Dịch chuyển của Khoa Khoa học tự nhiên, Đại học Hải Phòng trong đào tạo sư phạm

20/06/2018 06:20
Lại Cường (thực hiện)
(GDVN) - Nếu sinh viên được bồi dưỡng lí luận và kĩ năng nghề tốt, xuống trường phổ thông thực tập hiệu quả, năng lực sư phạm sẽ phát triển.

LTS: Chưa có lúc nào việc đổi mới đào tạo sư phạm và xem xét lại chương trình đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư phạm lại trở thành đòi hỏi cấp thiết đến thế trong giai đoạn hiện nay.

Từ nhu cầu từ thực tiễn, Khoa Khoa học Tự nhiên, Đại học Hải Phòng, một trong những địa chỉ đào tạo sư phạm uy tín đã có nhiều thay đổi trong đào tạo giáo viên.

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo khoa về việc thay đổi trong đào tạo sư phạm giúp sinh viên chủ động về đầu ra đối với nghề.

Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết từ 2018 sẽ thay đổi việc đào tạo sư phạm. Vậy đối với Khoa Khoa học tự nhiên, chương trình đào tạo đã thay đổi như thế nào để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có khả năng tự lập, tự tìm kiếm cơ hội việc làm?

Tiến sĩ Vũ Thị Yến: Đối với Khoa Khoa học tư nhiên của Đại học Hải Phòng việc thay đổi bắt đầu từ việc thay đổi khối kiến thức đào tạo cho sinh viên. Đối với khối kiến thức chuyên ngành, Khoa Khoa học tự nhiên đã lựa chọn kiến thức trọng tâm, cốt lõi để chuyển vị ditactic (chuyển vị sư phạm) phù hợp với kiến thức ở trường phổ thông.

Khoa Khoa học tự nhiên đã tổ chức dạy học lồng ghép dạy học các kỹ năng cơ bản cho sinh viên trong khi dạy học các môn đại cương như kĩ năng đặt câu hỏi, cách trình bày thảo luận, seminar, trải nghiệm các dự án trong khi học đại cương.

Đối với khối kiến thức cốt lõi sư phạm khoa chúng tôi đã bổ sung thêm các lí luận dạy học hiện đại như: dạy học tích hợp, stem, trải nghiệm sáng tạo…

Khi dạy tổ chức dạy học các học phần lí luận dạy học, khoa đã bố trí thời lượng thực hành cao (có chia nhóm), bồi dưỡng năng lực thực hiện hay kĩ năng cho sinh viên bằng cách sử dụng lớp học vi mô (tự trải nghiệm – trình bày một đơn vị kiến thức vận dụng lí luận vừa được giáo viên cung cấp, quay video lại, rồi  cùng nhau phân tích lại video, điều chỉnh, dạy lại, rồi quá trình cứ lặp lại…).

Tuy nhiên, để triển khai được điều này cần có những phòng chức năng phù hợp.

Bên cạnh đó, Khoa Khoa học tự nhiên cũng đã kiến nghị cần tăng thời gian thực tập cho sinh viên, đa dạng hoá hình thức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.

Nên cho sinh đi kiến tập, thực tập từ năm thứ nhất. Nên có các giờ học mời giáo viên phổ thông đến giảng dạy cũng như các giảng viên đại học có thời gian nhất định xuống phổ thông để tham gia giảng dạy, tạo cầu nối cũng như giúp việc đào tạo sư phạm thiết thực và gần gũi với các nhu cầu thực tế.

Bên cạnh việc đầu tư khối kiến thức, Khoa Khoa học tự nhiên của trường Đại học Hải Phòng cũng dần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Hiện hoạt động nghiên cứu khoa học tại các khoa Sư phạm chưa được đầu tư đúng mức.

Thời gian sinh viên dành cho nghiên cứu khoa học còn ít, kinh phí hạn hẹp nên ít có các đề tài nghiên cứu sâu, có chất lượng.

Để đảm bảo phát triển năng lực nghiên cứu cho sinh viên sư phạm, Khoa Khoa học tự nhiên đang xây dựng chính sách khuyến khích sinh viên tham gia, bố trí thời gian hợp lý để các hoạt động thực tập và nghiên cứu khoa học không chồng chéo.

Các đề tài nghiên cứu khoa của khoa luôn thay đổi để gắn kết các hoạt động thực tập tại các trường phổ thông với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tại Khoa Khoa học tự nhiên chúng tôi, việc tăng cường cho sinh viên nghiên cứu khoa học, dự án, thiết kế thí nghiệm theo như các hình thức học phần bắt buộc; không chỉ dừng lại ở cuộc thi.

Đây là một hình thức trải nghiệm sáng tạo tuyệt vời để tăng cường tính tự lực, sáng tạo cho sinh viên.

Hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ là một hình thức trải nghiệm sáng tạo tuyệt vời để tăng cường tính tự lực, sáng tạo cho sinh viên. (Ảnh: Đại học Hải Phòng)
Hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ là một hình thức trải nghiệm sáng tạo tuyệt vời để tăng cường tính tự lực, sáng tạo cho sinh viên. (Ảnh: Đại học Hải Phòng)

Phóng viên:  Để thực hiện chủ trương "đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng" của trường, Khoa Khoa học tự nhiên đã làm gì để đàm bảo đầu ra cho sinh viên?

Tiến sĩ Vũ Thị Yến: Đối với Khoa Khoa học tự nhiên, trước hết hết giảng viên cần phải thực tiễn sâu sắc tại các trường phổ thông bằng cách phân cho giảng viên giảng dạy ít nhất 1 lớp trong 1 học kỳ tại trường thực hành phổ thông thuộc Trường Đại học Hải Phòng.

Khoa cũng thường tổ chức thường niên các buổi tọa đàm, thảo luận, trao đổi với các giáo viên phổ thông tâm huyết, có kinh nghiệm trong địa bàn Thành phố Hải Phòng.

Khoa hiện cũng đang tiến hành tìm hiểu các thông tin về nhu cầu giáo viên của các trường phổ thông, liên kết cho sinh viên xuống các trường phổ thông, cả các trường tư thục để giúp sinh viên có thêm các kiến thức thực tế đồng thời cũng tạo cơ hội để các trường phổ thông tiếp cận, sàng lọc giáo viên nguồn cho trường.

Trong quá trình sinh viên thực tập, lãnh đạo khoa có các chính sách phù hợp để các giảng viên có thể có thời gian và điều kiện tiếp cận các hoạt động của sinh viên khi về trường phổ thông, các giáo viên tiếp cận để hiểu nhu cầu cũng như yêu cầu của các trường phổ thông đối với các giáo sinh để điều chỉnh, đổi mới chương trình giảng dạy, nội dung giảng dạy phù hợp với thực tế.

Hiện Khoa Khoa học tự nhiên, Đại học Hải Phòng đang bổ sung thêm học phần “thực hành giảng dạy” và học phần thực tiễn trường phổ thông đi kèm với các học phần Lí luận dạy học.

Phóng viên: Ý kiến của lãnh đạo khoa Khoa khoa học tự nhiên về vấn đề sinh viên sư phạm đi thực tập hiện nay? Chúng ta cần thay đổi gì để sinh viên có thể nâng cao năng lực sư phạm?

Tiến sĩ Vũ Thị Yến: Theo chúng tôi, nên tăng thời lượng thực tập sư phạm nhưng cũng phải chú trọng tới chất lượng thực tập. Việc thực tập cần phải được giám sát chặt chẽ hơn, có sự phối hợp giữa trường đại học và phổ thông, tránh tình trạng thực tập cho có, xin xác nhận của các trường phổ thông mà quản lý chặt chẽ có biện pháp giám sát quá trình thực tập của sinh viên.

Nên bổ sung các nội dung thường niên trong các kỳ học là học sinh phải thực tiễn phổ thông với hình thức dự giờ, trao đổi, học hỏi… để điều chỉnh lại cho phù hợp.

Dịch chuyển của Khoa Khoa học tự nhiên, Đại học Hải Phòng trong đào tạo sư phạm ảnh 2Vụ Đại học cảnh báo các trường sư phạm định tuyển đầu vào quá thấp

Bởi nếu sinh viên chưa được bồi dưỡng lí luận và kĩ năng nghề tốt, xuống trường phổ thông nhiều chưa hiệu quả, gây xáo trộn các giờ học của học sinh.

Cần phải xuống thực tiễn nhỏ lẻ đi kèm với bồi dưỡng các kĩ năng ở các học phần, có sự định hướng của giáo viên chuyên ngành.

Theo chúng tôi nên cho thực tập lần 1 và lần 2 ở các thời điểm khác nhau để sinh viên có thể biết được các hoạt động chung của nhà trường phổ thông (ví dụ: lần 1 – học kì 1; lần 2 học kì 2).

Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết quan điểm của Khoa Khoa học tự nhiên về việc đào tạo gắn liền với nhu cầu sử dụng?

Tiến sĩ Vũ Thị Yến: Theo chúng tôi, muốn đào tạo hiệu quả thì cần tăng thời lượng thực hành trên lớp vi mô nhỏ (ở ngay trường đại học), do vậy cần phải chia lớp học phần thành nhiều nhóm nhỏ có các phương tiện, kĩ thuật hiện đại thuận tiện cho các em rèn nghề.

Việc tính toán năng suất cần phải cân đối, tuy nhiên cũng nên đào tạo nhiều hơn nhu cầu để các trường phổ thông có điều kiện để lựa chọn, sàng lọc cũng như Sinh viên có ý thức phấn đấu, rèn luyện, cạnh tranh

Nên tính toán tỉ lệ thích hợp để lượng đào tạo không quá nhiều nhưng không nên chỉ đào tạo đủ chỉ tiêu.

Nên tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đầu tư thời gian và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên sư phạm, nâng cao năng lực nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá, phản biện giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện, đánh giá đúng và xử lý tốt các vấn đề khi ra trường.

Xin cám ơn tiến sĩ!

Lại Cường (thực hiện)