GS Nguyễn Hữu Đức: "Xếp hạng đại học là xu thế toàn cầu"

23/09/2012 06:50
Xuân Trung
(GDVN) - “Xếp hạng đại học là xu thế toàn cầu. Tham gia xếp hạng là để các kết quả đã đạt được của đại học được đánh giá và phản ánh phù hợp theo các tiêu chí chung, có tính hội nhập cao. Cần nhận thức đúng kết quả xếp hạng và kết hợp thông tin xếp hạng với công tác kế hoạch để định hướng chiến lược phát triển hiệu quả”.

Năm 2011, một số lĩnh vực khoa học của ĐHQGHN đã được định vị trên một số bảng xếp hạng đại học thế giới. Theo những kết quả mới nhất của tổ chức xếp hạng đại học Quacquarelli Symomds (QS) – một tổ chức xếp hạng đại học có uy tín, được cộng đồng khoa học thế giới quan tâm, năm 2012 ĐHQGHN lọt vào top 250 đại học châu Á, trong đó 2 lĩnh vực khoa học lọt vào top 100, đó là lĩnh vực Khoa học Tự nhiên (xếp vị trí 61) và lĩnh vực Khoa học Sự sống và Y sinh (xếp vị trí 84).

Tham gia hội nhập một cách bình đẳng

GS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, tham gia xếp hạng là để các kết quả đã đạt được của đại học được đánh giá và phản ánh phù hợp theo các tiêu chí chung, có tính hội nhập cao. Tham gia xếp hạng còn thể hiện sự tự tin và vững vàng hội nhập, là trách nhiệm của đại học đối với cộng đồng, là hình thức công khai một cách khách quan các điều kiện đảm bảo chất lượng. Trên thế giới đang có một số bảng xếp hạng khác nhau. Mỗi bảng xếp hạng sử dụng một bộ chỉ số khác nhau, phản ánh được một số thông tin nhất định về hoạt động và mức độ ảnh hưởng của trường đại học. Các kết quả xếp hạng do vậy cần phải được nhận thức đúng, phù hợp với mức độ và lĩnh vực quan tâm của bảng xếp hạng đó chứ không phải là tất cả.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng nhận định nguyên nhân nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam vẫn chưa có tên nằm trong bảng xếp hạng liên quan đến thành tích nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Ảnh Xuân Trung
GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng nhận định nguyên nhân nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam vẫn chưa có tên nằm trong bảng xếp hạng liên quan đến thành tích nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Ảnh Xuân Trung

Nếu kết hợp được thông tin xếp hạng với công tác kế hoạch có thể xây dựng định hướng chiến lược phát triển của các trường đại học. Tham gia xếp hạng đại học là tham gia hội nhập một cách bình đẳng, đúng hướng theo chiến lược phát triển của hệ thống đại học toàn cầu; thể hiện trách nhiệm và sự tự tin cao trước các phản biện và đánh giá của cộng đồng rộng lớn hơn, chuẩn mực hơn, khách quan hơn, định lượng hơn, với sản phẩm đầu ra cụ thể và rõ ràng nhất.
GS Đức cũng cho rằng, các bảng xếp hạng trên thế giới đều đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng các hoạt động nghiên cứu và mức độ quốc tế hóa. Điều ấy phản ánh đúng các chức năng cơ bản của giáo dục đại học. Tuy nhiên, hiện nay xếp hạng đại học vẫn có một số bất cập và hạn chế liên quan đến khả năng định lượng hóa và thu nhận thông tin cho các tiêu chí xếp hạng.

Nghiên cứu khoa học là “chìa khóa” trong xếp hạng đại học

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng nhận định nguyên nhân nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam vẫn chưa có tên nằm trong bảng xếp hạng liên quan đến thành tích nghiên cứu khoa học đỉnh cao.

Theo GS Đức, xếp hạng đại học dựa vào rất nhiều tiêu chí như: tỉ lệ giảng viên/sinh viên, đánh giá của nhà tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp, đánh giá của các học giả đối với nghiên cứu khoa học của đại học, số lượng sinh viên quốc tế, giảng viên quốc tế có đến học tập và làm việc tại trường và đặc biệt là số lượng các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống SCI hoặc Scopus.

“Có thể các tiêu chí đầu tiên trường ngày, trường kia có thể đáp ứng được ở mức độ khác nhau, nhưng tiêu chí về công bố quốc tế đang là một bất cập lớn nhất của các trường đại học ở Việt Nam. Trong bảng xếp hạng các cơ sở nghiên cứu trên thế giới của Scimago, Việt Nam chỉ có tên 3 đơn vị là Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM. Nếu các trường không quan tâm, đầu tư phát triển theo định hướng nghiên cứu thì vấn đề được xếp hạng vẫn sẽ còn để ngỏ”. GS Đức nhấn mạnh.

Ngoài các hạn chế như đã nêu, các bảng xếp hạng trên còn có một hạn chế chung và cơ bản nữa là đang xếp hạng theo vị trí (ranking). Theo cách xếp hạng hiện nay, vị trí của các trường đại học này rất phụ thuộc vào các trường đại học khác nên cũng dễ đi chệch động cơ và mục tiêu.

Ngoài ra, cách xếp hạng hiện nay còn bỏ qua thế mạnh của các lĩnh vực khoa học, đơn giản hóa quá mức điểm mạnh của các trường, đóng góp của trường trong xã hội chưa được ghi nhận… Chính vì vậy mà hiện nay nhiều nhóm chuyên gia đang hướng tới việc xây dựng các bảng xếp hạng theo mức (rating), bằng cách đánh giá thêm nhiều chỉ số và xếp hạng mức như các mức sao của khách sạn (như bảng xếp hạng QS-star). Xếp hạng theo mức của trường đại học này không phụ thuộc vào hoạt động của các trường đại học khác và có tính thích ứng cao hơn, dung nạp được các thành phần mà xếp hạng theo vị trí khó có thể dung nạp được. Như vậy, các trường đại học sẽ cạnh tranh và phát triển một cách hài hòa hơn, cùng nhau phát triển đến mức nào, chứ không còn chỉ hơn kèm nhau vài thứ bậc.

Chỉ số cơ bản của các trường đại học hàng đầu thế giới theo cách tiếp cận QS-star.

Các chỉ số cơ bản đánh giá chất lượng và hiệu quả các hoạt động của trường đại học có mối liên hệ chặt chẽ, hữu cơ và nhân quả. Theo thống kê và khảo sát chỉ tiêu của một số trường đại học hàng đầu thế giới và tiêu chí của bảng xếp hạng QS, các chỉ tiêu của các hoạt động liên quan đến các chỉ số cơ bản của các bộ môn, khoa và trường đại học đạt chuẩn quốc tế được liệt kê như sau:

- Tỉ lệ sinh viên/giảng viên xấp xỉ 1/10
- Đánh giá của nhà tuyển dụng: hàng năm nhận được khoảng 50 ý kiến đánh giá tốt
- Đánh giá của các học giả: hàng năm nhận được khoảng 100 ý kiến đánh giá tốt.
- Bài báo ISI(Scopus)/giảng viên:                         7 (trong 5 năm)
- Số trích dẫn/bài báo:                                6 (trong 5 năm)
- Bằng sáng chế: đăng ký 50 bản quyền quốc gia, quốc tế
- Hợp tác với doanh nghiệp: 10 đề tài/chương trình nghiên cứu kết hợp với doanh nghiệp lớn, có kết quả được đăng tải trên SCI hoặc Scopus trong 5 năm qua.
- Công ty phát triển tri thức và công nghệ (spin-off): 5 công ty spin-off được thành lập trong vòng 5 qua vẫn đang hoạt động và không cần hỗ trợ từ trường đại học.
- Tỉ lệ giảng viên quốc tế:                            20%
- Tỉ lệ sinh viên quốc tế:                              10%
- Hợp tác quốc tế: 25 chương trình nghiên cứu hợp tác với các đại học thuộc top 500 của xếp hạng QS trong vòng 3 năm gần đây.
- Tỉ lệ giảng viên đi giảng dạy và nghiên cứu nước ngoài trên10%
- Tỉ lệ sinh viên đi trao đổi nước ngoài trên10%.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Cư dân mạng xôn xao vì bài kiểm tra sử bị phê: "Chém gió thảm họa"

Giáo viên Trường Đồi Ngô có thể phải mang tiền đến nhà trả học sinh

SV gửi tâm thư tới Bộ trưởng Giáo dục: "Nó ghê lắm, sai nói liền"

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục "điểm tên" ba vấn đề bức xúc của ngành

63 % sinh viên thất nghiệp, chất lượng giáo dục có vấn đề?

'Thật bi hài! Cả đời làm giáo dục, tôi chưa gặp chuyện như ĐH Tây Đô'

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Trung