LTS: Viết tiếp bài trước, trong bài này GS. NGND Nguyễn Lân Dũng sẽ phân tích những bất cập trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Từ đó, ông đưa ra những lưu ý khi thực hiện chương trình phổ thông mới.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Không thể triển khai Chương trình mới từ năm 2018
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định là:"Có thể hình dung ra khi thực hiện giáo dục phổ thông thì có khoảng 90-95% số trường thực hiện được ngay, còn khoảng 5-10% sẽ thiếu , ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào những trường này để các trường đạt được yêu cầu tối thiểu.” (!).
Tôi cho rằng Chương trình được soạn thảo còn quá nhiều bất cập, việc lấy ý kiến chuyên gia và giáo viên theo yêu cầu của Thủ tướng chưa được thực hiện một cách thực chất.
Chủ tịch các Hội khoa học chuyên ngành không được họp với chuyên gia trong từng Hội trước khi góp ý kiến với Bộ. Hai cuộc họp rất đông giáo viên các tỉnh (rất ít chuyên gia) thật hình thức và tốn kém với tinh thần như là sửa chữa câu chữ của Dự án đã soạn sẵn của Bộ (!).
Điều quan trọng là chưa thảo luận kỹ càng là nên Phân ban từ lớp nào? Tích hợp là ra sao? Ai soạn được sách giáo khoa tích hợp? Ai dạy được kiểu tích hợp này?...
Tôi giật mình khi nghe vị Thứ trưởng nói: thầy giáo Sinh học khi học Đại học cũng đã được học thêm Lý và Hoá (đúng !) , thầy giáo Vật lý cũng được học thêm Hoá và Sinh (hoàn toàn sai !).
Nên phân ban ra sao?
Không nên hiểu một cách máy móc giai đoạn giáo dục cơ bản nhất thiết phải gói gọn trong chương trình Trung học cơ sở (THCS) và dùng toàn bộ chương trình THPT để phân luồng định hướng nghề nghiệp.
Mỗi chúng ta đều có hạnh phúc được tiếp thu những kiến thức cơ bản trong thời học phổ thông và được dùng đến suốt cuộc đời. Phân ban ngay từ lớp 10 sẽ rút rất ngắn các kiến thức mà học sinh không lựa chọn.
Mặt khác, nếu phân quá nhiều ban thì cực kỳ khó khăn cho trường lớp và giáo viên. Có ban đông ban ít, lấy đâu chỗ học cho từng phân ban, giáo viên sẽ có người thừa, người thiếu.
Tôi thấy mô hình của Sinhgapore rất hay: Hệ Mầm non tại Singapore là 3 năm, dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Hệ Tiểu học trong 6 năm từ Primary 1 đến 6. Cuối lớp 6, phải qua kỳ thi hoàn tất Tiểu học.
Bậc Trung học phải học chương trình giáo dục này trong 4 hoặc 5 năm với 2 hệ tùy vào khả năng của mỗi học sinh. Chương trình Dự bị Đại học sẽ kéo dài trong khoảng 2 năm, giúp học sinh xây dựng nền tảng vững chắc cho chương trình học Đại học sau này.
Tuy nhiên mô hình này không phù hợp với Luật Giáo dục của ta cho nên miễn bàn. Trong các nước khác tôi quan tâm nhiều đến một nước rất nghèo nhưng có nền giáo dục rất tốt, đó là Nepal.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng. Ảnh Tuổi trẻ |
Tôi mua hai cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và 12 thấy mỗi quyển dầy trên 700 trang (!). Hỏi ra mới biết đến lớp 11 họ mới phân ban, phân thành 4 ban (Quản trị kinh doanh, Xã hội nhân văn, Toán Lý, Hóa Sinh), mỗi ban chỉ học có 4 môn cho nên Sinh học chỉ học ở phân ban Hóa Sinh mà thôi.
Học như thế thì còn cần gì Học thêm, Dạy thêm nữa! Chúng ta đã từng thất bại khi chia thành hai phân ban, nay lại chia thành nhiều phân ban theo nguyện vọng của từng học sinh, không thể lường trước được sẽ khó khăn đến đâu?
Bộ chủ trương" học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ". Nói thì ngon lành nhưng triển khai thì chắc chắn sẽ rối như canh hẹ trong hoàn cảnh giáo viên và trường lớp còn rất bất cập như hiện nay.
Thế nào là tích hợp?
Tích hợp là lồng ghép nội dung có liên quan với từng môn học riêng biệt. Nước Pháp không dạy Sinh học (Biologie) ở bậc phổ thông mà họ tích hợp thành môn Khoa học về sự sống và về Trái đất (Science de la Vie et de la Terre).
Trong Khoa học về sự sống lại tích hợp không dạy Quyển bá, Mộc tặc, Dương xỉ, Ruột khoang, Chân dẹp, Chân đốt... như ta đang dạy (chả em nào nhớ nổi) mà dạy từng chức năng sống (hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, sinh trưởng, thần kinh, di truyền... từ vi khuẩn đến người).
Ta có thể tích hợp khi dạy từng môn học riêng biệt, trong đó có cả việc tích hợp để đạt yêu cầu nâng cao đức , trí, thẻ , mỹ . Chúng ta dành rất nhiều thời gia để dạy môn Đạo đức -Giáo dục công dân nhằm nâng cao đạo đức và lý tưởng sống cho thế hệ trẻ, nhưng thực tế cho thấy đạo đức đâu phải thứ dễ dàng để rao giảng.
Thật vô lý khi chia ra cấp Tiểu học thì yêu cầu về Giáo dục lối sống (?), cấp THCS thì yêu cầu về Giáo dục công dân (?) và lên THPT mới yêu cầu là Công dân với Tổ quốc (?).
Thời chúng tôi đi học trong Kháng chiến chống thực dân Pháp đây là công việc sinh hoạt ngoại khóa rất sinh động và hấp dẫn. Anh Việt Phương hồi ấy tuy chỉ hơn chúng tôi có vài tuổi nhưng đã rất thành công đối với chúng tôi qua các buổi nói chuyện rất sinh động và sâu sắc.
Ngay hiện nay giờ tổ chức ngoại khóa về Kỹ năng sống các thầy cô đâu có làm thành công . Nguyên nhân là vì khô khan, lý thuyết xuông nên học sinh ồn ào không muốn tiếp thu.
Không cần nhiều thời gian đến thế cho môn học này mà sẽ rất có tác dụng khi bồi dưỡng lòng yêu nước qua các bài giảng Lịch sử, Địa lý, Văn học... , bồi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường sống, chống biến đổi khí hậu khi giảng về Sinh học, Hóa học, Vật lý, Địa lý...
Tích hợp nhiều môn học ở cấp THCS để một thầy cô dạy là chuyện không tưởng và sẽ hạ thấp ngay chất lượng giảng dạy. Tôi xem sách giáo khoa lớp 6 của Pháp, chỉ có một quyển thôi nhưng chia thành từng môn riêng biệt, làm gì có môn Tự nhiên (gộp cả Lý Hóa Sinh ) và môn Xã hội (gộp Lịch sử và Địa lý).
Nếu có sự điều tra dư luận rộng rãi trong các thầy cô dạy THCS và THPT về việc dạy tích hợp ba môn sẽ thấy đa số cho là bất khả thi . Cô giáo Nguyễn Thúy Hằng dạy môn Địa lý có tiếng ở Hà Nội cho biết nếu tích hợp thêm Lịch sử thì có lẽ cô phải đi học thêm 4 năm nữa (!).
Thầy Văn Như Cương thì than rằng: " Ngày xưa các cụ ta có câu Nhất tự vi sư, ngày nay người ta lại cho rằng Biết 10 mới dạy được 1, Chỉ thương lũ học trò" (!).
Tích hợp kiểu này cũng là thủ tiêu luôn chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa, vì từng nhóm chuyên gia đang dự định viết sách giáo khoa không thể ngồi làm chung với các nhóm chuyên gia khác để viết quyển sách giáo khoa Tự nhiên hay Xã hội được. Cuối cùng có lẽ chỉ còn có bộ sách do Bộ tổ chức biên soạn mà thôi.
Việc dạy ngoại ngữ từ lớp 3 đến lớp 12 bao giờ mới thực hiện được?
Singapore mặc dầu dân chúng là người Hoa, người Mã Lai, người Ấn Độ nhưng quyết định táo bạo của ông Lý Quang Diệu về lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính là một quyết định, tạo nên bước tiến thần kỳ của nước này về mọi mặt.
Nhưng đó là nước có ba chủng tộc khác hẳn nhau về ngôn ngữ nên họ cần phải làm thế để có thể quan hệ với nhau. Học sinh các trường Quốc tế nước ta học ngoại ngữ từ lớp 1 rất thành công, nhưng đấy là khu vực rất nhỏ trong cộng đồng, lại là con cái các gia đình sung túc không phải làm gì khác ngoài chuyện ăn học, và có thầy cô là người nước ngoài dạy rất chuẩn về phát âm.
Người lớn thấy chúng nó tiếp thu quá tốt mà thèm, nhưng nếu áp dụng đại trà thì bao giờ chúng ta có đủ giáo viên giỏi ngoại ngữ như vậy để phủ sóng trong cả nước?
Giáo viên kém mà dạy ngoại ngữ thì sau này sửa lại đâu có dễ. Hơn nữa chúng ta có biên giới chạy dài quanh ba nước láng giềng và theo nhu cầu quan hệ của dân chúng các tỉnh biên giới thì học ngoại ngữ của nước láng giềng có ích nhiều hơn tiếng Anh.
Nếu cho đó là môn ngoại ngữ thứ hai với bà con vùng biên giới thì chắc chắn là bất khả thi. Ngay tiếng Nga, một thời giúp cả thế hệ chúng tôi tiếp thu vốn khoa học của một nước anh em có nền khoa học tiên tiến với sách đa dạng và giá rẻ, nay lại bị loại bỏ không thương tiếc, thật là phí biết bao.
Đừng lấy toàn bộ học sinh làm thí điểm
Chúng ta không nên lấy một lúc toàn bộ học sinh ra làm thí điểm để đến nỗi khốn khổ như kỳ thi vừa qua. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tự xác định đây là một sự việc rất đáng tiếc và nhận trách nhiệm về Bộ cho nên tôi thấy không cần phân tích thêm mà chỉ muôn trao đổi việc nên coi kỳ thi nào là kỳ thi do Bộ phụ trách?
Cần thấy được nguyên tắc của các nước là Học gì Thi nấy chứ không phải là Thi gì Học nấy như ở nước ta. Việc thi ba môn bắt buộc và một môn tự chọn tất yếu dẫn đến việc học lệch của hàng triệu học sinh ngay từ cấp THCS.
Thầy Cô dạy các "môn phụ" (môn ít học sinh lựa chọn để thi) sẽ còn hào hứng gì nữa để giảng dạy. Học sinh sẽ thiếu kiến thức cơ sở biết bao khi vào đời vì đã thờ ơ với các môn phụ.
Do đó theo tôi phải "thương" học sinh theo tinh thần khác chứ không phải nhắm mắt cho tốt nghiệp không thực chất với tỷ lệ 92% như năm nay và 98% như nhiều năm trước. "Thương" học sinh là để cho các em có tấm bằng tốt nghiệp THPT đúng với kiến thức cần đủ trang bị để chuẩn bị học nghề và chào đời.
Ai nắm rõ từng học sinh nhất, chắc chắn là các thầy cô giáo trực tiếp giảng dậy. Cho nên kỳ thi THPT nên thực hiện ngay tại từng trường với một đề chung bao quát cho tất cả các môn với sự giám sát của các Sở GD và ĐT từng tỉnh (nơi ký bằng tốt nghiệp).
Muốn thực hiện có hiệu quả phải có hai điều kiện: Một là, có kiểm tra thường xuyên và ghi học bạ đều đặn, nghiêm túc. Hai là, có chế độ lưu ban ở mọi lớp, kể cả lớp 12.
GS. Nguyễn Lân Dũng góp ý thẳng thắn cho đổi mới giáo dục Việt Nam (Bài 1) |
Tất nhiên sẽ có khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng muốn khắc phục để ít học sinh bị lưu ban thì phải theo lời căn dạn của Bác Hồ: Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt,học tốt.
Có hai phương án đều tốt. Một là, kiểu thi SAT như ở Mỹ - tất cả các môn nhưng thi bao nhiêu lần tùy thích. Hai là, kỳ thi trắc nghiệm chỉ trong một ngày và được biết kết quả ngay như thí điểm vừa qua ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bắt các trường không có quyền tự chủ chọn lựa thí sinh theo yêu cầu của trường mình là trái với tinh thần của Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua. Nếu tôi không nhầm thì sau kỳ thi quốc gia vừa qua vẫn còn gần 200 trường ngoài việc dựa vào điểm thị THPT vẫn cần kiểm tra thêm theo yêu cầu của từng trường.
Như vậy ưu điểm giảm tải cho học sinh vì hai kỳ thi liền nhau còn được mấy nỗi? Nếu muốn đổi mới thi cử cần làm thí điểm chứ đừng lặp lại sự vất vả tốn kém cho biết bao gia đình, biết bao thí sinh như kỳ thi vừa qua.
Thầy Văn Như Cương kết luận đây là một kỳ thi "thất bại hoàn toàn" không hiểu có nặng quá hay không? Nhưng rõ ràng là không thành công như mong muốn. Hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa và nội dung, "ép duyên" thành một kỳ thi thì không thể có chuyện "cơm lành canh ngọt" được đâu.
Tôi hoàn toàn đồng ý với GS. Trần Hồng Quân: "Chỉ có một kỳ thi quốc gia cho tốt nghiệp THPT. Còn việc tuyển vào ĐH và CĐ là việc của từng trường. Bộ không nên ôm đồm cầm tay chỉ việc cho các trường mà ở đó có bao nhiêu nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ và kinh nghiệm".
Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.