Đề thi đại học, cao đẳng 2013 trong chương trình phổ thông

02/07/2013 22:18
Theo VOV
(GDVN) - Đề thi trên nguyên tắc là không vượt ra khỏi chương trình phổ thông và tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12.

Ngày 3/7, các thí sinh dự thi tuyển sinh cao đẳng- đại học đợt 1 năm 2013 (gồm các khối A, A1 và V) tập trung tại các hội đồng thi để làm thủ tục dự thi. Thí sinh sẽ được nhận số báo danh, phòng thi, nghe phổ biến quy chế thi và sửa chữa những sai sót trên giấy báo dự thi. VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013:

PV: Thưa ông, những năm gần đây, công tác ra đề thi của Bộ, đặc biệt là đối với các môn xã hội ra theo hướng mở được dư luận xã hội đánh giá cao. Vậy năm nay chỉ đạo của Bộ sẽ ra đề thi theo hướng nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề thi trên nguyên tắc là không vượt ra khỏi chương trình phổ thông và tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; không quá dài, không quá khó, không đánh đố học sinh. Cấu trúc đề thi có phần dễ, có trung bình và phần khó để có tính phân loại cao cho thí sinh. Vì vậy các thí sinh khi làm bài thi cần phải lướt qua một lượt để chọn những câu dễ làm trước, còn thời gian thì làm những câu tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Còn đối với các môn xã hội, trong những năm qua, kinh nghiệm làm đề mở trong công tác dạy và học phổ thông sẽ được tiếp thu trong quá trình ra đề thi của bậc đại học, cao đẳng. Với cách ra đề mở như vậy thì việc học thuộc, học vẹt thì sẽ không còn tác dụng nữa.

Năm nay trong Ban đề thi của Bộ, đa số là các giáo viên phổ thông ở các vùng miền khác nhau để họ có thể đánh giá được trình độ học sinh và ra đề phù hợp.

PV: Hiện nay một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Vậy Bộ đã có quyết định như thế nào về phương án tuyển sinh riêng của các trường?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Vừa qua, 8 trường ngoài công lập đề xuất các đề án tuyển sinh riêng, nhưng trong đề án đầu tiên này các trường sử dụng kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp bậc phổ thông. Bộ đã đưa ra các diễn đàn trên các báo để lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, đa số các ý kiến đều không ủng hộ đề án, bởi vì không đảm bảo tính công bằng cũng như không đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển. Vì vậy, Bộ đã trực tiếp làm việc với từng trường, tư vấn cho các trường điều chỉnh phương án cho phù hợp hơn.

Qua các buổi làm việc, các trường đã thống nhất, đề xuất phương án là tuyển sinh thành 2 đợt: đợt đầu tiên vào tháng 8, tức là vẫn tuyển sinh theo điểm sàn, theo 3 chung giống như những trường khác. Nếu còn thiếu chỉ tiêu thì sang đợt tháng 2, tháng 3 sang năm thì các trường có thể tổ chức thi riêng.

Tuyển sinh riêng thì các trường tự ra đề thi riêng, tự tổ chức thi, tự xét tuyển, tự giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển. Bộ sẽ kiểm tra thanh tra, giám sát, đảm bảo tính công bằng của kỳ thi.

Hiện nay, Bộ đang chờ các trường chỉnh sửa lại đề án tuyển sinh riêng gửi lên Bộ để thẩm định. Nếu được dư luận ủng hộ, đồng tình thì có thể cho áp dụng sớm. Bộ luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các trường có nguyện vọng tuyển sinh riêng thực hiện theo đúng luật giáo dục đại học, nhưng vẫn phải đảm bảo một số nguyên tắc để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đảm bảo sự công bằng và nhất là không để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như trước khi chúng ta thực hiện tuyển sinh “3 chung”.

PV: Thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các trường khó tuyển sinh là “điểm sàn”. Vậy trong kỳ thi năm nay, cách thức xây dựng điểm sàn của Bộ có thay đổi hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc quyết định phương án nào, xác định điểm sàn bao nhiêu sẽ được Hội đồng điểm sàn của Bộ họp để xem xét và trình Bộ trưởng quyết định. Tới giờ phút này, chưa có Hội đồng, chưa có kết quả thi nên chưa thể nói được là điểm sàn năm nay sẽ xác định theo phương án nào, cũng như mức điểm sàn bao nhiêu.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Theo VOV