Câu chuyện nhiều địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng lại không được tuyển vì rào cản áp lực không được tăng biên chế đang cho thấy nhiều bất cập.
Việc thực hiện mục tiêu giảm 10% biên chế đối với ngành giáo dục là một bài toán khó, trong bối cảnh nhiều nơi tăng học sinh, trường lớp.
Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ngày 24/9 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Quy định cắt giảm biên chế đang tạo nên sức ép đối với ngành giáo dục.
Vì chính sách không tuyển mới giáo viên nên nhiều người học sư phạm ra đành chịu thân phận hợp đồng lương tháng chỉ nhận ở mức lương tối thiểu (ảnh các cô thầy ở Đăk Lắk - nguồn VTV). |
Bởi lẽ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều do 3 năm gần đây không tăng biên chế, Bộ Nội vụ không giao cho các địa phương, các địa phương phải căn chỉnh, co kéo mới sinh ra hợp đồng”.
Cũng có chung nỗi lo về thiếu giáo viên, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, đặt vấn đề: “Quan điểm của chúng ta giáo dục là quốc sách, không hiểu Bộ Nội vụ đánh giá “quốc sách” là như thế nào.
"Tôi không hiểu Bộ Nội vụ đánh giá quốc sách là như thế nào?" |
Và nếu trong trường hợp các quy định đều nói rằng y tế, giáo dục đều cắt giảm 10% như các ngành khác thì không đáp ứng được thực tế. Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này như thế nào?
Hay đánh giá chung đều là viên chức nên “cắt” như nhau khi nhà nước gọi là quốc sách và dành 20% ngân sách cho giáo dục?”.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13.
Quan điểm của bà Bùi Thị An là giáo viên đang thiếu thì không thể giảm. Trách nhiệm tuyển thêm là của Bộ Nội vụ.
Theo bà Bùi Thị An: “Vấn đề giáo viên đối với ngành giáo dục cũng là vấn đề chung của xã hội. Ngành giáo dục phải nêu được bức tranh thừa thiếu, cần bao nhiêu sau đó thông qua Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Còn vấn đề giảm biên chế là cần thiết nhưng giảm bộ phận nào trong ngành giáo dục thì nêu ra để có hướng xử lý. Chứ không thể căn cứ vào quy định giảm biên chế để không tuyển dụng giáo viên trong khi đang có nhu cầu về giáo viên”.
Theo bà Bùi Thị An, nếu không tuyển dụng mới giáo viên thì hàng năm các sinh viên sư phạm ra trường sẽ làm gì? (ảnh Ngọc Quang). |
Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Hiện chúng ta đang đào tạo sư phạm rất nhiều, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên ra trường.
Vậy cứ chủ trương không tuyển giáo viên nữa thì những sinh viên sư phạm ra trường sẽ làm việc ở đâu. Vậy, chính sách không tuyển thêm giáo viên có quá bất cập hay không?”.
Câu chuyện đặt ra tại buổi giải trình này đã chạm đến vấn đề nhức nhối hiện nay của giáo dục. Trong khi sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội việc làm.
Nhiều giáo viên vì ôm mộng vào biên chế mà phải dạy hợp đồng gần 20 năm trời. Mỗi tháng chỉ nhận được mức lương tối thiểu. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng giáo viên rất lớn.
Thu nhập của 434 giáo viên Thanh Oai là không thể tưởng tượng nổi |
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện có 29 tỉnh thành có danh sách đề nghị bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2018. Tổng số giáo viên đề xuất biên chế là 40.447 nghìn giáo viên.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa đề xuất bổ sung biên chế đến 7.519 giáo viên; tỉnh Nam Định 2.281 giáo viên; tỉnh Bắc Giang 3.295 giáo viên; tỉnh Phú Thọ là 3.366 giáo viên…
Tỉnh đề xuất bổ sung biên chế giáo viên nhiều nhất là Thanh Hóa thì trong vài năm qua để xảy ra hiện tượng chấm dứt hàng nghìn giáo viên hợp đồng và điều chuyển giáo viên giữa các cấp học gây bức xúc.
Cũng đầu năm học mới này, Hà Tĩnh thiếu giáo viên mầm non trong khi cơ sở vật chất lại thừa. Nhiều trường mầm non đã từ chối nhận các cháu ở độ tuổi mẫu giáo vào học vì không đủ giáo viên.
Do đó, nếu cứ duy trì tình trạng giáo viên hợp đồng thì sẽ rất bất công cho các thầy cô theo ngành sư phạm. Quyền lợi học tập của học sinh cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.