Từ vụ việc “Bắt học sinh may đồng phục mới” được phụ huynh học sinh phản ánh tại Trường tiểu học Phù Khê, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh để thấy rằng xung quanh vấn đề đồng phục có nhiều câu chuyện để nói. Đồng phục học sinh đang dần rời xa ý nghĩa tốt đẹp thuở ban đầu để biến thành nỗi “ám ảnh” đối với phụ huynh mỗi dịp đầu năm.
Độc giả phản đối việc lãng phí
Ngày 30/9/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Thông tư số 26 về việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên. Trong đó có nêu lên ý nghĩa của việc mặc đồng phục là: “Đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh, sinh viên của một trường mặc khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá”.
Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, việc mặc đồng phục trong học sinh cần phải được khuyến khích và nhân rộng tới nhiều trường, nhiều lớp trên cả nước.
Nụ cười, ánh mắt rạng ngời của học sinh trong bộ đồng phục |
Nhưng có một thực tế, vào năm học mới, vấn đề đồng phục học sinh luôn là một chủ đề “nóng” được phụ huynh và dư luận quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều phản hồi của độc giả từ khắp nơi gửi về. Các ý kiến phản ánh phần nào thực trạng việc mặc đồng phục hiện nay trong nhà trường. Trong số độc giả có cả những người có thời gian làm việc lâu năm trong ngành giáo dục đồng thời cũng là những phụ huynh học sinh.
Độc giả Phạm Tiến có ý kiến rằng: “Không may đồng phục thì hiệu trưởng lại không có tiền phần trăm... Vào đầu năm học, có hàng chục đoàn đến tiếp thị đủ loại: đồng phục, bảo hiểm, thiết bị... Trường học cứ như cái chợ. Học sinh, giáo viên chủ nhiệm thì rệt nhau thu – nộp... chỉ tội gia đình nghèo mà có con đi học. Nghĩ mà thấy chán”.
Còn độc giả Nguyễn Đông tỏ ra bức xúc: “Trường... còn có sáng kiến ai mặc không đúng đồng phục của trường, kể cả là may y chang nơi khác nhưng không có logo của trường sẽ bị phạt dọn vệ sinh một tháng”.
Là một phụ huynh đồng thời là giáo viên đang giảng dạy tại một trường THCS tại huyện Đan Phương, Hà Nội, cô Hoàng Thị Khánh Vân cho rằng: “Mặc đồng phục học sinh có nhiều ý nghĩa, trước hết là giúp các em đến trường không phân biệt giàu nghèo, thứ hai nhìn vào người ta có thể biết học sinh trường nào. Với học sinh lớn nhanh phải thay đồng phục là điều đương nhiên, còn nếu quần áo các cháu vẫn mặc được thì không nên thay. Bản thân tôi là một phụ huynh, thấy việc mỗi năm phải thay mới quần áo đồng phục là rất lãng phí, điều này sẽ hình thành cho các con thói quen lãng phí, đồ vẫn sử dụng được mà bỏ đi, không biết tiết kiệm. Việc may đồng phục mới không phải gia đình nào cũng có điều kiện”.
Với cô Nguyễn Thị Thảo, một giáo viên dạy tại một trường có tiếng ở Hà Nội nay đã nghỉ hưu cũng có các cháu đang là học sinh tiểu học cho biết: “Với ý nghĩa đúng với phong thái học sinh, không phân biệt giàu nghèo, học sinh ai cũng giống nhau, đồng phục tạo nên vẻ đẹp học đường. Các cháu sáng nào nào đi học cũng muốn mặc đồng phục. Tuy nhiên do cháu người nhỏ mà áo đồng phục hơi rộng nên tôi vẫn nhắc cháu giữ gìn cẩn thận, năm sau còn mặc tiếp, không phải mua mới. Đầu năm học bố mẹ chúng còn bao nhiêu khoản chi, đồng phục vẫn mặc được đã bỏ đi thì lãng phí lắm, không nên. Trẻ nhỏ nhìn vào thế lại học thói quen xấu”.
Riêng cô giáo Vũ Thị Ngoan, hiện đang công tác tại trường cấp 1 thuộc vùng khó khăn ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, học sinh trong trường chủ yếu là con em người dân tộc, được bố mẹ cho đến trường là vui lắm rồi. Điều kiện gia đình các em khó khăn, lấy đâu tiền năm nào cũng may đồng phục mới. Một bộ đồng phục mới được các em quý lắm, có những em Tết đến lại lấy đồng phục ra mặc.
Từ “bình đẳng” sang thành “ám ảnh”
Còn nhớ cách đây một năm, để chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014, một trường làng ở ngoại thành Hà Nội đã có “sáng kiến” may đồng phục là một bộ Comle - Veston cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Vấn đề ở đây là đồng phục đẹp còn giá tiền lại không đẹp chút nào: Một bộ đồng phục có giá bằng một tạ thóc.
Gần đây nhất, vào tháng 7/2014, một trường THPT trên cả nước có một quy định đồng phục triệt để từ quần áo cho đến giày, cặp, thắt lưng... vẫn với lý do “bình đẳng”, “không phân biệt”. Khi hai chữ “bình đẳng” còn chưa được khoác lên người các em thì chính học sinh cùng với phụ huynh trong gia đình không có điều kiện đã phải “chạnh lòng” vì số tiền sẽ phải chi.
Đồng phục học sinh cũng là cơ hội hiếm có cho “những người mà ai cũng biết là ai đấy” thể hiện khả năng thiết kế còn tiềm ẩn khi mỗi năm lại có một mẫu đồng phục mới. Năm trước quần âu đen thì năm nay đột phá với quần dây đeo, sang năm tới tiến tới chủ trương năng động lại chuyển sang quần soóc bò. Con chưa kịp lớn, đồng phục chưa kịp cũ thì nhà nhà, lớp lớp lại “nô nức” đăng ký may thêm áo, thêm quần.
Những bài học về tiết kiệm, tránh lãng phí mà học sinh vẫn hàng ngày được học trên lớp nay còn đâu?.
Đồng phục từ ý nghĩa tốt đẹp trong hai chữ “bình đẳng” đã chuyển sang thành hai chữ “ám ảnh”.