LTS: Với mong muốn đưa ra thêm những đối tượng cũng thuộc nhóm nhận được sự ưu ái đặc biệt của các thầy cô giáo sau khi đọc bài viết “Đối tượng học sinh nào được nhà trường, thầy cô ưu ái, nâng điểm nhiều nhất?” của tác giả Kiên Trung đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Nam Phương đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Bài viết “Đối tượng học sinh nào được nhà trường, thầy cô ưu ái, nâng điểm nhiều nhất?” của tác giả Kiên Trung đã đưa ra nhóm đối tượng (học sinh lớp 9 và lớp 12) được hưởng “đặc ân” nâng điểm của giáo viên và nhà trường.
Ở bài viết này xin cung cấp thêm một số đối tượng cũng thuộc nhóm được nhận sự ưu ái đặc biệt ấy.
Giáo viên ưu ái, nâng điểm cho học sinh (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Học sinh khá giỏi
Cứ nghĩ học sinh khá giỏi thì cần gì phải nhận đặc ân cho điểm thoáng hay nâng điểm từ giáo viên?
Thế nhưng nhóm đối tượng này vẫn đang được hưởng lợi vì căn bệnh thành tích của giáo viên, của nhà trường, của chính niềm kiêu hãnh từ cha mẹ.
Đó là, việc phải bằng mọi giá phải cho con đi học thêm hơn là vì những điều con sẽ học được. Khá nhiều phụ huynh còn nỗ lực tạo mối quan hệ để xin điểm cho con đạt được danh hiệu mong muốn.
Chẳng hạn, điểm tổng kết của học sinh 6.4 xin thêm 0.1 để đạt học sinh tiên tiến, hay 7.9 xin thêm 0.1 để đạt 8.0 thành học sinh giỏi.
Hoặc học sinh ấy, điểm trung bình đủ giỏi nhưng hai môn Văn, Toán lại không có môn nào đạt 8.0…
Hoặc điểm trung bình đạt giỏi (hoặc khá) nhưng có một môn 6.4 hoặc 4.9 (đối với học sinh tiên tiến).
Lại có trường hợp phụ huynh không chủ động xin điểm nhưng giáo viên chủ nhiệm hoặc chính nhà trường lại chủ động xin nâng điểm cho cá nhân em ấy.
Lý do đơn giản chỉ vì để cho đủ chỉ tiêu thi đua về số lượng học sinh khá giỏi đã đăng kí.
Học sinh yếu kém
Sau đợt kiểm tra cuối năm, những học sinh nào rơi vào nhóm học sinh yếu kém sẽ được chính giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn ấy lưu ý đặc biệt.
Sự đặc biệt ở đây không phải là dạy phụ đạo để học sinh tiến bộ. Thầy cô xin điểm để nâng điểm tổng kết vượt khỏi vùng khống chế cho học sinh ấy không bị lưu ban.
Ví như tổng kết có môn đạt 3.5 cũng đã khác với em chỉ đạt 3.4. Chỉ 0.1 ở đây nhưng lại vô cùng quan trọng. Nó có thể quyết định thi lại hoặc ở lại lớp của các em. Mà thi lại gần đồng nghĩa với việc lên lớp khi chính giáo viên ôn thi, ra đề, chấm thi.
Phần lớn, thầy cô đều cho học sinh con điểm an toàn để lên lớp (trừ trường hợp cá biệt). Bởi, các em mà ở lại lớp thì nhiều rắc rối sẽ đến như chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu phổ cập…bị khống chế.
Đã khống chế nghĩa là không đạt. Điều này sẽ kéo theo bao hệ lụy, cá nhân giáo viên dạy không đạt, tổ chuyên môn mất tiên tiến, rồi trường sẽ mất thi đua và phòng giáo dục cũng sẽ liên lụy…đến xã phường, ủy ban huyện thị ngỡ chẳng liên quan nhưng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Giáo viên chính là người trực tiếp để xảy ra tình trạng nâng điểm cho học sinh. Nhưng xét cho cùng, thầy cô cũng là nạn nhân của căn bệnh thành tích.
Có khá nhiều giáo viên không vì thành tích của bản thân mình cũng buộc phải lao theo dòng xoáy ấy.
Bởi, quyền lợi của các cấp liên quan cứ như sợi dây thòng lọng lơ lửng trên đầu, nếu ai muốn bứt ra sẽ dễ dàng bị thít cổ.
Chấm dứt tình trạng nâng điểm tạo thành tích ảo trừ khi ngành giáo dục bỏ hết những chỉ tiêu về chất lượng áp xuống các trường như hiện nay.