LTS: Việc áp dụng cho học sinh học 2 buổi/ ngày đã khiến giáo viên phải tăng định mức tiết dạy so với quy định.
Bàn về vấn đề này, cô giáo Phan Tuyết đề xuất Nhà nước nên hỗ trợ thêm ngân sách để tránh tình trạng đè nặng học phí lên vai các phụ huynh và việc chi trả lương cho giáo viên cũng không được đảm bảo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Nếu như trước đây, học sinh Tiểu học chỉ học một buổi thì hiện nay hầu như địa phương nào cũng cố gắng tổ chức cho các trường dạy học 2 buổi/ ngày với thời lượng 35 tiết/ tuần/ lớp.
Số tiết chuẩn của một giáo viên Tiểu học là 23 tiết/ tuần. Do định mức giáo viên ở các trường chưa đủ theo quy định, những trường dạy cả ngày giáo viên thường dạy từ 25-30 tiết/ tuần.
Gánh nặng học phí đang đè nặng lên vai các phụ huynh (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Nguồn kinh phí chi trả dạy vượt giờ cho giáo viên từ trước đến nay, được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, huy động từ sự đóng góp của phụ huynh học sinh.
Gánh nặng từ việc thu tiền
Chẳng biết việc thu tiền của phụ huynh buổi thứ 2 căn cứ vào đâu mà mỗi nơi lại thu mỗi kiểu. Ở Hà Tĩnh thu 100 ngàn/ học sinh/ tháng. Một số trường ở TP.HCM thì thu 200 ngàn đồng mỗi em một tháng.
Phó Thủ tướng: “Nếu học 2 buổi/ngày thì học thêm, dạy thêm sẽ giảm” |
Riêng tỉnh Bình Thuận với mức thu từ phụ huynh ở hầu hết các trường Tiểu học từ 40-50 ngàn đồng/ học sinh/ tháng.
Thay vì thu một lần cả năm học hoặc thu theo từng học kì, hầu như trường học nào cũng thu theo tháng để giảm bớt gánh nặng cho gia đình học sinh.
Điều này lại tạo cho giáo viên nhiều áp lực, mệt mỏi khi hàng ngày lên lớp việc đầu tiên là nhắc các em đóng tiền.
Theo phản ánh của nhiều giáo viên, lớp nào cũng có tình trạng khoảng dăm mười học sinh dù giáo viên có nhắc nhở thường xuyên, dù đã qua tháng học khác nhưng gia đình các em vẫn không chịu đóng tiền.
Không ít giáo viên cứ vào cuối tháng lại tự nguyện móc hầu bao đóng dùm các em cho đủ số lượng để báo về trường rồi tự mình sẽ tiếp tục thu dần vào thời gian sau.
Để bớt gánh nặng về tiền bạc, bớt cảnh giáo viên lên lớp lúc nào cũng “tiền, tiền”, một số trường quy định kế toán là người nhận tiền nhưng không phải vì thế mà giáo viên thoát khỏi những điệp khúc buồn nhắc các em việc đóng tiền.
Bởi lẽ, dù không trực tiếp cầm tiền từ phụ huynh nhưng việc nhắc nhở học sinh về thông báo ba mẹ đóng tiền là không thể nào tránh khỏi.
Nếu không thế, nhiều phụ huynh cũng sẵn sàng “lờ” đi việc hợp tác với nhà trường.
Thù lao chưa tương xứng
Dạy học buổi 2, ngoài việc giáo viên Tiểu học phải đi thêm 5 buổi trong tuần, mọi hồ sơ sổ sách phải làm gấp đôi bình thường.
Chẳng hạn, soạn thiết kế bài dạy phải chi tiết hơn giờ dạy chính khóa vì phải có bài tập cho mọi đối tượng như bài tập chuẩn cho học sinh bình thường, bài tập dưới chuẩn cho học sinh yếu, kém; bài trên chuẩn cho học sinh khá, giỏi.
Ngoài kiến thức, nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ cũng đặc biệt được lưu ý như hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động An toàn Giao thông, tiếng hát dân ca, giao lưu theo chủ điểm, giáo dục kĩ năng sống…
Đi bằng đôi chân của mình, tự học cả đời, đừng bị động trong các lớp học thêm! |
Nếu như tính theo mức một ngày công lao động mà Nhà nước quy định trả cho giáo viên thì một tiết dạy tăng thêm của một giáo viên có thâm niên 20 năm trong nghề khoảng 110 ngàn đồng/ tiết.
Nhưng với mức thu từ phụ huynh 40 ngàn/ tháng giáo viên chỉ nhận được trả thêm khoảng 500 ngàn đồng/ tháng và phải đi dạy thêm khoảng 5 buổi/ tuần.
Nhiều giáo viên nhà ở quá xa trường, ngày đi về 4 vòng như thế đã chia sẻ “không đủ tiền đổ xăng”. Chính vì điều này, giáo viên luôn cảm thấy mệt mỏi khi đồng lương chính đã thấp, dạy tăng thêm tiết buổi hai nhưng thu nhập lại quá ít ỏi.
Dạy học 2 buổi/ ngày được xem là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc Tiểu học.
Thiết nghĩ, bớt đi gánh nặng về tiền bạc cho nhiều gia đình học sinh, ngoài việc thực hiện dạy buổi hai theo hình thức xã hội hóa, ngân sách Nhà nước cũng cần hỗ trợ thêm để việc chi trả cho giáo viên tương xứng với công sức mà họ bỏ ra.
Có như thế, thầy cô giáo mới toàn tâm toàn ý vào từng bài giảng được.