Đề văn tả con chó, tôi tin là không có thật

26/05/2017 06:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Với đề bài “Em hãy tả về con chó của nhà em”, một học sinh tiểu học đã viết "Nhà em không có nuôi chó. Khi nào nhà em nuôi chó em sẽ tả".

LTS: Trao đổi về việc dư luận đang xôn xao trước đề văn tả con vật và lời phê được cho là của một giáo viên, cô giáo Phan Tuyết cho rằng cần xem xét lại về tính xác thực của sự việc.

Bởi là một giáo viên tiểu học, cô Tuyết khẳng định chương trình học không bao giờ đưa ra cách ra đề bó hẹp, rập khuôn như vậy.

Nếu thực sự có giáo viên ra đề như thế thì cần xem xét lại trình độ của giáo viên cũng như năng lực của nhà trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Với đề bài “Em hãy tả về con chó của nhà em”, một học sinh tiểu học đã viết "Nhà em không có nuôi chó. Khi nào nhà em nuôi chó em sẽ tả". 

Sau đó có lời phê bằng mực đỏ được cho là của giáo viên "Cạn lời. Về nhà làm lại". Đề bài và lời phê ấy đang làm dậy sóng cộng đồng mạng.

Trước hết không có gì đảm bảo rằng đây chính là bài văn thực sự của học sinh và lời phê kia đích thị là của giáo viên.

Cái trò một ai đó tự viết, tự phê để câu view cũng chẳng còn là chuyện hiếm, chuyện chưa từng xảy ra giữa thời buổi mạng thông tin luôn là sức mạnh.

Từ lâu, trong chương trình đã không có dạng đề bài “Em hãy tả về con chó của nhà em”. (Ảnh minh họa: Thieunien.vn)
Từ lâu, trong chương trình đã không có dạng đề bài “Em hãy tả về con chó của nhà em”. (Ảnh minh họa: Thieunien.vn)

Vậy mà, bạn đọc lại bất bình, tức giận đổ hết mọi tội lỗi lên đầu giáo viên theo kiểu quy chụp, để từ đó lên án cách dạy học rập khuôn, thiếu tính sáng tạo của phần lớn giáo viên tiểu học hiện nay.

Giả sử đó đích thị là bài viết của một học sinh và lời phê của giáo viên thì cũng cần xem xét lại.

Với kiểu ra đề như thế thì trình độ của giáo viên ấy quả thật có vấn đề. Chuyên môn trường học ấy cũng cần phải xem xét lại.

Và như thế chỉ là hiện tượng cá biệt, hoàn toàn không mang tính chất phổ biến như đa số những bình luận của độc giả.

Nói thế, bởi tôi biết rằng trong chương trình học hiện nay của cấp tiểu học chưa bao giờ có đề bài tập làm văn nào ra theo kiểu bạn đọc phản ánh:

Tả con chó, con mèo, con lợn, con chim, cây hoa hồng, cây mít, cây ổi hay em bé, anh, chị... nhưng thường yêu cầu những cây, con đó của "nhà em" hay anh, chị, em bé "của em".

Chương trình học không có. Vậy, cũng chẳng có lý gì để giáo viên lại ra đề thi theo kiểu ngớ ngẩn như vậy.

Đề văn tả con chó, tôi tin là không có thật ảnh 2

Giáo viên Ngữ văn than học sinh chép văn mẫu quá nhiều khi làm bài ở nhà

Ở chương trình lớp 2 hiện nay kể cả chương trình hiện hành và chương trình VNEN, các đề tập làm văn thường là:

Em hãy viết đoạn văn ngắn từ 4-5 câu tả về một con vật mà em yêu thích”,

Em hãy viết đoạn văn ngắn từ 4-5 câu tả về một loài cây mà em yêu thích”,

Em hãy viết đoạn văn ngắn từ 4-5 câu tả về một người thân của em (là ba, mẹ, ông, bà, anh, chị, em…”.

Với kiểu đề bài tập làm văn như thế, học sinh nào cũng có thể làm được. Bởi, em nào chẳng biết về một số con vật?

Đó có thể là con vật nuôi trong nhà, con vật nhà hàng xóm, thậm chí là con vật trong sở thú, trên ti vi, phim ảnh hay ở đâu đó mà em từng thấy…

Hay một loài cây, đó có thể là cây hoa, cây ăn trái, cây lấy gỗ, cây che bóng mát… loài cây ấy ở nhà trồng, của nhà hàng xóm hay ngay trong sân trường của em.

Trước đây, từng có đề bài kiểu “Em hãy viết đoạn văn ngắn từ 4-5 câu tả về bố (hoặc mẹ) của em”.

Nhưng trong thực tế đã có một số học sinh thiếu vắng cả cha và mẹ nên các em sẽ rất khó khăn khi hoàn thành bài viết. Bởi thế, khi dạy giáo viên đã biết tránh ra đề theo kiểu này.

Những lần chỉnh sửa sau, sách giáo khoa cũng đã chỉnh lý lại rằng “Em hãy viết đoạn văn ngắn từ 4-5 câu tả về người thân của em”.

Giáo viên luôn lưu ý học sinh của mình rằng ngoài ba, mẹ thì ông bà, anh chị em hay cô bác… đều là người thân nên các em có thể chọn một người để tả là đúng với yêu cầu của đề ra.

Bài văn trên được đăng trên mạng xã hội Facebook đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của mọi người với hàng trăm lời bình luận nặng nề dành cho giáo viên bậc tiểu học.

Thiết nghĩ, trước khi buông lời kết tội một ai đó, độc giả cũng cần phải tra xét rõ ràng nguồn gốc, sự ra đời của câu chuyện tránh việc mình đã lên án và quy kết quá lời.

Phan Tuyết