LTS: Kể từ khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, học sinh phải đến trường học trước khi khai giảng 2-3 tuần. Chính vì lẽ đó mà ngày khai giảng không còn được chờ đợi và háo hức như trước.
Thầy giáo Trần Sơn băn khoăn rằng từ “khai” nên hiểu như thế nào cho đúng? Và mong muốn Bộ GD&ĐT khi đổi mới giáo dục cũng cần xem xét đến sự hào hứng, vui vẻ của học trò từ buổi khai giảng năm học.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (tháng 9/1945), Bác Hồ viết:
“Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp nơi.
Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.
Bài thơ "Ngày khai trường" của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (đã được đưa vào sách Tiếng Việt 3) cũng có những câu thơ rất hay nói về cảm xúc bồi hồi, vui sướng của học sinh trong ngày này:
“ Sáng đầu thu trong xanh
Em mặc quần áo mới
Đi đón ngày khai trường
Vui như là đi hội”.
“ Tiếng trống trường gióng giả
Năm học mới đến rồi
Chúng em đi vào lớp
Khăn quàng bay đỏ tươi ”.
Ngày khai trường có ý nghĩa rất quan trọng vì nó đánh dấu một mốc quan trọng trong quãng đời học sinh của mỗi người.
Ngày khai trường được tổ chức trước khi học sinh học buổi học đầu tiên. Vì vậy, ngày khai trường còn gọi là ngày khai giảng, ngày “mở trường”.
Ngày khai trường được tổ chức trước khi học sinh học buổi học đầu tiên (Ảnh: Xuân Trung) |
Đó là cái ngày mà học sinh rất háo hức, mong đợi sau những ngày tháng nghỉ hè.
Nhưng hơn 10 năm nay (từ khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông), ngày khai trường không còn được tổ chức trước khi học sinh vào học buổi đầu tiên nữa.
Ngày quan trọng và ý nghĩa này lại được các trường tổ chức sau khi học sinh đã học được cả mấy tuần học.
Nếu trường nào tổ chức khai giảng đúng ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường (5/9) thì cấp THCS và THPT đã học được 3 tuần, cấp Tiểu học cũng học được 2 tuần.
Nếu trường nào tổ chức ngày khai trường vào cuối tháng 8 như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì học sinh ít nhất cũng đã học được 1 tuần.
Vậy là thầy và trò không cần chờ tiếng trống ngày khai trường “gióng giả" mà vẫn âm thầm bước vào “năm học mới”. Và, khi hoạt động dạy và học đi vào nền nếp rồi thì các nhà trường lại “rầm rộ” tổ chức lễ khai trường.
Như thế khác nào xây xong móng nhà rồi mới làm lễ động thổ!
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân phỏng vấn học sinh nhân ngày khai trường(GDVN) - Sáng nay (5/9), GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN dự và đánh trống khai trường tại Trường THCS Nam Từ Liêm. |
Nhưng quan trọng hơn, đối với học sinh ngày khai trường đã mất đi nhiều ý nghĩa.
Nó không còn được các em náo nức mong chờ với rất nhiều cảm xúc như vốn có nữa.
Nó như là một nghi lễ mang tính hình thức chủ yếu dành cho người lớn chúng ta.
Trong khi đó, ngày khai trường đáng ra phải là ngày của học sinh, là ngày mà các em vui nhất. Vậy mà...
Để ngày này thật sự có ý nghĩa, tạo được nhiều niềm vui và những cảm xúc mang dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời mỗi học sinh, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT, từ năm học 2015-2016, nên hướng dẫn các trường tổ chức ngày lễ quan trọng này trước khi chính thức bước vào học buổi đầu tiên của năm học mới.