên, ngày tựu trường lại không đồng nhất giữa các địa phương, có địa phương tựu trường vào đầu tháng 8, cũng có địa phương tựu trường vào đầu tháng 9, và thời điểm kết thúc năm học của tất cả các địa phương đều rơi vào khoảng cuối tháng 5 của năm sau.

Vậy, vì sao có sự khác biệt và sự khác biệt đó có ảnh hưởng gì đến giáo viên và các em học sinh không?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong khung kế hoạch thời gian năm học đối với bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng cho năm học 2017-2018 trong toàn quốc của Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành thì ngày tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8 hằng năm; tổ chức khai giảng vào ngày 5/9 hằng năm. 

Hình ảnh các em nhỏ bước vào ngày khai giảng năm học (Ảnh: Ngọc Thành)
Hình ảnh các em nhỏ bước vào ngày khai giảng năm học (Ảnh: Ngọc Thành)

Kết thúc học kỳ I trước ngày 20/1, học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giáo dục) trước ngày 25/5 và kết thúc năm học trước ngày 31/5 hằng năm.

Như vậy, các mốc thời điểm khai giảng, kết thúc học kì, năm học gần như tương đồng với nhau. Song, cách thức tổ chức thực hiện năm học của mỗi nơi, mỗi địa phương lại hoàn toàn khác.

Điều dư luận quan tâm lâu nay là nhiều địa phương học trước hàng tháng trời rồi mới tổ chức khai giảng, vậy thì ngày khai giảng đâu còn ý nghĩa nữa.

Bởi, trong từ điển Tiếng Việt định nghĩa từ khai giảng là “bắt đầu, mở đầu một năm học, khóa học”. Vì thế, chúng ta thấy khung năm học của Bộ giáo dục và các địa phương chưa đồng nhất.

Nhiều địa phương đã học 2-3 tuần thì mới đến ngày khai giảng, thành ra ngày khai giảng của năm học không còn ý nghĩa thiêng liêng nữa mà ngày khai giảng chỉ còn là thủ tục mà thôi. Nhiều nơi, chỉ tổ chức khai giảng 2 tiết học đầu còn các tiết sau thì giáo viên và học sinh vẫn dạy và học bình thường.

Chúng ta đều biết, dù cho học đầu tháng 8 hay đầu tháng 9 thì các trường học cũng đều kết thúc năm học của mình vào cuối tháng 5 của năm sau. Trong khi ngành giáo dục cả nước có một khung chương trình chung như nhau. 

Vì thế, nhiều địa phương hoàn thành chương trình học vào đầu tháng 4. Những tuần sau đó là học sinh vào chơi, hoặc nghỉ để chờ đợi ngày… bế giảng.

Tuy nhiên, có một khó khăn nảy sinh là khi học sinh thi rồi, biết điểm rồi thì những tuần chờ bế giảng các em không mấy khi vào trường.

Nhưng, hàng ngày các em vẫn đi học còn học ở đâu thì không biết.

Nhà trường thì tưởng học trò ở nhà, phụ huynh thì tưởng các em vào trường. Và, thực tế các em đến trường vào thời điểm này cũng chẳng để làm gì.

Cùng khai giảng một ngày, sao tựu trường mỗi nơi mỗi khác? ảnh 2

Học sinh cả nước tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2017

Giáo viên thì hàng ngày vẫn phải lên lớp để giữ học sinh. Bài vở thì không còn, điểm thì học sinh đã biết, em nào được khen thưởng, em nào phải thi lại, rèn luyện trong hè cũng đã biết nên thầy làm việc thầy, trò tụm lại chơi trò của trò. 

Vô tình, khoảng thời gian này cả thầy và trò đều làm khổ nhau. Lúc này, chỉ có những em học sinh cuối cấp 2, 3 là còn ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc trung học phổ thông Quốc gia mà thôi.

Theo chúng tôi, để ngày khai giảng có ý nghĩa nhưng vẫn đảm bảo được thời gian, nội dung chương trình học của cả thầy và trò thì việc tựu trường sớm của một số địa phương là điều không cần thiết.

Có lẽ, đối với những vùng, địa phương thuận lợi, tỉ lệ học sinh bỏ học ít thì chỉ cần tựu trường trước khai giảng khoảng 3 ngày. Những vùng khó khăn, tỉ lệ học sinh bỏ học cao thì tựu trường trước khai giảng tối đa là 1 tuần. 

Trong khoảng thời gian đó, các trường, các giáo viên có thể giới thiệu, cho các em làm quen trường lớp (đối với học sinh đầu cấp) quán triệt nội quy trường học, các loại văn bản có liên quan đến học sinh, bầu ban cán sự lớp, tổ chức một số trò chơi tập thể và chuẩn bị tập dượt cho ngày khai giảng. 

Những trường ở vùng khó khăn khi thấy một số em còn chưa đến trường thì có thể kết hợp các đoàn thể để đến nhà vận động. Bởi thực tế, trước ngày tựu trường thì các địa phương đã dán thông báo ở trường, hoặc phát thông báo trên loa phát thanh đến từng thôn, ấp.

Hơn nữa, trong quá trình sinh hoạt hè của các cấp học, nhà trường đều thông báo thời gian tựu trường nên các em đã nắm được lịch học cả rồi.

Vì thế, nhiều địa phương có thói quen một tuần sau ngày tựu trường cứ bắt học sinh vào…nhưng chẳng để làm gì. Điều đó đã vô tình làm cho nhiều em học sinh chán ngán.

Tạo tâm thế cho học sinh trong những ngày đầu năm học là cần thiết đối với mỗi nhà trường dành cho các em học sinh.

Vì thế, ngày Khai giảng năm học phải để cho các em học sinh, các thầy cô có một tâm trạng nô nức chờ đợi và cảm nhận được sự thiêng liêng ngày đầu tiên của năm học.

Khai giảng trước và sau đó mới học là điều mà trước đây chúng ta vẫn làm. Chỉ tiếc, những năm gần đây, vì các lí do khác nhau mà nhiều địa phương đã tổ chức cho học sinh vào học sớm trước khai giảng hàng tháng trời. Vì thế, ngày khai giảng đã không còn ý nghĩa nữa. Thế nên, việc đồng khai giảng trong cả nước vào ngày 5/9 xem chừng đã không còn phù hợp.

Nhật Duy