Đâu chỉ giáo viên ghét Ban giám hiệu, nội bộ cấp cao này cũng mất đoàn kết

31/03/2017 14:33
Nguyễn Cao
(GDVN) - Khi Ban giám hiệu bất đồng với nhau cũng là lúc giáo viên trong trường luôn cảm thấy mệt mỏi cả trong giảng dạy và trong các hoạt động đoàn thể.

LTS: Không chỉ giữa Ban giám hiệu và giáo viên thường khó có tiếng nói chung mà ngay giữa nội bộ Ban giám hiệu cũng xảy ra mâu thuẫn khiến giáo viên càng khó xử hơn.

Thầy giáo Nguyễn Cao phản ánh nỗi mệt mỏi của giáo viên cả trong chuyên môn giảng dạy và trong các hoạt động đoàn thể của trường khi các thành viên trong Ban giám hiệu không thống nhất, hòa hợp với nhau.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thời gian qua, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết về mối quan hệ giữa Ban giám hiệu nhà trường với giáo viên. 

Giữa hai đối tượng này luôn luôn có những chính kiến khác nhau nên dẫn đến nhiều bất lợi cho nhà trường. 

Tính dân chủ bị lu mờ để nhường ngôi cho sự độc đoán, áp đặt của Ban giám hiệu và sự ngột ngạt, khó chịu cho giáo viên đứng lớp. Bởi đó là mối quan hệ giữa lãnh đạo, quản lí với giáo viên đứng lớp. 

Ban giám hiệu bất đồng khiến giáo viên thêm mệt mỏi. (Ảnh minh họa: NOP/ Tuoitre.vn)
Ban giám hiệu bất đồng khiến giáo viên thêm mệt mỏi. (Ảnh minh họa: NOP/ Tuoitre.vn)

Tuy nhiên, ở các trường học còn có một mối quan hệ đặc biệt quan trọng nữa là mối quan hệ giữa các thành viên trong Ban giám hiệu với nhau.

Hình như, giữa họ luôn tiềm ẩn sự bất đồng xoay quanh trục “quyền lực” và “quyền lợi” của mỗi thành viên.

Một số trường học hiện nay họ rất chú trọng mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên Ban giám hiệu với nhau. 

Bởi chỉ khi nào Ban giám hiệu thống nhất được quan điểm, tư tưởng chỉ đạo thì mới có thể nói đến sự đoàn kết nội bộ của đơn vị, mới giúp cho đơn vị phát triển. 

Song, cũng có rất nhiều trường học chưa xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa các thành viên trong Ban giám hiệu nên dẫn đến những bất đồng, kiện cáo và đặc biệt tạo nên những phe phái trong nhà trường. 

Và, một khi mà Ban giám hiệu bất đồng với nhau cũng là lúc giáo viên trong trường luôn cảm thấy mệt mỏi cả trong giảng dạy và trong các hoạt động đoàn thể của nhà trường. 

Bởi lãnh đạo mỗi người chỉ đạo một cách khác nhau, không ông nào đồng nhất ý kiến với nhau. Điều đó dẫn đến sự thiệt thòi cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Đâu chỉ giáo viên ghét Ban giám hiệu, nội bộ cấp cao này cũng mất đoàn kết ảnh 2

Lạ thật, Ban giám hiệu cứ bị kỉ luật là được lên Phòng!

Theo qui định hiện hành, trong trường học chỉ có Hiệu trưởng được gọi là lãnh đạo, còn các Phó Hiệu trưởng nhà trường là những cán bộ quản lí. 

Hiệu trưởng là công chức nhưng các Phó Hiệu trưởng là viên chức như các giáo viên đứng lớp.

Vì thực hiện cơ chế thủ trưởng nên Hiệu trưởng nhà trường có một quyền lực rất lớn. 

Còn các Phó Hiệu trưởng là những “người giúp việc cho Hiệu trưởng và chịu sự phân công công việc của Hiệu trưởng”. 

Qui định là vậy nhưng mối quan hệ giữa các vị này luôn có một khoảng cách nhất định. Có khi biểu hiện công kích công khai nhau, nhưng cũng có gì âm thầm bất đồng trong việc quản lí và điều hành công việc của đơn vị.
    
Nếu, Phó Hiệu trưởng là người mà được Hiệu trưởng gây dựng và cất nhắc lên thì giữa họ có mối quan hệ mật thiết và tạo một hòa khí tốt. 

Còn nếu hai vị trí này từ hai đơn vị khác nhau thì khi về đảm nhận công việc chung họ có những bất đồng tương đối lớn. Bất đồng trong quản lí, trong chỉ đạo và cả bất đồng trong lợi ích của từng cá nhân. 

Vì thế, nhiều cuộc họp trong nhà trường thì hai vị trí này luôn xảy ra những tranh luận nảy lửa. Và, vì bất đồng nên giữa hai người này thường tìm cách lôi kéo giáo viên trong trường đứng về phía mình. 

Những trường hợp như vậy luôn đẩy giáo viên về thế kẹt để lựa chọn đường đi cho riêng mình. 

Tuy nhiên, phần nhiều giáo viên vẫn nghiêng về Hiệu trưởng bởi “dựa” vào Hiệu trưởng, bảo vệ Hiệu trưởng sẽ đảm bảo được sự thuận lợi trong công tác nhiều hơn. 

Nhưng, vẫn mắc vào thế kẹt là Phó Hiệu trưởng chuyên môn mà đã không ưa thì giáo viên cũng lãnh đủ mọi chuyện. 

Vì thế, dù có nghiêng về bên nào thì nội bộ nhà trường cũng mất đi tính đoàn kết, sự chia rẽ, bè phái dẫn đến không đảm bảo được chất lượng giáo dục mà còn dẫn đến sự nghi kị, dè chừng, để ý lẫn nhau trong công tác.

Những chuyện mâu thuẫn như vậy hiện nay không hiếm trong các nhà trường.

Đâu chỉ giáo viên ghét Ban giám hiệu, nội bộ cấp cao này cũng mất đoàn kết ảnh 3

Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm làm sao tạo sự đột phá cho ngành giáo dục?

Thời gian qua, có hàng loạt các Hiệu trưởng bị phanh phui trong quản lí nhà trường, nhiều vị bị cách chức, bị điều chuyển công tác. 

Thế nhưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường thường là người vô can.

Bởi họ không liên quan đến công tác tài chính, nhân sự, không chịu trách nhiệm chính về công việc nhà trường.

Vì, các Phó Hiệu trưởng chỉ nắm một mảng công tác nhất định được Hiệu trưởng phân công. Nhưng, các Phó Hiệu trưởng nhìn thấy được những cái đúng, cái sai rõ nhất của người Hiệu trưởng. 

Một phần là họ có thời gian công tác bên nhau nhiều, thường xuyên có mặt ở trường nên hiểu hết mọi chuyện. Hơn nữa, họ cũng đã từng học qua các khóa quản lí nên họ hiểu chỗ nào sai, chỗ nào chưa được. 

Lợi thế này, giáo viên rất khó nhìn thấy. Vì thế, nhiều Phó Hiệu trưởng đứng ra tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng.
   
Cách đây mấy năm, đơn vị chúng tôi công tác thường xuyên phải chứng kiến những đơn tố cáo nặc danh, cũng có những đơn người kiện kí tên. 

Nhưng, tựu chung lại đều do Phó Hiệu trưởng nhà trường xúi làm đơn thưa kiện.

Chỉ đến khi Phòng giáo dục nhìn thấy được vấn đề nên điều chuyển Hiệu trưởng đi nơi khác và Phó Hiệu trưởng xuống dạy lớp thì chuyện kiện cáo trong trường mới được lắng xuống. 

Cũng trong địa bàn chúng tôi công tác có chuyện Phó Hiệu trưởng đứng tên tố cáo Hiệu trưởng chi tiêu sai qui định. 

Sau này, vị Hiệu trưởng bị cách chức và luân chuyển đi làm Phó Hiệu trưởng ở đơn vị khác còn vị Phó Hiệu trưởng thưa kiện thì lên làm… Hiệu trưởng.

Điều này cho chúng ta thấy rằng mâu thuẫn về quyền lợi và lợi ích luôn xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc.
    
Là người đã từng công tác ở nhiều đơn vị trường học khác nhau, chúng tôi luôn quan sát và nhìn thấy được những rạn nứt trong việc điều hành, chỉ đạo của Ban giám hiệu. 

Đâu chỉ giáo viên ghét Ban giám hiệu, nội bộ cấp cao này cũng mất đoàn kết ảnh 4

Để rồi xem mấy người sống có yên ổn nổi không?

Vì thế, để làm hài hòa các thành viên trong Ban giám hiệu và đảm bảo sự yên ổn cho bản thân thì giáo viên phần lớn đều phải “vâng, dạ” cho qua chuyện mỗi khi các thành viên này nêu chính kiến.

Bởi ai cũng hiểu nếu nghe người này thì mất lòng người kia…
   
Chúng ta biết rằng sự bất đồng, mâu thuẫn trong quản lí sẽ dẫn đến rất nhiều những hệ lụy xấu cho tập thể, đơn vị.

Nhất là trong trường học - môi trường làm việc phải thể hiện sự kỷ cương, trong sáng, đoàn kết mới thúc đẩy được sự đi lên của mỗi đơn vị. 

Vì thế, sự đoàn kết, sẻ chia giữa các thành viên trong Ban giám hiệu sẽ cộng hưởng làm nên sức mạnh cho đơn vị.

Và, chỉ khi Ban giám hiệu là những tấm gương sáng thì giáo viên, học sinh trong nhà trường mới có thể toàn tâm cho việc dạy và học.

Nguyễn Cao