Trong suốt thời gian qua, sự sống còn của các trường đại học ngoài công lập đã trở thành đề tài nóng của giáo dục do những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã thành lập và nâng cấp quá nhiều trường đại học công lập.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các trường đại học ngoài công lập đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà, cùng gánh một phần tải trọng với hệ thống trường công lập.
Tuy nhiên, tính đến nay các trường này vẫn chưa được cơ quan quản lý quan tâm đúng mức và xã hội chưa vui vẻ thừa nhận.
Xã hội vẫn phản ứng nặng nề
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long thẳng thắn khẳng định, hiện nay phản ứng của xã hội đối với các trường ngoài công lập vẫn còn rất nặng nề.
Cô kể, trong một buổi khai giảng của trường có nghe hai phụ huynh nói chuyện với nhau rằng: “Ông đã suy nghĩ kỹ khi quyết định cho con vào học trường này chưa?''
Vị phụ huynh kia đáp: “Tôi suy nghĩ nhiều và hàng xóm cũng hỏi tôi rất nhiều, nhưng cuối cùng tôi cũng phải cho con học ở đây. Tôi buồn lắm”.
Đấy xã hội mặc cảm với trường ngoài công lập là như thế đó.
GS.Hoàng Xuân Sính: “Trường ngoài công lập chưa được xã hội vui vẻ thừa nhận” (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long thừa nhận, sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập đi xin việc cũng “vấp” ngay phản ứng của các doanh nghiệp. Đơn giản là họ không muốn tuyển cử nhân trường ngoài công lập.
Khâu tuyển sinh là khâu quan trọng bậc nhất đối với các trường ngoài công lập. Nhưng rõ ràng, khi sinh viên khóa trước tốt nghiệp khó có việc làm thì ắt hẳn khóa sau sẽ e ngại để xét tuyển vào trường.
Có thể nói không có sinh viên thì phá sản ngay lập tức vì trường không có nguồn tài chính nào khác là thu học phí.
Một năm, hai năm, rồi ba năm không đủ chỉ tiêu ... mọi tổ chức, mọi nhân sự, mọi học thuật phải thay đổi hết.
Muốn tuyển sinh tốt, cơ sở vật chất phải tốt, giảng viên phải giỏi
Tuyển sinh là khâu quan trọng nhất, nên điều khiến các vị lãnh đạo nhà trường luôn trăn trở nhất là làm thế nào tuyển được đủ chỉ tiêu cho mỗi năm học.
Theo GS. Hoàng Xuân Sính: “Đây là bài toán đau đầu cho mỗi trường ngoài công lập, cái giá phải trả cho tự chủ tài chính”.
Chọn người tài không nên phân biệt đối xử về bằng cấp(GDVN) - Không ít đơn vị tuyển dụng có "ác cảm" với sinh viên tốt nghiệp tư vì họ nghi ngờ về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đây là tư duy có vẻ lỗi thời... |
“Để làm chủ tài chính, trước hết chúng tôi đã vạch ra một kế hoạch lâu dài để phát triển Trường Đại học Thăng Long trong 100 năm: 20 năm để xây dựng cơ sở vật chất, 40 năm cho việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và 40 năm cho nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi làm kế hoạch lâu dài đó để phân bổ tài chính cho từng năm, từng giai đoạn, lúc nào dồn tiền để tập trung xây dựng trường, lúc nào là để xây dựng đội ngũ cán bộ, lúc nào để nghiên cứu, và nhất là để hiểu chúng tôi đang ở giai đoạn nào trên con đường tiến tới để trở thành một đại học thực sự theo đúng nghĩa của nó.
Trên kế hoạch lâu dài đó chúng tôi đã từng bước phân bổ tài chính cho từng năm, từng giai đoạn, lúc nào tiền để tập trung xây dựng trường, lúc nào là để xây dựng đội ngũ cán bộ.
'20 năm qua, chúng tôi đã xây dựng xong cơ sở vật chất ban đầu, hàng năm vẫn có xây dựng thêm thắt để đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhưng hiện tại chúng tôi đang chuyển trọng tâm sang xây dựng đội ngũ giảng dạy”, GS.Sính cho biết.
Bởi qua kinh nghiệm thế giới và trong nước, GS.Sính cho rằng: Muốn tuyển sinh được thì trước hết phải có cơ sở khang trang, tiếp đó là một đội ngũ giảng viên càng ngày càng giỏi.
Tới nay, có thể nói việc tuyển sinh của trường tạm ổn định, không bao giờ làm quảng cáo, không phải kéo dài thời hạn tuyển sinh.
“Nhưng phải nói con số sinh viên vào trường cho thấy rất rõ mức độ tin cậy của xã hội: mỗi năm chúng tôi chỉ có khoảng 2000 sinh viên vào, có muốn hơn cũng chẳng được.
Xã hội chỉ cho điểm như vậy thôi, và chúng tôi biết phải cố gắng trong nhiều năm nữa thì con số 2000 mới nhích lên được.
Tại sao? Hạn chế ở đâu? Chúng tôi đã tìm được câu trả lời cho trường chúng tôi: hạn chế lớn nhất do là một trường tư, và hạn chế thứ hai là thi tốt nghiệp chặt chẽ”, GS.Sính thông tin.
GS.Sính nêu ví dụ: “Chúng tôi tạo ra những lớp tài năng có nhiều học bổng và có ngay công ăn việc làm ở những nơi mà nhiều sinh viên tốt nghiệp mơ ước, nhưng cũng chẳng có mấy hấp dẫn với cả sinh viên và nhiều phụ huynh.
Với sinh viên thì vì phải học khó hơn lớp bình thường, với bố mẹ thì vì là trường ngoài công lập, không oai như học trường công, xấu hổ với bạn đồng nghiệp vì con học trường tư.
Hiểu biết những hạn chế của mình, nên chúng tôi càng phải bền bỉ phấn đấu, và mong thời gian sẽ giúp xã hội hiểu chúng tôi hơn, sinh viên khi ra làm việc phải sống trong môi trường sắp tới cạnh tranh khốc liệt thì mới thấy phải học giỏi mới tìm được việc tốt”.
Cơ chế nhiều bất cập
Ngoài khó khăn về tuyển sinh do là trường tư, sự phát triển hệ thống đại học, cao đẳng ngoài công lập còn có nhiều khó khăn và cản trở mà nguyên nhân đến từ chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước.
GS.Hoàng Xuân Sính thẳng thắn nói: “Việc đưa ra nhiều chính sách và pháp luật đã làm hệ thống trường đại học ngoài công lập có nguy cơ sụp đổ”.
Phân biệt, kỳ thị trong tuyển dụng là đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước(GDVN) - "Cơ quan có thẩm quyền cần phê phán những địa phương đưa ra chủ trương tuyển dụng công chức học công lập...", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề nghị. |
GS. Sính nhấn mạnh, chính các quy chế quy định hoạt động và tổ chức cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập cùng với mạng lưới các trường đại học hình thành trong những năm gần đây đã gây cản trở nhiều cho việc phát triển mô hình này.
''Theo Luật Giáo dục Đại học, Hội đồng Quản trị các trường ngoài công lập phải có thêm thành viên mới, đó là người đại diện cho chính quyền địa phương nơi trường đặt trụ sở.
Mấy năm trước, tôi đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho hay, người này có mặt trong Hội đồng Quản trị để trông nom tài sản chung của trường. Việc này trên cơ sở pháp lý nào? Trong khi các trường ngoài công lập đã được cơ man nhiều Bộ, nhiều ủy ban cấp tỉnh, thành phố quản lý.
Rồi việc đưa “Tổ chức bảo trợ” vào quy chế các trường đại học dân lập….và cả quy chế 61,63.
Chính những điều này đã gây khó khăn cho rất nhiều trường dân lập, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm các nguồn lực của đơn vị đó”, GS.Hoàng Xuân Sính chỉ rõ.
Ngoài ra GS.Sính khẳng định, chủ trương chuyển các đại học dân lập sang tư thục của Bộ GD&ĐT là đúng nhưng việc đưa ra khái niệm “tài sản thuộc sở hữu chung” đã khiến nhiều trường “chao đảo” khi không thể chuyển từ dân lập sang tư thục.