Đại học Hoa Sen, bức tranh đẹp đang bị lem mực

08/04/2016 11:01
Phương Thảo
(GDVN) - Nói như thế, bởi những chuyện không đáng có trong môi trường giáo dục lại đang được một số người áp dụng trong nhà trường...

LTS: Đến bài viết này, chắc chắn độc giả đã có cái nhìn xuyên suốt và khách quan về những vi phạm có tính hệ thống tại Đại học Hoa Sen thông qua những bằng chứng và phân tích.

Bằng quân bài “không vì lợi nhuận” trá hình mà bài viết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phân tích, nhóm điều hành trường đã dàn xếp thế trận để biến tài sản chung thành tài sản riêng, khéo léo che đậy các hành động vi phạm. 

Đặc biệt, bà Bùi Trân Phượng đã sử dụng những nước đi tinh vi nhằm ngụy trang, che đậy tham vọng của mình bằng bức bình phong “không vì lợi nhuận”, trong khi điều nghịch lý là bà vẫn nhận lương và cổ tức lớn...

Từ bức tranh đẹp

Bức tranh Đại học Hoa Sen vốn dĩ được phác họa bằng chủ đề đẹp – một trong những đại học tư đầu tiên được công nhận ở Việt Nam – và gam màu tươi sáng về chất lượng đào tạo – bỗng chốc bị phủ lên một mảng màu tối. Đó là quá trình “độc tài hóa” ngôi trường đại học đang hoạt động ổn định. 

Tại sao gọi đây là quá trình “độc tài hóa”? Đó là vì hàng loạt sai phạm do nhóm điều hành thực hiện có kế hoạch, với mục đích sử dụng “vũ khí” độc tài, toàn trị để thao túng hoạt động nhà trường, tư lợi và chiếm đoạt tiền của các cổ đông. 

Năm 2007, bà Phượng mới sở hữu 0,72% tổng số cổ phần tại Đại học Hoa Sen (bà Phượng cũng không phải là cổ đông sáng lập), nhưng đến năm 2013 đã sở hữu 4,71% tổng số cổ phần, nhờ chính sách chia lãi qua cổ phiếu thưởng và mua lại cổ phiếu của người khác. 

Thu nhập cả năm của bà ở Đại học Hoa Sen năm 2007 là 348 triệu đồng, năm 2013 đã tăng lên tới 1,817 tỉ đồng.

Theo phân tích của TS. Vũ Đức Vượng, nếu lấy định nghĩa về một trường đại học không vì lợi nhuận, theo Nghị định 141/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 70/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng cho việc xem xét hoạt động của Đại học Hoa Sen trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2014, thì chắc chắn đây không phải là trường đại học không vì lợi nhuận. 

Những chiêu trò của bà hiệu trưởng trong việc thu vén quyền lợi là nhằm che đậy các sai phạm của ban điều hành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bà. 

Ban lãnh đạo Đại học Hoa Sen ngày càng thâu tóm quyền lực.
Ban lãnh đạo Đại học Hoa Sen ngày càng thâu tóm quyền lực.

Ví dụ các sai phạm trong công tác đào tạo: Đại học Hoa Sen thực hiện một hợp đồng liên kết đào tạo với Công ty Vatel Developpement (của nhóm cổ đông Việt kiều Pháp), tuy nhiên trong quá trình hợp tác đã xảy ra những sai phạm về thu học phí từ học viên chương trình Vatel của Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và Du lịch Vĩnh An (bà Bùi Trân Phượng là Giám đốc, người đại diện trước pháp luật). 

Theo Điều 3, Hợp đồng liên kết giữa Đại học Hoa Sen và Vatel Developpement, Đại học Hoa Sen có trách nhiệm quản lý học phí thu từ học viên; quản lý tài chính, giáo trình, sách, tài liệu và hồ sơ học viên. 

Khoản 8, Điều 2, Quyết định số 2239/QĐ-BGDĐT ngày 15/6/2012 của Bộ GD&ĐT cho phép Đại học Hoa Sen liên kết đào tạo Chương trình Cử nhân Quản lý Khách sạn – Nhà hàng quốc tế quy định mức thu học phí là 65 triệu đồng/năm. 

Ngày 10/12/2012, Hoa Sen có Quyết định số 15353/12/QĐ-KTTC quy định mức thu học phí các khóa tuyển sinh từ năm 2013 là 78 triệu đồng/ năm, vượt mức quy định của Bộ 13 triệu đồng/học viên/năm. 

Theo đó, Vĩnh An trực tiếp thu học phí và xuất hóa đơn của công ty cho học viên khóa tuyển sinh nhập học từ năm 2013 và đầu năm 2014 với mức thu 78 triệu đồng/người/năm. Tổng số tiền thu vượt quy định trong năm 2013 và đầu năm 2014 là 1,560 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, dưới sự điều hành của giám đốc, Vĩnh An cũng vi phạm quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trực tiếp thu học phí và phát hành hóa đơn cho các học viên.  Tổng thu học phí của sinh viên chương trình Vatel, do Công ty Vĩnh An thu trong 2 năm 2012-2013 tính đến tháng 3/2014 là 15,918 tỉ đồng. 

Tuy vậy, Hợp đồng hỗ trợ dịch vụ giáo dục giữa Đại học Hoa Sen và Vĩnh An quy định học phí sẽ do Đại học Hoa Sen thu, nhưng thực tế toàn bộ số tiền thu được từ chương trình này đều do phía Vĩnh An thực hiện và không hề chuyển về cho Đại học Hoa Sen, cũng như không được thể hiện trong hồ sơ sổ sách kế toán của trường. 

Như vậy, việc thu học phí do Vĩnh An thực hiện đã vượt mức so với quyết định phê duyệt của Bộ GD&ĐT, chuyển việc thu học phí và xuất hóa đơn sang Vĩnh An trong khi công ty không có chức năng, nhiệm vụ đào tạo trong chương trình liên kết này.

Hậu quả là một nguồn thu lớn từ Đại học Hoa Sen đã bị chuyển sang cho Công ty Vĩnh An, gây thiệt hại tài chính cho Đại học Hoa Sen và các cổ đông của trường.

Điều khó hiểu là trong suốt một thời gian dài, bà Bùi Trân Phượng vừa là Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen vừa là Giám đốc Công ty Vĩnh An nhưng không báo cáo cho HĐQT Đại học Hoa Sen và các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên về bất kỳ thông tin nào liên quan đến hoạt động đào tạo cũng như kinh doanh của Vĩnh An. 

Trong khi đó, trên nguyên tắc Đại học Hoa Sen góp tới 50% vốn vào Vĩnh An nhưng lại không biết gì về các hoạt động liên kết của công ty này.

Đến thua kiện

Công ty cổ phần I-connect (IC) được thành lập năm 2012, có mức vốn điều lệ gần 51,5 tỉ đồng, trong đó nhiều cổ đông là giảng viên, nhân viên, thành viên HĐQT của Đại học Hoa Sen. Công ty IC còn là một sổ đông sở hữu gần 2,49 triệu cổ phiếu, tương đương với 26,5% vốn điều lệ của Đại học Hoa Sen.  

Vào tháng 1/2014, Đại học Hoa Sen trả cổ tức năm 2013 cho Công ty IC với số tiền 3,8 tỉ đồng tương đương tỉ lệ vốn góp 26,5% của IC. Trong khi đó, phía IC khẳng định họ không hề chuyển nhượng phần vốn của mình tại trường cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. 

Điều lạ lùng là đến tháng 2/2015, khi tiến hành tạm chi trả cổ tức vốn góp năm 2014 cho IC, số tiền công ty này nhận được từ Đại học Hoa Sen chỉ có hơn 1,14 tỉ đồng, tương ứng với 15,7% vốn điều lệ tại trường.

Trong khi chiếu theo phần vốn góp 26,5% của IC tại Đại học Hoa Sen thì số tiền đúng phải là 1,94 tỉ đồng. Như vậy, IC bị mất trắng 800 triệu đồng cổ tức do Đại học Hoa Sen tự ý giảm gần 11% cổ phần của IC.

Một trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh bị Đại học Hoa Sen tự ý giảm cố tức là Công ty Co-Ordinate – một cổ đông đang nắm 692.420 cổ phiếu, tương đương 7,38% vốn điều lệ Đại học Hoa Sen. 

Công ty này cũng nhận được cổ tức năm 2013 tương ứng với tỉ lệ vốn điều lệ 7,38% tại Đại học Hoa Sen và không chuyển nhượng cổ phần trong trường này cho cá nhân, tổ chức nào. Vậy nhưng Đại học Hoa Sen cũng tự ý giảm cổ tức của Co-Ordinate trong kỳ tạm ứng trả cổ tức năm 2014, từ 540 triệu đồng (tương đương 7,38% vốn điều lệ) xuống còn 482 triệu đồng. 

Như vậy qua hai “màn ảo thuật” nói trên, Đại học Hoa Sen đã làm thiệt hại của hai cổ đông IC và Co-Ordinate số tiền 850 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, đây là hành động trái với quy định nào của pháp luật, buộc hai công ty này phải kiện Đại học Hoa Sen ra Tòa án Nhân dân TP. HCM. 

Bản án sơ thẩm cuối năm 2015 của Tòa án Nhân dân TP. HCM đã chính thức ra phán quyết Đại học Hoa Sen sai khi tự ý điều chỉnh giảm cổ phần các cổ đông IC và Co-Ordinate, với lời tuyên án: 

“Do Đại học Hoa Sen tự ý điều chỉnh giảm cổ phần của Công ty IC là không đúng quy định của pháp luật, nên việc IC yêu cầu Đại học Hoa Sen trả tiền tạm ứng cổ tức tương đương 26,5% vốn điều lệ của Đại học Hoa Sen là phù hợp với quy định tại Điều 93, Luật Doanh nghiệp có căn cứ và hợp pháp, cần được chấp thuận”. 

Tòa án cũng tuyên phía Co-Ordinate thắng kiện, đồng nghĩa với việc Đại học Hoa Sen phải trả đủ số cổ tức còn thiếu cho công ty này. Tổng hợp lại Đại học Hoa Sen buộc phải trả lại cho hai công ty tổng số tiền là 115 triệu đồng.

Phương Thảo