Làm sao để ngày đầu tiên đi học thật sự ấn tượng, ý nghĩa?

31/07/2015 07:53
Phan Tuyết
(GDVN) - Thay đổi thời gian vào học cũng cần nên thay đổi ngày khai giảng năm học mới cho phù hợp với ý nghĩa của từ khai giảng chứ đâu cứ nhất thiết phải đợi ngày 5/9?

LTS: Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông học sinh sẽ được tổ chức dạy và học từ 1/8 trở đi, đến tuần cuối tháng 8 hoặc tuần đầu tháng 9 mới tiến hành khai giảng năm học mới. 

Học trước, khai giảng sau khiến ngày hội “Toàn dân đưa trẻ tới trường” không còn háo hức, hân hoan, không có sự hồi hộp và xúc động của cả thầy và trò. 

Là một giáo viên Tiểu học, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ quan điểm của mình và đặt câu hỏi: “Ngày khai giảng năm học mới có nhất định là ngày 5/9?”. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Những năm về trước, cứ vào ngày 5/9 hàng năm, cả nước lại tưng bừng làm lễ khai giảng chào đón năm học mới. 

Buổi lễ diễn ra trong niềm hân hoan phấn khởi của những cô cậu bé học trò cũ sau ba tháng hè xa cách. Niềm vui sướng dâng đầy và cảm giác hồi hộp, ngỡ ngàng của những học sinh đầu cấp còn rụt rè, bỡ ngỡ khi bước vào ngôi trường mới mà mọi thứ đều xa lạ. 

Có lẽ sẽ luôn là ấn tượng đặc biệt nhất trong lòng các em là cảnh chào đón học sinh đầu cấp do nhà trường tổ chức trong buổi lễ khai giảng đầu năm học mới.

Làm sao để ngày đầu tiên đi học thật sự ấn tượng, ý nghĩa? ảnh 1
Ngày hội “Toàn dân đưa trẻ tới trường” không còn háo hức, hân hoan (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Những cô cậu bé bước vào lớp một nắm chặt tay người thân, đôi mắt tròn ngơ ngác trước một khung cảnh đầy màu sắc của cờ hoa và bóng bay. 

Bạn nào cũng quần áo, giày dép mới, cặp và sách vở trên vai, nhìn thầy cô, bạn bè ai cũng thấy lạ. Sân trường bỗng rộn ràng bởi những tiếng trống hành tiến vang lên…

Theo sắp xếp, những học sinh lớp một tập trung ngoài cổng trường. Sau phần giới thiệu, thầy cô giáo chủ nhiệm lớp một ra cổng trường dẫn học sinh lớp mình vào vị trí quy định trong tiếng nhạc và bài hát “Ngày đầu tiên đi học” vang lên. 

Đại diện học sinh khối lớp năm lên tặng hoa cho một số học sinh lớp một trong tiếng vỗ tay của tất cả học sinh toàn trường.

Nhìn những khuôn mặt rạng ngời đầy hạnh phúc của các em, chúng tôi hiểu được buổi lễ đã có ý nghĩa như thế nào.

Làm sao để ngày đầu tiên đi học thật sự ấn tượng, ý nghĩa? ảnh 2

Học sinh có còn náo nức đón ngày khai trường?

(GDVN) - Học xong mấy tuần lễ mới tổ chức khai trường, liệu học sinh có còn háo hức chào đón ngày lễ quan trọng này?

Vài năm trở lại đây, học sinh các cấp thường vào học ngày 20/8 hàng năm nhưng mãi 2 tuần sau mới làm lễ khai giảng năm học.

Những cô cậu bé đầu cấp lần đầu tiên vào trường cũng như bao học sinh khác sau phút giây rụt rè, bỡ ngỡ bước vào lớp và học bình thường. 

Sau hai tuần học, các em đã nhanh chóng làm quen với môi trường học tập mới.

Dù thế, vào ngày 5/9, trong lễ khai giảng năm học mới, các trường vẫn dành thời gian đón chào các em học sinh như những năm học trước đây. 

Vào buổi lễ, học sinh lớp một vẫn phải ra cổng xếp hàng để thầy cô dẫn vào trường trong tiếng nhạc bài hát “Ngày đầu tiên đi học” vang lên, cũng cảnh tặng hoa, bóng bay và những lời chúc… 

Dù buổi lễ diễn ra rất long trọng và bài bản nhưng không có được sự háo hức, hân hoan, không có được sự hồi hộp và xúc động của cả thầy cô và trò.

Bởi có điều gì đó, không được tự nhiên, hợp lý mà gượng ép, khiên cưỡng, chỉ là làm cho đủ thủ tục một buổi lễ khai giảng đầu năm. Vì “ngày đầu tiên đi học” của các em đã diễn ra cách đây hai tuần.  

Thay đổi thời gian vào học của học sinh cũng cần nên thay đổi ngày khai giảng năm học mới cho phù hợp với ý nghĩa của từ khai giảng chứ đâu cứ nhất thiết phải đợi đến ngày 5/9?

Phan Tuyết