Hội nhập giáo dục Việt Nam: Con đường nào để thành công?

07/03/2016 07:53
Xuân Trung
(GDVN) - Các chuyên gia thừa nhận, để hội nhập quốc tế về giáo dục thì ngoài nguồn lực mạnh, chất lượng lao động tốt, còn phải có kỹ năng và trình độ tiếng Anh.

Hội thảo “Hội nhập Quốc tế về Giáo dục” được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức mới đây thu hút rất nhiều khách quốc tế tham dự. Đây là một trong những hoạt động mở đầu năm 2016 với nhiều sự kiện lớn của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Với chủ đề trên, TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, ngay đầu năm 2015 một bản báo cáo của PWC (Price waterhouse Coopers) dự đoán rằng, vào năm 2050 thế giới chứng kiến sự đổi thay lớn của tiềm lực kinh tế toàn cầu, từ các nền kinh tế phát triển chuyển dịch sang châu Á và các nền kinh tế mới nổi.

Cũng theo dự đoán, vào năm 2020 , chỉ riêng Trung Quốc sẽ chiếm 30% số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thế giới có độ tuổi từ 25-34. Tại Ấn Độ - nước có nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực sẽ cung cấp thêm 300 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học cho nguồn nhân lực thế giới trong hai thập kỷ tới.

Ông Phan Quang Trung thay mặt Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao bản hợp tác về giáo dục với nước ngoài. Ảnh Xuân Trung
Ông Phan Quang Trung thay mặt Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao bản hợp tác về giáo dục với nước ngoài. Ảnh Xuân Trung

Ông Phan Quang Trung nhận định, rõ ràng các quốc gia trong khu vực đã có những chính sách và bước tiến nhằm cải cách và thúc đẩy giáo dục đại học. Trong đó có sự thay đổi về cách suy nghĩ trong việc lựa chọn trường, và các trường ở châu Á sẽ có vị thế mới.

Các nước trong khu vực đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, hội nhập khu vực, thông qua các chính sách học bổng và các chương trình hợp tác song phương trong khu vực và toàn châu Á.

Ví như Trung Quốc đã có những chương trình khuyến khích cấp học bổng cho sinh viên các nước trong khu vực. Hiện Trung Quốc đứng hàng đầu trong danh sách lựa chọn của học sinh Việt Nam khi đi du học (khoảng 5.000 người/năm, số lượng học sinh Indonesia khoảng 14.000 người...).

Hàn Quốc trước đây cũng là nước đứng đầu trong việc gửi sinh viên đi du học tới Anh, Mỹ... thì nay cũng đang chuyển dịch sang các nước xung quanh như Trung Quốc, Nhật, Philipines.

Theo ông Trung, Việt Nam nằm giữa các khu vực năng động và quan trọng của kinh tế thế giới: Khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, chúng ta sẽ trở thành nguồn cung cấp sinh viên du học hay thu hút sinh viên du học là phụ thuộc nhiều vào chính sách mở cửa của các trường đại học trong nước.

Hội nhập giáo dục Việt Nam: Con đường nào để thành công? ảnh 2

“Cô đã không bỏ rơi chúng em”

(GDVN) - Thành công của người Thầy không chỉ truyền đạt cho học sinh khối kiến thức mà là dạy cho các em trở thành người hữu dụng.

Cụ thể hơn, ông Trung cho rằng, phụ thuộc vào trình độ sử dụng tiếng Anh và các ngoại ngữ trong khu vực ở mức độ nào? Ngoài ra các chương trình, bằng cấp được liên thông, công nhận giữa các trường trong khu vực và thế giới.

Còn bà Đào Thị Liên Hương – Trưởng ban đối ngoại, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, xu thế hội nhập giáo dục hiện nay là đa chiều, các nước đều tăng cường việc học và dạy tiếng Anh cho sinh viên, dù bất kỳ là sinh viên ở đâu.

Tại Việt Nam, nắm được tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ cho học sinh Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hai lần giao nhiệm vụ cho Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nghĩ cách và đề xuất dự án để nhanh chóng nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam.

Có như vậy sinh viên mới có điều kiện ra nước ngoài hội nhập, tham gia các khóa trao đổi của các chương trình danh tiếng trên thế giới. Theo bà Hương, ý tưởng dành hẳn một năm đầu đại học (giống như Đại học FPT đang làm) để nâng cao trình độ tiếng Anh và IT, giúp học sinh đạt chuẩn 5.5 hoặc 6.0 IELTS là một cuộc cách mạng cho giáo dục Việt Nam.

Theo thông tin từ bà Hương, hiện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đang tiến hành song song hai hướng: mời các trường nước ngoài vào hợp tác với các trường trong nước, mở các khóa giảng dạy ngay trong trường theo mô hình của tập đoàn ELS của Mỹ. 

Hoặc lập dự án với một số nước nói tiếng Anh. Hiện Canada cũng đã bắt đầu khởi động hợp tác với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lập dự án giúp một số trường đại học, cao đẳng trong lĩnh vực này.

Theo TS. Lê Văn Canh – Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong khi đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, đặc biệt là về giáo dục thì cần xem lại việc yêu cầu tất cả học sinh trong toàn bộ hệ thống giáo dục phải đạt các kỹ năng của ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết) có thực tế không?

“Tiếng Anh rất cần, nhưng mỗi người cần một kiểu khác nhau, không ai giống ai. Mục tiêu học tiếng Anh đối với học sinh phổ thông và sinh viên đại học là khác nhau. Nếu cứ ồ ạt dạy cho 100% học sinh, bất chấp sự khác biệt lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, mục đích, động cơ học tiếng Anh như hiện nay sẽ không hiệu quả” TS. Canh cho hay.

TS. Lê Văn Canh còn nhấn mạnh, nếu chỉ riêng năng lực tiếng Anh không thôi thì điều đó chưa đủ tạo nên thế mạnh cho người Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa. Muốn vậy dạy tiếng Anh phải có mục đích. Ngoài ra, cần quan tâm tới việc phát triển kỹ năng tự học. 

Chuyển giao nghề để hội nhập

Ông Dương Đức Lân – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, đã vào WTO, Cộng đồng kinh tế Asean, TPP thì đòi hỏi lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng phải hội nhập rất mạnh trong thời gian tới.

Ông Dương Đức Lân. Ảnh Tổng cục dạy nghề.
Ông Dương Đức Lân. Ảnh Tổng cục dạy nghề.

Thực tế, giáo dục đã hội nhập trong nhiều năm nay, kể cả trong giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề. Chia sẻ thêm thông tin về hội nhập trong lĩnh vực mình từng phụ trách là dạy nghề, ông Dương Đức Lân cho biết, từ năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển dạy nghề.

Tiếp theo đó Chính phủ cũng phê duyệt Quyết định 371 (cho phép chuyển giao các chương trình tiên tiến của nước ngoài về Việt Nam để giảng dạy, đồng thời cấp bằng nước ngoài).

Quyết định này của Chính phủ đã mở đường để hội nhập. Đồng thời đến năm 2014 Chính phủ cũng đã phê duyệt lựa chọn 45 trường nghề chất lượng cao để đào tạo chất lượng cao phù hợp với xu thế, đón đầu bối cảnh chung. 

“Chúng tôi đã chuyển giao 12 nghề từ Úc, từ chương trình, giáo trình, ngân hàng câu hỏi, cách thức đánh giá..., đồng thời đưa giáo viên sang Úc học 5 tháng về triển khai. Tổng cục dạy nghề đang triển khai việc dạy thử cho khoảng 1.000 người.

Đến năm 2018 số 1.000 học viên đó sẽ tốt nghiệp và có hai bằng (bằng Việt Nam và bằng của Úc). Như vậy người Việt Nam làm ra bằng Úc” ông Lân cho hay.

Theo thông tin từ ông Lân, sắp tới Việt Nam cũng sẽ ký kết với Cộng hòa Liên bang Đức để chuyển giao 14 nghề. Theo đánh giá của ông Lân, việc chuyển giao nghề ở nước ngoài cho Việt Nam, đây là một trong những câu chuyện mang tính chất hội nhâp cao. 

Xuân Trung