Chưa có lúc nào việc đổi mới đào tạo sư phạm và xem xét lại chương trình đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư phạm lại trở thành một đòi hỏi cấp thiết đến thế trong giai đoạn hiện nay.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân – Trưởng khoa Toán, trường đại học Hải Phòng để nắm bắt quá trình đào tạo của trường Đại học Hải Phòng và Khoa Toán nói riêng đã, đang và sẽ có sự thay đổi ra sao để đội ngũ nhà giáo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết từ 2018 sẽ thay đổi việc đào tạo sư phạm. Tiến sĩ có thể cho biết sự thay đổi của khoa Toán của Trường Đại học Hải Phòng để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có khả năng tự lập, tự tìm kiếm cơ hội việc làm?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân : Khi xây dựng chương trình đào tạo K15 và đặc biệt Chương trình đào tạo K18, chúng tôi đã rất chú trọng đến việc cho sinh viên tiếp cận với thực tiễn dạy học ở trường phổ thông thông.
Qua nội dung từng học phần và việc tổ chức kiến tập, thực tập ở trường phổ thông nên có thể nhận thấy trong khoảng 3 năm gần đây, mặc dù đầu vào của sinh viên khoa Toán không cao nhưng các em ra trường đã có thể tiếp cận và làm khá tốt công việc của người giáo viên.
Hiện nay, sinh viên sư phạm Toán có thể tìm kiếm một số cơ hội việc làm như: dạy học ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập, tư thục, các trung tâm toán tư duy, kỹ năng sống, gia sư...
Có một số sinh viên rất năng động, tự thành lập trung tâm kỹ năng sống, trung tâm gia sư và sử dụng ngay nguồn nhân lực của khoa sau khi tốt nghiệp. Hầu hết sinh viên khoa toán sau khi tốt nghiệp đã có việc làm sau 1 năm.
Việc kết hợp giữa thực tiễn và nghiên cứu khoa học đã giúp sinh viên sư phạm Toán của khoa Toán chủ động trong việc tìm việc làm hơn. (Ảnh: Khoa Toán, Đại học Hải Phòng) |
Phóng viên: Để thực hiện chủ trương "đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng" của trường, Khoa Toán của trường Đại học Hải Phòng đã có kế hoạch kết nối với trường phổ thông cụ thể ra sao để tìm đầu ra cho sinh viên?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân: Thứ nhất, Khoa chúng tôi lập trang “Khoa Toán- Trường Đại học Hải Phòng” để kết nối những sinh viên và cựu sinh viên của khoa, một mặt để nắm được thông tin của sinh viên, mặt khác những thông tin về việc làm đều được đăng lên trang này để sinh viên tìm hiểu và đăng ký.
Thứ hai, giáo viên và cựu sinh viên Khoa Toán hiện nay có mặt tại hầu hết các trường phổ thông tại Hải Phòng nên thông tin tuyển dụng của các trường cũng được chúng tôi cập nhật khá kịp thời.
Tuy nhiên, tất cả các thông tin này chỉ mang tính chất “tiểu ngạch” nên nếu Trường có những thỏa thuận chính thức với các trường phổ thông sẽ tốt hơn cho sinh viên trong việc tiếp cận thông tin.
Theo tìm hiểu của Khoa Toán thông qua một số cựu sinh viên hiện đã làm quản lý tại các trường Trung học cơ sở, hiện nay các trường Trung học cơ sở khó có thể tiếp nhận thêm các giáo viên dạy đơn lẻ môn lý, hóa... vì mỗi lớp chỉ học 1tiết/tuần nên mỗi trường chỉ cần 1-2 giáo viên là đủ.
Chính vì vậy hiện nay bản thân các giáo viên đang dạy lý, hóa đã phải học liên thông sang Toán để có giờ dạy nên nhà trường cần cân nhắc mở lại những chuyên ngành toán – lý, toán- hóa, toán- tin thì phù hợp với thị trường hơn.
Phóng viên: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về thời gian thực tập nghề nghiệp sư phạm hiện nay? Lãnh đạo khoa làm gì để nâng cao chất lượng thực tập, cọ sát với nghề cho sinh viên?
Giáo sư Phạm Hồng Quang và bài toán sinh viên sư phạm không thất nghiệp |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân: Tôi cho rằng thời gian kiến, thực tập cho Sinh viên sư phạm hiện nay là tương đối ổn rồi vì nếu kéo dài quá e rằng ảnh hưởng tới trường phổ thông.
Thay vì về trường phổ thông, chúng ta nên cho Sinh viên “Thực tập tại chỗ” bằng cách cho thực hành trình bày bảng, vẽ hình,trang bị phần mềm dạy học... thì hiệu quả hơn.
Phóng viên: Một số chuyên gia cho rằng chúng ta nên tính toán, tăng suất đầu tư trên từng sinh viên sư phạm. Lãnh đạo khoa có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân: Theo chúng tôi, cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra lượng chỉ tiêu phù hợp để tránh việc đào tạo tràn lan, đảm bảo cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp thì sẽ chọn được sinh viên giỏi, là cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên chứ không hẳn là vấn đề tài chính.
Trân trọng cám ơn Tiến sĩ!