Không thể chấp nhận thày cô dạy thêm trái phép

22/02/2017 07:22
Trần Mỹ
(GDVN) - Dạy thêm hoàn toàn khác với phạm trù “làm thêm”, bởi dạy học là ngành nghề đặc thù mà người thụ hưởng là thế hệ của tương lai nên cần phải quản lý chặt chẽ.

LTS: Liên quan đến những bất cập trong dạy thêm, học thêm, Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Trần Mỹ chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Dạy thêm trong khuôn khổ và phải có sự quản lý

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm. Theo đó, Bộ không hề cấm dạy thêm nhưng dạy thêm phải trong khuôn khổ cho phép (được cấp phép).

Dạy thêm phải được đảm bảo theo đúng quy định, đúng đối tượng, phải được cấp phép và có sự quản lý.

Nhiều trẻ em bị "bội thực kiến thức" vì suốt ngày phải vùi đầu vào những lớp học thêm. Ảnh: giaoduc.net.vn
Nhiều trẻ em bị "bội thực kiến thức" vì suốt ngày phải vùi đầu vào những lớp học thêm. Ảnh: giaoduc.net.vn

Dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan, của chính quyền các cấp.

“Giáo viên không được dạy thêm tại nhà trong bất kỳ trường hợp nào”

“Giáo viên không được dạy thêm tại nhà trong bất kỳ trường hợp nào”

Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng dạy học cũng là một nghề. Tại sao các nghề nghiệp khác, khi người lao động làm thêm thì không phải xin phép, còn dạy thêm lại cấm và phải xin phép nhùng nhằng, nhiêu khê như vậy?

Hoặc một số quan điểm thì nói, dạy thêm và học thêm là sự thỏa thuận giữa đôi bên. Bên có nhu cầu và bên đáp ứng nhu cầu. Vậy thì không nhất thiết phải có sự giám sát và không cần phải xin phép.

Đây là quan điểm sai lầm. Bởi lẽ, thứ nhất đối tượng học thêm ở đây thông thường dưới 18 tuổi (học sinh). Các em chưa thể tự quyết và tự chịu trách nhiệm đối với lựa chọn của mình.

Thứ hai, xã hội cần phải nhìn nhận rằng, dạy học là một nghề nhưng đó là một nghề đặc biệt.

Dạy học là công việc truyền tải kiến thức, kỹ năng cho con người. Dạy học là đem đến tương lai tươi sáng cho con người.

Trong khi đó, đối tượng chịu ảnh hưởng của nghề dạy học là con người mà cụ thể là thế hệ tương lai của đất nước.

Vì vậy, nếu đánh đồng việc dạy thêm với bất cứ công việc làm thêm nào khác và cho rằng không cần chịu bất kỳ sự quản lý nào thì sẽ rất nguy hiểm.

Dạy thêm trái phép khó đảm bảo về an toàn và chất lượng

Ngày 16/05/2012 Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Nhiều người đang mù quáng bênh vực dạy thêm trái phép

Nhiều người đang mù quáng bênh vực dạy thêm trái phép

Theo đó, nguyên tắc của hoạt động dạy thêm, học thêm là phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

Từ đó, Bộ đã quy định rất rõ các trường hợp không được dạy thêm. Tại điều 4 của thông tư này nêu rõ “các trường hợp không được dạy thêm”. Cụ thể:

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Để được cấp phép, các cơ sở dạy thêm phải đảm bảo yếu tố cơ sở hạ tầng phục vụ học tập.

Ví dụ như: phòng học có đủ ánh sáng, đủ diện tích tương ứng với số lượng học sinh, bảng chống lóa, bàn học đúng tư thế...

Vậy nếu cơ sở dạy thêm “chui” thì chẳng ai dám khẳng định cơ sở đó đảm bảo an toàn trong giáo dục.

Thực tế, rất nhiều cơ sở dạy thêm trái phép hiện nay không đảm bảo chuẩn ánh sáng, tư thế ngồi đối với học sinh. Đó là chưa kể đến việc tồn tại những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

Trước đó đã có rất nhiều thông tin phản ánh những tiêu cực như, giáo viên o ép học sinh phải học thêm với mình, nếu không sẽ trù dập và khó lòng đạt kết quả học tập tốt tại lớp chính khóa.

Không ít phụ huynh đã từng phản ứng trước tình trạng học sinh cấp một phải đi học như “đi cày”.

Các em bị “bội thực” kiến thức vì phải học ngày, học đêm. Hình ảnh những đứa trẻ chỉ mới 7-8 tuổi ngồi gặm bánh mỳ chờ học thêm "ca đêm" gây xôn xao, bức xúc trong dư luận.

Vậy, nếu giáo viên và các cơ quan có thẩm quyền không nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dạy thêm, học thêm thì làm sao đảm bảo an toàn về học tập cho các em học sinh?

Thiết nghĩ, quy định không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ đưa nó vào khuôn khổ, quản lý. Vì vậy, trước tiên các thầy giáo, cô giáo phải nâng cao ý thức và trách nhiệm để nghiêm túc thực hiện quy định này.

Trần Mỹ