Thu nhập của 434 giáo viên Thanh Oai là không thể tưởng tượng nổi

12/08/2018 06:15
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, chính quyền địa phương cấp huyện ở Thanh Oai, cao hơn nữa là thành phố Hà Nội cần có những chính sách để hỗ trợ các giáo viên này.

Sự việc 434 giáo viên ở Thanh Oai (Hà Nội) đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua. Trong đó, nhiều giáo viên đã hợp đồng hơn 20 năm vẫn đứng trước nguy cơ cho nghỉ việc.

Xung quanh sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cho biết, bản thân ông có hai góc nhìn thuần túy về lý trí và về tình cảm trong vụ việc này.

Về mặt lý trí, thầy Khang cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng là đúng và giáo viên cũng nên chấp nhận chuyện này.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội  (ảnh Trinh Phúc).

Lý giải về quan điểm của mình, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, mấy chục năm qua giáo viên được biên chế nhà nước, biên chế vĩnh cửu dẫn tới một số giáo viên làm nhì nhằng cũng không sao.

Chỉ những người vi phạm kỷ luật nặng nề mới bị mất việc. Cách quản lý con người như vậy là không tích cực.

Do đó, thầy Nguyễn Xuân Khang đã ủng hộ bỏ biên chế nhà nước chuyển sang cơ chế hợp đồng.

“Đây là xu hướng của thế giới, tránh những biên chế, dôi dư, quá thừa thãi và tạo nên động lực cho người lao động làm việc tốt hơn. Vào biên chế sẽ mất động lực” – thầy Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh.

Thu nhập của 434 giáo viên Thanh Oai là không thể tưởng tượng nổi ảnh 2Đang "chính vụ hủy hợp đồng, sa thải giáo viên", mùa giáo viên đau buồn nhất

Để minh họa cho quan điểm của mình, thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết tại các trường tư, giáo viên phải không ngừng phấn đấu để giữ chỗ của mình.

Vì trường tư chỉ có hợp đồng, không có cơ chế vĩnh viễn. Với cơ chế này đã buộc giáo viên phải luôn luôn trau dồi năng lực và phẩm chất nếu không sẽ mất việc.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang: “Trong hệ thống trường công không có động lực, hoặc động lực này ít.  

Nguyên nhân là do biên chế. Vì thế, cần phải thay đổi việc giáo viên vào biên chế là nghiễm nhiên có việc làm cho tới khi nghỉ hưu.

Đương nhiên để thay đổi thì phải chấp nhận biện pháp đau. Hình như vấn đề này đang dịch chuyển, bắt đầu đã có đau ở huyện này, huyện kia, ở tỉnh này, tỉnh kia khi giáo viên bị cắt hợp đồng”.

Cũng theo thầy Khang, chính quyền địa phương cấp huyện ở Thanh Oai, cao hơn nữa là thành phố Hà Nội cần có những chính sách để hỗ trợ cho giáo viên tránh hụt hẫng khi bị thất nghiệp.

“Tôi rất chia sẻ chuyện này với các thầy cô giáo nên chính quyền phải bằng cách nào hỗ trợ cho số giáo viên dôi dư, tạo cơ hội đổi nghề, có thu nhập để mưu sinh”.

Cũng liên quan đến trường hợp 434 giáo viên hợp đồng, thầy Nguyễn Xuân Khang bày tỏ ngạc nhiên về mức thu nhập 1,3 triệu đồng/tháng của giáo viên hợp đồng ở Thanh Oai.

Thầy Khang cho biết: “Cách đây một năm lộ lên việc một cô giáo ở Hà Tĩnh về hưu chỉ có 1,3 triệu đồng/ tháng tôi đã quá ngạc nhiên.

Thế mà gần đây, thông tin báo chí cho biết nhiều giáo viên Thanh Oai làm việc hơn 20 năm chỉ nhận mức lương bậc 1. Tôi không nghĩ được vì sao giáo viên đi dạy ngay ở Hà Nội mà lương thấp đến thế”.

Thu nhập của 434 giáo viên Thanh Oai là không thể tưởng tượng nổi ảnh 3Thanh Oai tổ chức thi cho 434 giáo viên là để tuyển dụng hay sa thải?

Thầy Khang chia sẻ rằng, một người làm việc đơn giản nhất trong Trường Marie Curie Hà Nội lương cũng được 6 triệu đồng/ tháng. Họ là những giám thị trông coi các cháu hoạt động vui chơi trong giờ giải lao.

Còn cô thầy dạy Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa ở Thanh Oai chỉ một triệu tôi không thể hình dung được”.

Thầy Khang cũng cho rằng, những người lao động chăm chỉ họ không chấp nhận lương ấy. “Vào thập niên 80 – 90, tôi là cán bộ giảng dạy Đại học Tổng hợp, lương chỉ đủ để trả tiền điện.

 Không chấp nhận điều đó, tôi ra khỏi nhà nước thành lập trường tư. Đến giờ không chỉ lo cuộc sống của bản thân mình mà còn lo được hàng trăm lao động trong trường có mức sống ổn định”.

Trinh Phúc