Trước những điểm thi cao bất thường tại Hà Giang trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức vào cuộc.
Kết quả xác minh ban đầu như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin cho thấy, trong kỳ thi quốc gia 2018 tại Hà Giang có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi được sửa điểm.
Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Với mức điểm trước và sau khi chấm thẩm định đã khiến dư luận không khỏi giật mình, bức xúc trước sai phạm nghiêm trọng trong một kỳ thi lớn tầm quốc gia.
Kết quả xác minh ban đầu như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin cho thấy, trong kỳ thi quốc gia 2018 tại Hà Giang có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi được sửa điểm. (Ảnh minh họa: VTV) |
Trước vụ việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Quách Tuấn Ngọc - Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ông Ngọc cho rằng: “Vụ sai phạm này là một việc đáng buồn, nhưng trong cái rủi lại có cái may, nó giúp chúng ta phải tỉnh ngủ để xem xét lại quy trình chấm thi đang rất có vấn đề bởi phiếu trắc nghiệm nên không có phách dẫn tới bất kỳ ai cũng có thể biết Phiếu trả lời này là của thí sinh nào.
Do đó, thời gian tới vẫn tiếp tục kỳ thi quốc gia do địa phương tổ chức, có giám thị là các giảng viên đại học tham gia để thuận tiện cho thí sinh đi lại tuy nhiên cần cải tiến khâu chấm thi.
Ngay sau khi tổ chức thi xong, toàn bộ số bài thi chuyển về cụm chấm thi theo từng vùng (ví như 3,4 tỉnh có 1 cụm chấm thi) và chắc chắn phải do cán bộ trường đại học chấm. Như vậy sẽ “khử” được tiêu cực.
Bởi lẽ, nếu chấm tại địa phương thì những người trong ban chỉ đạo thi, những người chấm thi chịu áp lực rất lớn vì quan hệ bạn bè, máu mủ người thân thậm chí sự “nhờ vả” từ chính đồng nghiệp nơi cơ quan họ công tác”.
Công an tỉnh Hà Giang đang điều tra vụ sửa điểm thi, xem xét sớm khởi tố |
Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết thêm:
“Đến nay dư luận vẫn có chuyện bàn tán rằng chỗ này chỗ kia có tiêu cực trong thi cử, tuy nhiên trước tiên Bộ cần làm vụ ở Hà Giang tới nơi tới chốn rồi hãy sang tỉnh khác để kiểm chứng trước thông tin từ dư luận bởi lẽ có thể muốn làm đồng loạt các tỉnh nhưng sức thì có hạn”.
Nhìn nhận từ những yếu tố đó, ông Quách Tuấn Ngọc khuyên thí sinh rằng, các em tự đánh giá năng lực của bản thân để chọn trường, chọn ngành phù hợp chứ đừng thấy điểm cao mà chọn trường tốp cao đặc biệt các trường hot.
Bởi lẽ điểm cao mà thực chất năng lực chỉ ở trung bình, yếu thì đến khi học vài tuần tại các trường đại học có thể bị loại.
Còn đối với việc tuyển sinh của các trường đại học, ông Ngọc khuyên các trường nên chủ động đánh giá lại năng lực thực sự của thí sinh...
Được biết từ ngày 19-28/7, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng bằng Phiếu đăng ký xét tuyển, đến nay một số người đặt vấn đề lo ngại về chất lượng điểm số của các thí sinh.
Nhìn nhận về vụ việc này, Phó giáo sư Đào Văn Đông – Hiệu trưởng Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho hay, vụ việc tại Hà Giang là sự việc rất đáng tiếc, cá nhân đã làm ảnh hưởng chung tới kết quả của cả kỳ thi quốc gia 2018 vừa qua.
Tuy nhiên, không vì vụ việc này mà phương án tuyển sinh của nhà trường thay đổi bởi lẽ Đề án tuyển sinh trường đã trình và được Bộ duyệt.
“Giờ chúng tôi trông chờ và tin tưởng vào kết quả của thí sinh chứ không vì một sự cố mà nghi ngờ kết quả của tất cả các em.
Hơn nữa, khi nhập học, trong quá trình triển khai học tập, nhà trường có tiến hành kiểm tra đầu khóa để phân loại, đánh giá trình độ học sinh nhằm định hướng đào tạo, em nào ở dải trình độ nào thì có phương án dạy học phù hợp”, vị Hiệu trưởng này thông tin.