Học VNEN, người ta làm sẵn mọi thứ, chỉ điền vài số là xong...

07/12/2015 07:33
Đỗ Quyên
(GDVN) - Câu chuyện có thật của một cô giáo dạy tiểu học dưới đây cho thấy phương pháp dạy theo mô hình VNEN có vẻ như đang biến học sinh thành chiếc máy photocopy...

LTS: Tòa soạn trân trọng giới thiệu tâm sự của cô giáo Đỗ Quyên, dạy tiểu học, tới từ một tỉnh Nam miền Trung. Cô đã trực tiếp kèm cặp 2 đứa cháu, một đứa học theo VNEN và một đứa học theo chương trình phổ thông hiện thời.

Kết quả cô thu được, quả thực không chỉ khiến cô ngỡ ngàng, mà bất kỳ ai cũng phải lưu tâm.

Tôi đang dạy kèm cho hai đứa cháu học lớp 3 nhưng ở hai chương trình học tập khác nhau. Đứa cháu tên Nhi học ở chương trình VNEN, cô cháu tên Trân học chương trình hiện hành.

Một hôm, sau khi ôn lại một số kiến thức các cháu đã học ngày hôm đó, tôi cho các cháu mang bài sẽ học ngày mai ra xem trước. Đó là bài: “Bài toán giải bằng hai phép tính (tiếp theo của lớp 3). Bài toán có nội dung: Cành trên có 3 con chim, số chim ở cành dưới gấp 2 lần số chim ở cành trên. Hỏi cả hai cành có bao nhiêu con chim?

Bên trong một lớp học VNEN ở Hà Tĩnh, ảnh Lê Văn Vỵ.
Bên trong một lớp học VNEN ở Hà Tĩnh, ảnh Lê Văn Vỵ.

Trong sách VNEN dùng cho học sinh học, sau khi tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng, người ta ghi hướng dẫn cụ thể thế này: 

Viết số thích hợp vào chỗ chấm:
                                                                 Bài giải
                                                    Số chim ở cành dưới là:
                                                          ...x...=...(con)
                                                   Số con chim ở cả hai cành là:
                                                          ...+...=...(con)
                                                                         Đáp số:...con chim

Cô bé Nhi học chương trình VNEN chỉ nhìn vào phần hướng dẫn học tập trong sách giáo khoa là làm cái vèo xong 2 bài tập mà không cần tôi phải giảng hay gợi ý điều gì. 

Trong khi đó, cô bé Trân học ở chương trình hiện hành mặc dù đã được tôi gợi ý cách tìm hiểu và phân tích đề rất kĩ, cách tìm lời giải thứ nhất (đa phần học sinh lớp 3 đều gặp khó khăn khi học tới dạng toán giải bằng hai phép tính thế này). 

Sau khi hướng dẫn Trân cách tìm lời giải và gợi ý cho em cách thực hiện phép tính thích hợp...nhưng phải hướng dẫn tới lui vài lần cô bé mới làm xong. Nhìn qua vở của bạn, Trân phân trần: “Học chương trình VNEN sướng thật, người ta làm sẵn mọi thứ, chỉ cần điền vài số là xong. 

Con mà được học thế, cũng chẳng cần đến cô giảng”. Tôi nói: “Làm xong nhanh nhưng có hiểu gì không? Có biết vì sao mình lại làm như thế mới là điều quan trọng”. Nói rồi, tôi hỏi bé Nhi: “Vì sao con phải tìm số chim ở cành dưới? Vì sao con lại phải làm phép tính nhân? 

Học VNEN, người ta làm sẵn mọi thứ, chỉ điền vài số là xong... ảnh 2

Thầy Văn Như Cương: VNEN là gì nếu chúng ta làm chỉ để tiêu hàng chục triệu USD?

(GDVN) - “Tôi thắc mắc rằng, nếu thí điểm VNEN thành công thì có đưa vào cải cách giáo dục sắp tới, như vậy thì toàn bộ truyền thống dạy học của chúng ta sẽ bỏ đi?

Mặc dù là hai câu hỏi dễ nhưng em tỏ ra lúng túng và lắc đầu, lát sau cô bé nói: “Con thấy họ ghi như thế nên làm theo thôi cô ạ. Mà tại sao lại thế, cô giảng cho con hiểu đi”. Đến lúc này, tôi đã nói cô bé Trân: “Con làm xong rồi, con giảng lại cho bạn dùm cô”.

Lật tất cả các bài toán trong sách VNEN đều được hướng dẫn theo kiểu “dọn cỗ” như thế. Nhiều thầy cô giáo dạy chương trình VNEN nói: “Không hướng dẫn kiểu này, sao các em tự học được”. 

Nhưng cái nguy hại ở chỗ, làm xong, làm đúng nhưng lại không hiểu được vì sao mình lại làm thế. Nên gặp một bài toàn không có phần hướng dẫn coi như “mù tịt tìn tin”.

Hay ở sách hướng dẫn học tiếng Việt cũng thế. Ở chương trình hiện hành có đề tập làm văn: Em hãy viết một bức thư cho bạn để làm quen và hẹn bạn thi đua học tốt. 

Giáo viên cũng cho các em phân tích đề, lập dàn ý và hướng dẫn cách viết. Có em viết hay, em viết chưa được tốt nhưng mỗi em một kiểu.

Còn sách VNEN cho các em đọc một bức thư viết sẵn, để trống một dòng cho học sinh tự điền là được bức thư hoàn chỉnh. 

Khi học tới phần này, các em cùng nhau tìm nội dung còn thiếu điền vào bức thư và sau đó mỗi bạn tự viết cho mình bức thư làm quen nhưng được khuyến khích dựa vào nội dung của bức thư ở trên. Thế là, lớp có sĩ số 40 em, thầy cô được đọc gần 40 bức thư na ná nhau đến từng centimet.

Triển khai áp dụng rộng rãi chương trình VNEN vào giảng dạy với mong muốn xóa bỏ cách dạy truyền thống xưa nay là đọc, chép để học sinh tự tìm kiến thức nhưng tự tìm theo kiểu mớm sẵn bài làm như thế có khác nào chúng ta đang tạo ra những bản photocopy, như vậy liệu có nên chăng?

Trên đây chỉ là một câu chuyện xuất phát từ thực tế dậy học của một cô giáo. Kết quả này, không phải là tổng kết, nhưng có giá trị tham khảo và đặt ra yêu cầu đối với các nhà khoa học rằng việc áp dụng VNEN hiện nay như thế nào? Tòa soạn trân trọng mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các nhà khoa học, đặc biệt là của Ban quản lý dự án VNEN của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các nhà khoa học giáo dục, các thầy cô trên cả nước. Mọi liên lạc, đề nghị thông qua email toasoan@giaoduc.net.vn, hoặc đường dây nóng 0938.766.888.
Đỗ Quyên