Ý kiến từ địa phương với Chương trình tổng thể

01/05/2017 06:42
Hồng Ngọc
(GDVN) - Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không chỉ tạo ra sự tranh luận, góp ý từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước để đạt được hiệu quả tối đa khi áp dụng vào thực tiễn, mà còn tạo ra động lực để các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện đón đầu sự đối mới này.

Chương trình mới và chương trình hiện hành có nhiều điểm chung

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhìn từ góc độ cấu tạo chương trình (số môn, thời điểm giảng dạy từng môn theo độ tuổi, nội dung giảng dạy cơ bản của các môn, …) thì chương trình tiểu học hiện hành và chương trình tiểu học trong dự thảo có nhiều điểm chung, điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện tương đối thuận lợi khi triển khai vào thực tế.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh, dự thảo chương trình đã chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh theo đúng mục tiêu đã đề ra. 

Chẳng hạn, tiêu chí cuối của năng lực tin học đối với học sinh tiểu học yêu cầu học sinh theo hướng dẫn tìm được thông tin từ nguồn dữ liệu số hóa, hay dùng tài nguyên thông tin và kỹ thuật của Công nghệ thông tin để giải quyết một số vấn đề phù hợp với lứa tuổi … và nâng cao dần ở những cấp lớp trên. 

Tiêu chí này sẽ giúp học sinh có thể dần hình thành những năng lực phù hợp để tiến tới đón đầu thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với quy định học sinh học 2 buổi/ngày, ông Vinh cho rằng, quy định này mang ý nghĩa tốt khi hướng đến việc đảm bảo thời gian phù hợp cho những nội dung giáo dục toàn diện. 

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh theo đúng mục tiêu đã đề ra. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh theo đúng mục tiêu đã đề ra. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, ở các thành phố lớn (nơi có tỷ lệ dân số tăng cơ học rất cao và tốc độ xây dựng trường lớp khó bắt kịp với tốc độ phát triển của dân cư) thì thời gian triển khai dạy học 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh tiểu học trên toàn quốc cần tính toán cho phù hợp hơn. 

Bên cạnh đó, theo ông Vinh, Bộ cũng cần nghiên cứu hướng dẫn cách thức áp dụng chương trình (về nội dung, thời lượng, phương pháp giảng dạy …) đối với những địa phương, những trường học vì một số lý do khách quan hoặc chủ quan nào đó, chưa đủ khả năng áp dụng tổ chức dạy học học 2 buổi/ngày cho đơn vị của mình.

Đối với môn Ngoại ngữ, qua thực tiễn triển khai các chương trình tiếng Anh và tiếng Pháp trong những năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vinh góp ý nên bố trí cho học sinh lớp 1 và lớp 2 được học ngoại ngữ với thời lượng nhiều hơn 2 tiết/tuần tùy theo điều kiện của địa phương. 

Đồng thời, xem xét cho tiếp tục duy trì thời lượng 8 tiết/tuần đối với những trường đã thực hiện chương trình tăng cường Tiếng Anh và Tiếng Pháp.

Ngoài ra, ông Vinh cũng đề xuất, nên có một thời gian thích hợp để tiến hành thử nghiệm chương trình phổ thông tổng thể trước khi chính thức triển khai rộng rãi.

Tích cực chuẩn bị cho dạy và học 2 buổi/ngày

Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể ngay sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đã không chỉ nhận được các luồng ý kiến góp ý mà còn tạo cơ sở để một số địa phương bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện triển khai trong thực tiễn.

Ý kiến từ địa phương với Chương trình tổng thể ảnh 2

Thời gian góp ý cho Chương trình giáo dục phổ thông kéo dài đến ngày 20/5

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay, việc tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo, chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi các trường tiểu học sang học cả ngày đang được tỉnh Nghệ An đặt lên hàng đầu.

Theo đó, các nhóm giải pháp được phê duyệt và chỉ đạo thực hiện bao gồm bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất theo hướng trường chuẩn quốc gia; bố trí đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đội ngũ giáo viên đối với trường tiểu học chuyển sang dạy học cả ngày; xây dựng chương trình giáo dục nhà trường theo hướng toàn diện, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học. 

Đến năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh Nghệ An có 551/563 trường có học sinh tiểu học chuyển sang dạy học 2 buổi/ngày với thời lượng từ 32 đến 35 tiết/tuần, tỷ lệ xấp xỉ 98%. 

Hệ thống cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học cả ngày với số trường chuẩn quốc gia đạt 84%, số trường đủ phòng học cho mỗi lớp học và phòng chức năng chiếm 95%. 

Cũng theo thông tin từ ông Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã và đang tích cực chỉ đạo một số hoạt động giáo dục mang ý nghĩa đón đầu chương trình mới tới 100% trường học trong tỉnh. 

Cụ thể như bố trí 1 tiết/tuần cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống và các hoạt động giáo dục ngoài chính khóa; tổ chức hoạt động tự học có hướng dẫn cuối ngày học để giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp; tổ chức xây dựng và triển khai đề án “Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học”…

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị nhà trường cho 100% hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học. 

Tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương và cả nước. 

Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh Nghệ An có 406 trường đủ điều kiện về cơ sở và đội ngũ giáo viên để triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình tiếng Anh 10 năm từ lớp 3. 

Tỉnh Nghệ Anh phấn đấu đến năm học 2019 - 2020, 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ theo chương trình 10 từ lớp 3, trong đó, 50% số học sinh vùng thuận lợi được học làm quen với tiếng Anh từ lớp 1.

Hồng Ngọc