LTS: Cứ đến cuối năm, câu chuyện thưởng Tết là lại trở thành đề tài được xã hội quan tâm. Đặc biệt, với nghề giáo, chuyện thưởng Tết lại càng nhiều thứ để bàn.
Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng, thưởng Tết cho giáo viên hiện nay ở nhiều nơi đã khá hơn xưa.
Đây cũng là một điểm đáng mừng khi đời sống của giáo viên được quan tâm nhiều hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sắp đến Tết Nguyên đán, dư luận xã hội và báo chí nói nhiều đến chuyện thưởng Tết, lĩnh vực này thưởng nhiều, đơn vị kia thưởng ít.
Lĩnh vực giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo với câu chuyện thưởng Tết, trở thành tâm điểm đáng chú ý từ nhiều năm nay.
Nói cho công bằng, khách quan, thưởng Tết trong các đơn vị giáo dục bây giờ cũng đã có gam màu tươi sáng, không thảm hại như trước đây.
Tuy nhiên, mỗi bậc học, mỗi vùng miền, mỗi nhà trường lại có mức thưởng khá khác nhau.
Đa số trường chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng có nguồn kinh phí lớn, các khoản thu nhiều nên cuối năm cán bộ, giảng viên, nhân viên ở đây được thưởng Tết… cao ngất ngưởng, có trường cả 100 triệu đồng/người.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, việc thưởng Tết cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên của trường đã được quy định trong quy chế chi tiêu hằng năm.
Theo đó, toàn bộ cán bộ, giảng viên, công nhân viên đều được hưởng mức thưởng là như nhau, 15 triệu đồng/người, không phân biệt Ban Giám hiệu hay nhân viên, tạp vụ...
Thầy Đỗ Tấn Ngọc cho rằng tình hình thưởng Tết năm nay cho giáo viên cũng khá hơn rồi. (Ảnh minh họa trên báo Pháp luật Việt Nam) |
Trong khi đó, tại Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech), một đại diện phòng Hành chính cho biết:
“Mức thưởng Tết từ nhiều năm nay của trường là 1 tháng lương cùng với một phần quà tặng khá giá trị.
Năm nay, tình hình cụ thể thì chưa biết thế nào nhưng chắc chắn sẽ duy trì được mức thưởng như mọi năm.”
Tại trường Trung cấp Bách khoa TP.HCM, mức thưởng Tết năm nay sẽ khoảng 1 tháng lương. Theo ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Nhà trường, tình hình tuyển sinh trung cấp những năm gần đây khá khó khăn.
Tuy nhiên, để tạo tâm lý an tâm cho giáo viên yên tâm công tác và gắn bó lâu dài trong việc đào tạo, nhà trường sẽ cố gắng để giáo viên có một mùa tết ấm cúng.
Còn Trường Trung cấp Tây Sài Gòn cũng có mức thưởng Tết khá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, cho hay năm nay trường có mức thưởng từ 1 – 3 tháng lương, mức thấp nhất là 10 triệu đồng và mức cao nhất 50 triệu đồng cho mỗi cán bộ, giảng viên có đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhà trường.
Trường Cao đẳng Nghề Kinh tế Công nghệ TP.HCM lại có mức thưởng “khủng” so với mọi năm.
Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường có 2 quỹ thưởng Tết cho cán bộ - giảng viên gồm Quỹ lương và Quỹ phúc lợi của trường.
Đối với quỹ lương thì dự kiến có thể thưởng 1,5 tháng lương cho cán bộ - giảng viên, riêng Quỹ phúc lợi thì còn cao hơn nữa. Dự kiến năm nay mỗi cán bộ - giảng viên có thể được thưởng từ 5-6 tháng lương…
Cô giáo N.T. N. L. giảng viên, trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) chia sẻ:
“Tuy là trường Đại học thuộc địa phương nhưng nhiều năm qua, cán bộ, giảng viên trường tôi cũng có thu nhập khá, mỗi tháng thường được hưởng hai lương nhờ số lượng sinh viên đông, loại hình đào tạo, mở lớp nhiều.
Ngày Nhà giáo 20/11 và Tết nguyên đán, chúng tôi được nhà trường thưởng cao nhất, trên chục triệu đồng. Với điều kiện kinh tế, mức sống ở đây, giảng viên như tôi, từ lương, từ thưởng, nhìn chung là ổn định, thoải mái rồi.”
Thầy cô giáo tại nhiều trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thưởng cũng khá hơn.
Trường thuộc các thành phố lớn, nơi nguồn lực kinh tế, kinh phí tương đối dồi dào, lại mở được một số dịch vụ trong không gian nhà trường nên được“ hậu đãi”.
Vì thế, thầy cô cũng được “xênh xang” lương tháng 13, 14, thưởng Tết lên đến vài chục triệu đồng/ người, đâu thua kém những ngành nghề, lĩnh vực làm ăn khấm khá hiện nay.
Hầu hết các trường học thuộc tỉnh lẻ từ đồng bằng đến miền núi mấy năm nay, nhờ kinh phí tự chủ, biết chi tiêu hợp lý nên giáo viên được ấm lòng đón Tết với khoản thưởng, chi bình quân mỗi người vào khoảng từ 1,5 đến 7 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, chỉ còn một số ít trường, nhất là trường miền núi, vùng sâu, vùng xa là không có thưởng Tết, không tiết kiệm chi được đồng nào để chia cho giáo viên.
Thật cảm thông và chia sẻ với những thầy cô giáo ở trong những hoàn cảnh như vậy.
Cô giáo Kim Anh, Phó Hiệu trưởng (Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Trà Xinh thuộc huyện miền núi Tây Trà, xa xôi nhất tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự:
“Nói thật với anh, từ khi lên đây công tác, tôi và các đồng nghiệp chưa một lần được thưởng Tết.
Phần thưởng Tết lớn nhất có chăng là những bó rau, ít măng rừng, một vài cây bánh hay ít cá niêng của bà con thiểu số tặng.”
Những thầy cô giáo đang công tác, dạy học nơi miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với điều kiện xa xôi, khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Tuy nhiên, bù lại, chế độ, chính sách, đãi ngộ, lương bổng của Nhà nước hiện hành dành cho họ cũng khá cao, gần gấp đôi so với đồng bằng, thành thị khiến họ được an ủi, động viên phần nào.
Thầy Huỳnh Văn Long, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho hay:
“Giáo viên mới ra trường, dạy tại đảo, đã có khoảng 7,5 triệu đồng/ tháng; thầy cô giáo thâm niên gần 20 năm thì lương nằm tầm 14 triệu đồng/ tháng.
Còn thưởng Tết thì tối đa chỉ được vài triệu đồng/ người thôi, chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí nhà nước mà nhà trường cố gắng tiết kiệm chi được trong năm.
Chúng tôi ít khi nào nghĩ đến chuyện thưởng Tết, chia tiền, lại càng không so sánh, so đo với lĩnh vực này, đơn vị kia làm gì.
Nhà nước đãi ngộ, lương bổng nơi đặc thù như thế là tốt, là được rồi. Chúng tôi mong con em đất đảo học hành tấn tới, giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm cao.”
Thưởng Tết, lương bổng… dành cho thầy cô giáo chúng ta từ những con số ví dụ nêu trên, cho thấy đây là tín hiệu vui, phấn khởi, đáng mừng về sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Nhà nước các địa phương, từng đơn vị, nhà trường đối với đời sống vật chất và tinh thần nhà giáo.
Từ cái “có thực” tương đối này, chúng ta tin rằng, đội ngũ thầy cô giáo ở các bậc học, mọi vùng miền sẽ có thêm động lực, niềm tin, bầu nhiệt huyết để cống hiến, đóng góp thật nhiều cho sự nghiệp trồng người.