Phục hồi du lịch trong thời kỳ bình thường mới

09/01/2022 06:31
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Hoa Sen vừa phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm phục hồi du lịch thời kỳ bình thường mới.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, và sự có mặt của 3 diễn giả là ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viettravel Holdings, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy là Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (HSU), Tiến sĩ Phan Thanh Long – Giám đốc Khách sạn Rex Sài Gòn cùng đại diện của các cơ quan, doanh nghiệp về du lịch, lữ hành, khách sạn.

Lên kịch bản cho những rủi ro

Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn cầu, trong đó có ngành du lịch. Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của bệnh viện, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ lúng túng cũng như không thể đối phó trước những tổn thất, rủi ro do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp đã phải ngưng hoạt động, giải thể.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm (ảnh: HSU)

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm (ảnh: HSU)

Do đó, để hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng từ những rủi ro tương tự Covid-19, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý du lịch cần có những kịch bản riêng, sẵn sàng ứng phó khi có vấn đề.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Viettravel Holdings chia sẻ, quản trị rủi ro là khả năng nắm bắt được tình hình, dự đoán những điều không may xảy ra, lên kế hoạch và hạn chế tổn thất mà rủi ro mang đến.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch của Viettravel Holdings phát biểu tại tọa đàm (ảnh: HSU)

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch của Viettravel Holdings phát biểu tại tọa đàm (ảnh: HSU)

“Bản thân doanh nghiệp cần phải chủ động, linh động khi ứng phó với những hoàn cảnh khác nhau. Dịch bệnh có thể gây ra nhiều thiệt hại, khiến nhiều doanh nghiệp “shut down”, nhưng ngược lại, một số doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng vượt qua, tìm được lối đi riêng cho mình. Họ đã quản trị, dự báo được tình hình và thúc đẩy bằng các phương tiện mới, tận dụng tốt các chính sách của Nhà nước. Đó chính là quản trị rủi ro.” – ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Thời điểm vàng để đưa du lịch trở lại

Bình thường mới là cơ hội để những doanh nghiệp chính thức trở lại đường đua phục hồi nền kinh tế, trong đó phục hồi du lịch cũng đang là vấn đề cấp thiết mà các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp du lịch quan tâm.

Bên cạnh đó, du khách cũng đang chờ đợi được đi du lịch trở lại, điều mà khách hàng quan tâm là làm sao để đảm bảo an toàn trong giai đoạn này.

“Một trong những tín hiệu đáng mừng là số lượng du khách đặt chỗ, đang chờ đợi để được “action” (đi du lịch ngay) là rất lớn. Do đó, đây là thời điểm vàng để chúng ta nghĩ đến câu chuyện phục hồi du lịch”. – Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng của HSU chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: HSU)

Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: HSU)

Cô Thúy cũng gợi ý, để đưa du lịch trở lại thời kỳ bình thường mới, doanh nghiệp cần đầu tư, hiểu rõ tâm lý khách hàng. Khi hiểu được nhu cầu của du khách là an toàn, doanh nghiệp và các cơ sở du lịch cần chú trọng yếu tố “sạch”. Đồng thời, kết hợp số hóa thông qua các ứng dụng để tạo ra trải nghiệm “du lịch không chạm”.

Khách hàng sẽ không hài lòng nếu phải làm quá nhiều thủ tục để đảm bảo an toàn khi du lịch, thay vào đó, doanh nghiệp hãy tạo ra một hành trình trải nghiệm thú vị, mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch, thay vì ép du lịch phải tuân theo.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Bên cạnh việc linh hoạt, đổi mới trong dịch vụ chăm sóc khách du lịch, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố tiên quyết để đưa nền du lịch quay trở lại. Dịch bệnh đã khiến nhiều nhân lực của lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc, chi phí dành cho nguồn nhân lực cũng hạn hẹp.

Từ những thách thức này, doanh nghiệp cần linh hoạt, chuyển mình để biến “bình thường mới” thành một cơ hội để “dậy thì lần 2”.

Doanh nghiệp cần xây dựng cơ cấu tổ chức dẻo để linh động, dễ dàng biến đổi khi xảy ra rủi ro. Quản trị tinh gọn với những nhân sự đa năng, một người có thể kiêm nhiệm nhiều công việc, lao động mang lại năng suất cao. Đặc biệt, đào tạo lao động trẻ, năng động, giỏi thực hành là nhiệm vụ cốt lõi của doanh nghiệp và các trường đại học.

Trong đó, Trường Đại học Hoa Sen là một trong các trường đại học có thế mạnh về đào tạo các ngành dịch vụ Du lịch, khách sạn, nhà hàng với các chương trình đào tạo chuyên sâu, như: Chương trình đào tạo Vatel của Pháp, các đề án do sinh viên làm và thực hiện như The Future Chef, cuộc thi The Guiding Star…

Đây đều là những sân chơi để các bạn trẻ rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ về du lịch, giúp các bạn sẵn sàng thích ứng với môi trường luôn biến động, xử lý những rủi ro trong du lịch.

Buổi tọa đàm đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về nền du lịch hiện tại của nước nhà, cũng như của toàn thế giới. Từ đó, đưa ra những giải pháp, gợi ý để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch được gỡ rối, sẵn sàng đưa doanh nghiệp trở lại thời kỳ bình thường mới.

Ưu đãi học phí dành cho học viên đăng ký tuyển sinh tháng 3/2022

Nhằm tạo điều kiện cho các học viên nâng cao trình độ sau đại học, Trường Đại học Hoa Sen công bố chính sách học bổng, ưu đãi học phí cho đợt tuyển sinh vào tháng 3/2022 như sau:

Đối với cựu sinh viên của HSU và các trường đại học thuộc hệ thống NHG: Giảm từ 10 – 15% tổng học phí chương trình đào tạo.

Đối với học viên tốt nghiệp đại học các trường ngoài hệ thống NHG: Áp dụng mức học bổng 10% tổng học phí chương trình đào tạo (có điều kiện kèm theo).

Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Áp dụng mức học bổng 10% tổng học phí chương trình đào tạo.

Riêng đối với chính sách học bổng cho chương trình Thạc sĩ Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Học viên là người đang làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch áp dụng mức học bổng trị giá 30 triệu đồng trên tổng học phí của khóa học.

Ngoài ra, trường còn có chính sách giảm 15 triệu đồng khi học viên đăng ký hồ sơ, nộp lệ phí tuyển sinh sớm trước ngày 5/3/2022.

Việt Dũng