LTS: Phản ánh hạn chế trong việc ra đề văn, thầy giáo Dương Khánh Toàn (Trường Trung học phổ thông Quang Hà, Vĩnh Phúc) cho rằng cần thay đổi cách ra đề và hướng dẫn đánh giá chấm điểm theo ý như hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong nhiều năm trở lại đây toàn ngành giáo dục ra sức loại bỏ văn mẫu trong nhà trường, khuyến khích các thầy cô dạy sáng tạo, học sinh học sáng tạo và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Học sinh đã không còn quay lưng lại với môn Văn vì các em nhận thấy một chút tâm hồn mình soi bóng trong đó.
Các em được nói lên những cảm xúc chân thực của mình về tác phẩm; được bày tỏ quan điểm về các vấn đề mà mình quan tâm, dù quan điểm ấy còn non nớt hay cảm tính, nhưng vẫn được thầy cô và bạn bè yêu quý và đón nhận.
Nhiều giờ học văn không còn là dòng nước chảy xuôi mà thầy cô là người truyền thụ.
Sự trả bài của học sinh trong các giờ kiểm tra, thi cử không chỉ đơn thuần là trả lại nguyên vẹn những con chữ mà các em đã thuộc lòng từ chính bài dạy của thầy cô.
Tuy nhiên những nỗ lực và kết quả đổi mới đó dường như rất mong manh.
Chỉ cần một sơ suất hay sự tắc trách trong cách ra đề và xây dựng đáp án chấm thi của một số người có trách nhiệm trong các kỳ thi sẽ kéo theo sự đổ vỡ niềm tin của nhiều thầy cô và học sinh về đổi mới dạy học và thi cử môn Văn.
Đề thi và hướng dẫn chấm môn Ngữ văn kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc năm 2018 vừa qua là một ví dụ.
Ban biên soạn đề xây dựng một hướng dẫn chấm dài 05 trang giấy, bê vào nguyên si từng câu chữ một bài văn mẫu, điểm số được chia ra cho từng ý nhỏ trong đáp án, cũng chính là của bài văn.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc năm 2018 |
Hướng dẫn chấm môn Ngữ văn kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc năm 2018 |
Với cách ra đề và xây dựng hướng dẫn chấm đó, giám khảo trở thành những người đi tìm ý của bài văn mẫu trong bài làm của học sinh, mọi sự cảm thụ và sáng tạo của học sinh trở nên vô giá trị.
Việc dạy học vẫn phổ biến một phương châm: "thi gì, học nấy".
Với cách thi cử này rất nhiều giáo viên sẽ quay trở lại cách dạy đọc chép, bắt học sinh học thuộc lòng văn mẫu để đạt giải cao.
Học sinh tất nhiên sẽ phải làm theo những gì thầy cô yêu cầu và đổi mới sáng tạo trong dạy học văn đến bao giờ mới thành hiện thực?