LTS: Liên quan đến bài viết “Cậu bé vàng” sáng tạo đề xuất cách học môn Giáo dục công dân với Bí thư Thăng” của tác giả Phương Linh đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 29/2.
Nay Ths. Bùi Thị Cần công tác tại trường Đại học Vinh trao đổi thêm dưới góc độ đổi mới giáo dục góp phần tăng hứng thú học tập tích cực học tập của người học đối với môn học Giáo dục công dân hiện nay.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong quá trình vận động và phát triển của đất nước.
Và là một trong những nhân tố cốt tử quyết định tương lai của dân tộc, là chìa khoá để khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng cho sự phát triển bền vững của đất nước, hội nhập thành công vào thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường, quan điểm và quyết tâm trong các văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Đổi mới từ nội dung, chương trình; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; coi trọng quản lý chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo…
Hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, pháp luật có xu hướng gia tăng nên việc nâng cao chất lượng dạy, học môn Giáo dục công dân cần được chú trọng. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Vấn đề đặt ra mà bài báo muốn đề cập là đổi mới giáo dục Việt Nam phải chú trọng đổi mới để làm gia tăng cảm xúc, hứng thú tích cực học tập của người học theo quan điểm “Giáo dục không nhằm nhồi nhét kiến thức mà là thắp sáng niềm tin”.
Hứng thú có một vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của con người. Nó là động cơ thúc đẩy con người tham gia tích cực vào hoạt động, là động lực thúc đẩy chủ thể tạo ra những sản phẩm góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Trong hoạt động học tập, hứng thú có vai trò hết sức quan trọng, thực tế cho thấy hứng thú đối với các bộ môn của học sinh tỉ lệ thuận với kết quả học tập của các em.
Bàn về thực trạng học tập môn Giáo dục công dân của học sinh THPT hiện nay, bên cạnh những học sinh vui thích, đam mê với việc học tập thì cũng có một bộ phận không nhỏ các em không thích học, chán học, nguyên nhân là do mất hứng thú học tập.
“Cậu bé vàng” sáng tạo đề xuất cách học môn Giáo dục công dân với Bí thư Thăng(GDVN) - Theo “cậu bé vàng” Nguyễn Dương Kim Hảo, các giờ học môn Giáo dục công dân cần giảm bớt lý thuyết, tăng những giờ học về giới tính, kỹ năng sống và kỹ năng mềm |
Tình trạng chán học, không thích học do mất hứng thú học này đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của các em nói riêng và chất lượng Giáo dục công dân ở bậc THPT nói chung.
Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu của sự chán, lười học của học sinh THPT qua khảo sát điều tra ở một số trường THPT là xuất phát từ nhiều lý do.
Tình trạng lớp học môn Giáo dục công dân tương đối trầm ở các trường THPT khá phổ biến hiện nay.
Khi khảo sát ngẫu nhiên các lớp THPT, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ phát biểu ít chiếm quá 52%, rồi đến tỷ lệ những học sinh chưa bao giờ phát biểu khá cao (xấp xỉ 41%), còn lại lượng học sinh hăng hái phát biểu không đáng kể.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng này khá phức tạp, bắt nguồn từ tâm lý chung của học sinh đối với môn học Giáo dục công dân: khá nhiều học sinh cho rằng môn Giáo dục công dân đơn thuần chỉ là môn học chính trị thuần túy hay chỉ là môn học bổ trợ thêm kiến thức.
Cộng thêm với việc học sinh sợ bị chê cười khi phát biểu sai, chưa tự tin vào năng lực của mình, chưa hiểu rõ tác dụng của việc phát biểu xây dựng bài; do cá nhân chưa chuẩn bị bài, đến phương pháp giảng dạy của giáo viên giáo dục công dân chưa gây hứng thú tới học sinh…
Tình trạng không chuẩn bị bài trước khi đến lớp vẫn tồn tại khá phổ biến. Ở hầu hết các trường lớp, học sinh thường khá bị động trong việc tự chuẩn bị bài ở nhà, kể cả khi giáo viên kiểm tra, các em vẫn có xu hướng làm hình thức đối phó.
Nguyên nhân sâu xa của thực trạng phổ biến này là: học sinh có rất ít thời gian học ở nhà trong khi lượng kiến thức học nhiều môn quá lớn, học sinh chưa chú tâm tới môn học cho rằng môn Giáo dục công dân là môn học phụ hay chưa hiểu rõ tác dụng của phương pháp học này.
Cá biệt, có một số học sinh tỏ ra thực sự hờ hững, thiếu nghiêm túc đối với môn học giáo dục công dân. Với suy nghĩ phiến diện, lệch lạc, phần lớn học sinh chỉ học tủ, học vẹt nhằm đối phó với giáo viên.
Đến khi kiểm tra thì quay cóp, sử dụng tài liệu… Hiện tượng học sinh không mặn mà trong việc học môn giáo dục công dân đã tồn tại khá lâu, trở thành “nếp”, tạo nên sức ì về mặt tâm lí mà muốn khắc phục không phải dễ dàng.
Một thực tế phải nhìn nhận khách quan đó là về mặt nhận thức, về tư tưởng, trong xã hội hiện vẫn còn có một bộ phận không nhỏ (trong đó thậm chí có cả những người có trách nhiệm lãnh đạo cả ở cấp cơ sở lẫn cấp cao hơn) chưa hiểu đúng vai trò, vị trí của môn Giáo dục công dân.
Vẫn còn có những nhận thức sai lầm đến mức cho rằng đây là môn học không quan trọng, không cần thiết. Trong thực tế thậm chí có hiện tượng một số nơi đã sử dụng giáo viên không có chuyên môn Giáo dục công dân để giảng dạy.
Một khuynh hướng khác nghiêng về hướng đồng nhất môn học này với việc tuyên truyền phổ biến chính sách, đường lối hoặc đơn thuần chỉ là môn học có vai trò “minh họa” thuần túy cho hệ tư tưởng.
Thầy giáo nói ra những bí mật của kiểm tra miệng ở trường phổ thông(GDVN) - Có thể nào thay đổi hình thức kiểm tra miệng để đảm bảo đánh giá công bằng về học lực cho học sinh hay không? |
Chính vì không phân biệt được vai trò khoa học và vai trò “chính trị” nên dẫn tới tâm lý “xem nhẹ”, “coi thường”.
Đây là một khuynh hướng sai lầm về nhận thức cần kịp thời có sự điều chỉnh, thay đổi.
Về phía người dạy, qua thực tế có thể nhận thấy, phần lớn giáo viên vẫn lên lớp bằng phương pháp truyền thống: thầy đọc, trò chép, tạo cảm giác mệt mỏi, thụ động đối với học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức.
Một số giáo viên lên lớp với tâm lý cho rằng môn của mình là môn phụ nên ít có sự quan tâm, đầu tư trong việc soạn giáo án, chuẩn bị bài lên lớp.
Bên cạnh đó, việc thiếu những dẫn chứng sinh động trong thực tế cũng như thiếu những dụng cụ trực quan làm cho các tiết học trở nên khô khan, nhàm chán, không gây được sự hứng thú đối với học sinh. Hệ quả tất yếu là chất lượng tiết học có nhiều hạn chế.
Đã đến lúc phải có những đánh giá, nhìn nhận thực sự nghiêm túc cả từ phía người dạy lẫn người học; cả các cấp lãnh đạo quản lý, toàn xã hội về nhận thức cũng như sự cần thiết đầu tư thích đáng với vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của môn học.
Từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn giáo dục công dân đạt hiệu quả, chất lượng cao, nhất là trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.
Với câu hỏi “Những nguyên nhân thúc đẩy bạn học tốt hơn môn giáo dục công dân?”, nhiều học sinh cho rằng: Ngoài những nguyên nhân gắn liền với mục đích học tập môn Giáo dục công dân, còn có một số nguyên nhân khác.
Ví như: Giáo viên tạo không khí học tập vui vẻ, không quá căng thẳng; do có niềm đam mê với môn học; học để tìm tòi những điều mới mẻ, tư duy lý luận logic, sáng tạo hơn; do ý thức bản thân thấy được tầm quan trọng của việc học môn Giáo dục công dân …
Nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay, trước hết cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò, vị trí của môn học này trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông từ đó đề ra các giải pháp cụ thể và có tính khả thi.
Để nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến giải pháp tạo ra và duy trì hứng thú tích cực thực sự cho học sinh đối với môn học giáo dục công dân.
Muốn nâng cao hứng thú học tập trước hết phải hình thành, giáo dục động cơ học tập, nhu cầu học tập đúng đắn. Động cơ học tập tốt không tự có mà cần phải được xây dựng, hình thành trong quá trình học sinh đi sâu chiếm lĩnh tri thức với sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
Động cơ học tập là muôn hình muôn vẻ, muốn phát động động cơ học tập đúng đắn, động cơ chiếm lĩnh tri thức thì trước hết cần phải khơi dậy ở các em nhu cầu nhận thức, nhu cầu chiếm lĩnh đối tượng học tập vì nhu cầu chính là nơi khơi nguồn của tính tự giác, tính tích cực học tập.
Mặt khác, hành vi của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, nhất là ở những học sinh có nhân cách chưa hình thành ổn định, chưa có mục đích sống chủ đạo.
Học như chiến binh, học trò không muốn thành các "chú robot vẹt”(GDVN) - Chúng em tự hỏi liệu các nhà khoa học soạn sách đã đứng trên bục giảng hay không mà mắc bệnh “Hàn lâm” đến thế. |
Cho nên môi trường khách quan cần có những điều kiện thuận lợi, là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm cho hứng thú phát triển: cơ sở vật chất phòng học, thư viện phong phú các đầu sách, những kỳ vọng, sự động viên của thầy cô và gia đình, sự phát huy những truyền thống tốt đẹp, phong trào rèn luyện và thi đua tích cực của học sinh, thầy cô giáo trong nhà trường,
Muốn tạo được hứng thú học tập của học sinh đối với môn học Giáo dục công dân thì nhà trường cần thiết thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt mang tính tập thể. Điều đó sẽ kích thích sự hăng hái thi đua, cạnh tranh lành mạnh.
Tổ chức các buổi ngoại khóa, trò chuyện, giao lưu giữa thầy cô - học sinh, học sinh - học sinh nhằm khắc phục những khó khăn gặp phải trong quá trình học tập môn Giáo dục công dân.
Tổ chức chương trình giáo dục ngoài giờ, chương trình giáo dục pháp luật, câu lạc bộ tình bạn, tình yêu trong tuổi học trò.... Từ đó, tìm thấy tiếng nói chung, sự đồng thuận giữa các học sinh để các em cùng giúp nhau học tốt hơn.
Đối với người học, cần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vai trò của môn học Giáo dục công dân trong việc trau dồi nhân cách, hoàn thiện bản thân, từ đó xác định đúng động cơ và thái độ học tập.
Tham gia tích cực các phong trào ngoại khóa. Tích cực chuẩn bị bài, phát biểu xây dựng bài; phân bố thời gian học tập, vui chơi, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý. Hứng thú học tập của học sinh được tăng cường phần lớn chịu sự ảnh hưởng bởi giáo viên.
Do đó, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân cần không ngừng trau dồi kỹ năng, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, cải tiến phương pháp giảng dạy, đảm bảo việc truyền thụ tri thức ngày càng chính xác, hấp dẫn, có chất lượng.
Giáo viên cần giúp cho học sinh thấy được ý nghĩa và vai trò của các kiến thức môn học Giáo dục công dân đối với cuộc sống; giúp học sinh biết cách học thích hợp đối với bộ môn Giáo dục công dân, tăng cường thời lượng, chất lượng thực tế, thảo luận cho môn học, nắm vững lý thuyết, luôn có sự vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống và giải quyết các tình huống trong đời sống theo các khía cạnh khác nhau.
Cần có những bài giảng Giáo dục công dân nêu vấn đề, những giờ thảo luận trên lớp, những trò chơi mang tính chất giáo dục để kích thích hứng thú học tập, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh.
Thầy giáo trực tiếp đứng lớp lên tiếng về mô hình lớp học mới (VNEN)(GDVN) - Ban dự án VNEN cần lắng nghe những phản hồi của dư luận và thận trọng khi triển khai áp dụng đại trà mô hình trường học mới tại các địa phương. |
Quá trình kích thích hứng thú tích cực học tập không chỉ diễn ra ở bài giảng này hay bài giảng khác mà cần phải diễn ra trong suốt quá trình.
Do đó, trong quá trình giảng dạy, người giáo viên cần tạo ra các hoàn cảnh nhằm kích thích hứng thú học tập, tăng tính chủ động sáng tạo của người học.
Trong giảng dạy, giáo viên cần chỉ ra được cái mới, cái phong phú, nhiều hình nhiều vẻ, tính chất sáng tạo và triển vọng trong hoạt động học tập môn giáo dục công dân để tạo ra hứng thú vững chắc cho học sinh trong quá trình học tập.
Giáo viên cần có những cách thức cụ thể trong việc làm “mềm” hoá môn học vốn được xem là khô khan, trừu tượng này bằng những ví dụ sinh động trong đời sống thực tế.
Có thể thay cách thuyết giảng một chiều bằng việc nêu những câu hỏi gợi mở, nêu vấn đề thảo luận. Trong một số tiết học, trong những tình huống cụ thể, để tạo sự hào hứng và cuốn hút học sinh vào bài học, có thể đưa ra các tình huống cụ thể thực tế, gợi ý cho các em cách giải quyết.
Mặt khác, cần đầu tư hơn trong việc sưu tầm tư liệu, tranh ảnh minh hoạ, cùng các dụng cụ trực quan tạo ra sự sinh động cho mỗi giờ lên lớp.
Giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân cần thiết tạo tâm lý học thoải mái, không gây áp lực quá căng thẳng cho học sinh; kết hợp học và hành; dạy những điều cơ bản, cần thiết theo đúng chương trình…; giáo viên cần quan tâm đến học sinh, theo dõi về biểu hiện tâm lý của các em từ đó có biện pháp linh hoạt giáo dục, định hướng cho học sinh…
Đặc biệt, giáo viên giáo dục công dân phải làm gương, là tấm gương sáng về mọi mặt để học sinh noi theo và thường xuyên thực hiện phương pháp nêu gương trong quá trình truyền đạt môn học Giáo dục công dân.
Trước tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng hiện nay, việc nâng cao chất lượng dạy và học đối với môn Giáo dục công dân cần phải được chú trọng.