Định hướng nghề nên bắt đầu từ lớp 8

03/05/2017 08:59
Thùy Linh
(GDVN) - Vấn đề định hướng nghề của dự thảo chưa rõ và nếu định hướng nghề từ lớp 10 là hơi muộn.

Là một người được tiếp cận với nhiều nền giáo dục trên các nước, bản thân học tập ở nước ngoài, thầy Phan Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vinschool khẳng định những điểm mới trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giúp các cơ sở giáo dục linh hoạt, chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện; tính chất liên môn và tính tự chọn được thể hiện rõ nét. 

Tuy nhiên, thầy Phan Anh cho rằng: “Vấn đề định hướng nghề của dự thảo chưa rõ và nếu định hướng nghề từ lớp 10 là hơi muộn”. 

Vị Hiệu trưởng này phân tích, trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, sự quan tâm của các học sinh đến các lĩnh vực nghề nghiệp xã hội cũng sớm hơn rất nhiều. Do vậy, ngay từ lớp 8 chúng ta cần định hướng cho các em. 

Nếu có một môn định hướng hiện nay trong các nhà trường thì đó chính là môn học nghề nhưng nó chưa phát huy được vai trò của mình và không thể gọi đó là định hướng nghề. 

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vinschool: "Nếu định hướng nghề từ lớp 10 là hơi muộn" (Ảnh: Báo Giáo dục thời đại)
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vinschool: "Nếu định hướng nghề từ lớp 10 là hơi muộn" (Ảnh: Báo Giáo dục thời đại)

Bởi việc thực hiện định hướng nghề như thế đã lỗi thời và chỉ đang giải quyết điểm điều kiện để các em thi vào lớp 10.

Theo tôi, định hướng nghề nên nằm trong chính các bộ môn, trong cách thức tổ chức chương trình. Giáo viên sẽ là người ý thức được điều đó. 

Mỗi vấn đề về mặt kiến thức, tổ chức hoạt động học tập nên xen kèm hoạt động về định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đôi khi chỉ là những hoạt động tìm hiểu, phục vụ cho nội dung bài nhưng đã hướng các em đến việc tìm hiểu nghề nghiệp tương lai
”, thầy Phan Anh đề xuất. 

Định hướng nghề nên bắt đầu từ lớp 8 ảnh 2

Chương trình mới đã chú trọng tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 chưa?

Ví dụ, khi học về Toán học với những dãy số, tỉ lệ, các em có thể liên hệ đến nghề nhiếp ảnh với những bức ảnh theo một tỉ lệ nhất định…
 
Hay khi học về Lịch sử, các em học về thời kỳ bao cấp. Học sinh của mình có thể học từ thực tế khi tiếp cận với những quán ăn theo phong cách bao cấp. 

Khi đó, các em không chỉ học kiến thức mà trong đầu đôi khi hình thành những ý tưởng định hướng cho nghề nghiệp sau này của mình. 

Định hướng nghề nghiệp ở đây mang tính chất khơi gợi cho các em tư duy về nghề nghiệp tương lai. Định hướng đó không phải là một môn học mà là nội dung lồng ghép trong các môn học khác.

Trải nghiệm sáng tạo nên là một phương pháp 

Chia sẻ với phóng viên, thầy Phan Anh cũng rất băn khoăn về môn trải nghiệm sáng tạo mặc dù đây là một ý tưởng rất tốt để kích thích , phát triển kỹ năng tự giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh. 

Tuy nhiên, thầy Phan Anh băn khoăn: “Việc đưa trải nghiệm sáng tạo thành một môn học độc lập khiến tôi chưa hình dung ra để dạy môn học này, giáo viên phải có những kiến thức kỹ năng gì và giảng dạy ra sao?

Bản thân tôi kỳ vọng trải nghiệm sáng tạo là một phương pháp thấm vào từng bộ môn
”. 

Định hướng nghề nên bắt đầu từ lớp 8 ảnh 3

Ý kiến từ địa phương với Chương trình tổng thể

Điều này có nghĩa là, các thầy cô giáo, ngay khi dạy môn học của mình là phải để cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo.

Không thể có chuyện, giáo viên bộ môn chỉ dạy kiến thức cơ bản để học sinh mang kiến thức đó sang môn trải nghiệm sáng tạo để sáng tạo. 

Nhưng rõ ràng, để từng bộ môn có giáo viên đủ khả năng giảng dạy kiến thức cơ bản kèm trải nghiệm sáng tạo là vấn đề không hề đơn giản. 

Tuy nhiên, nếu chúng ta đã đưa vào nội dung chương trình như vậy thì cần phải tập trung đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm hay đào tạo tại chỗ để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Ngoài ra, theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vinschool việc phân chia khái niệm về môn học trong dự thảo chương trình cần được điều chỉnh theo hướng dễ hiểu hơn, như hiện nay còn lủng củng, các khái niệm như tự chọn, bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa,… khiến người đọc, người học thấy bị rối. 

Chúng ta có thể tổ chức lại, chỉ chia thành 2 loại là bắt buộc và tự chọn. Trong các môn bắt buộc sẽ chia thành các nhóm, mô đun 1 là môn học bắt buộc phải học, mô đun 2 môn học bắt buộc có phân hóa với nội dung cụ thể”, thầy Phan Anh nêu quan điểm. 

Trân trọng kính mời bạn đọc góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng cầu ý kiến đến 20/5/2017. 

Mọi ý kiến độc giả, vui lòng gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn.

Tòa soạn trân trọng cảm ơn!

Thùy Linh