LTS: Những ngày qua, vụ việc tiêu cực điểm thi diễn ra tại Hà Giang, Sơn La khiến nhiều người cho rằng cần thay đổi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Theo đó, có ý kiến nêu rằng: “Không giao về cho địa phương tổ chức kỳ thi, nên tổ chức 2 kỳ thi (tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng) như trước;
Hoặc, giữ nguyên một kỳ thi nhưng chấm thi chéo giữa các địa phương, các cụm thi”.
Tuy nhiên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có quan điểm nhất quán tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là hướng đi hoàn toàn đúng đắn của ngành giáo dục.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả, quan điểm và lập luận của Hiệp hội.
Ở nước ta trong nhiều thập niên (từ năm 2014 trở về trước), học sinh ở cuối trung học phổ thông phải đối phó với 2 kỳ thi quan trọng: tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trong đó, nếu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi quốc gia, triển khai thống nhất trong cả nước thì kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có thay đổi về cách tổ chức.
Đó là, trước năm 1970, khi quy mô sinh viên các trường đại học còn rất nhỏ từng trường tự tổ chức tuyển sinh.
Từ năm 1970 đến 1987 kỳ thi được tổ chức chung trong cả nước.
Từ năm 1988 đến 2001 các trường tổ chức thi tuyển riêng.
Từ năm 2002 đến 2014, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng lại được tổ chức chung, được gọi là kỳ thi “3 chung”: chung đề, chung đợt, sử dụng kết quả chung.
Hàng năm, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thường được tổ chức vào đầu tháng 6; kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thường được tổ chức vào đầu tháng 7. Tức là hai kỳ thi cách nhau khoảng 1 tháng...
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và giao về địa phương tổ chức là hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia từ năm 2015 trên tinh thần kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm trước, đồng thời có những đổi mới nhằm tác động tích cực tới hoạt động dạy, học trong các trường phổ thông.
Năm 2014, hưởng ứng chủ trương cải tiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29, theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã soạn thảo đề cương cho đề án gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đóng góp một phần với các đề án khác của Nhà nước trong đổi mới thi cử.
Theo đó, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được Hiệp hội đưa ra nhằm 2 mục đích đó là xác nhận trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông và cung cấp kết quả để các trường xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Trong đó, Hiệp hội nêu rõ, về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cần đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh nếu chỉ dựa vào kết quả của 4 môn thi đơn ở kỳ thi quốc gia, trong đó có 3 môn bắt buộc sẽ tạo cho học sinh thói quen học lệch ngay từ đầu lớp 10.
Từ đó mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh trung học phổ thông tại Nghị quyết 29 không đạt được.
Đồng thời không nên phân biệt thành các cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp, khi mà cả 2 cụm này đều có ở tất cả các tỉnh, thành với thành phần coi thi và chấm thi đều như nhau.
Do đó, Bộ nên giao hẳn công việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cho các tỉnh, quy định trách nhiệm cho người đứng đầu tỉnh, thành nếu để xảy ra tiêu cực tại địa bàn do mình phụ trách, đồng thời đề cao vai trò giám sát xã hội, trong đó có sự tham gia của Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc và giới truyền thông.
Hơn nữa, đề thi và đáp án phải được xây dựng dưới dạng trắc nghiệm khách quan là chủ yếu, hướng tới sự chuẩn mực.
Với kiểu đề thi như vậy kết quả thi có thể dùng cho một số năm và trong trường hợp thi trên máy tính có thể hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập.
Và đề thi cần bám sát yêu cầu của chương trình đào tạo trung học phổ thông để đánh giá năng lực người học. Không chạy theo thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp quá cao một cách vô lý.
Về xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh (như quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục đại học) là đúng.
Trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về tiêu cực thi cử tại Hà Giang, Sơn La |
Tuy nhiên, Bộ cần mạnh dạn giao cho một trung tâm khảo thí trong vai trò của một tổ chức dịch vụ công ích đảm nhận tổ chức việc xét tuyển sinh chung cho phần lớn các trường, khi các trường có đề nghị.
Để thỏa mãn nguyện vọng lựa chọn ngành đào tạo của người học, đồng thời tôn trọng tiêu chí tuyển sinh riêng biệt của từng trường, Bộ nên chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do Trường Đại học Thăng Long đề xuất.
Nói như vậy không có nghĩa tất cả các trường đại học, cao đẳng mà chỉ áp dụng ở một số ngành nghề đặc thù tránh việc các trường đều tổ chức thi để gây vất vả cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Chỉ tiêu tuyển sinh và tiêu chí tuyển sinh vào các trường cần được xem xét chặt chẽ xuất phát từ năng lực đào tạo và sứ mệnh (bậc, hạng) của mỗi trường.
Và nên cho phép các trường tổ chức xét tuyển vào đại học, cao đẳng mỗi năm hai hoặc nhiều lần.
Hiệp hội cũng khẳng định, mục tiêu trước tiên thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó nhiệm vụ của kỳ thi này là đánh giá kết quả học tập của học sinh có đạt được mục tiêu đặt ra đối với chương trình trung học phổ thông hay không.
Lưu ý, những thí sinh nào không đạt 5 điểm (trở lên) thì không đạt mục tiêu thứ hai của kỳ thi quốc gia là xét tuyển đại học, cao đẳng.
Khi xảy ra vụ việc tiêu cực thi cử tại Hà Giang, Sơn La trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận xét, hiện tại vai trò giám sát vẫn chỉ ở mức độ nội bộ còn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương chưa thực sự được đẩy mạnh.
Chỉ cần khắc phục những nhược điểm và bổ sung đầy đủ điều kiện cần và đủ như Hiệp hội đã đưa ra thì chắc chắc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ thành công, tạo điều kiện thuận lợi tối ưu và đảm bảo quyền lợi cho học sinh, góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội, chấp hành đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.