Lệnh "Kê cân" của Tào Tháo và chuyện buông bỏ VNEN

26/07/2017 07:39
Thanh An
(GDVN) - VNEN đã không phù hợp và kém hiệu quả khi đưa vào áp dụng… Vậy, một số địa phương còn tiếc để làm gì?

LTS: Nhằm phản ánh những bất cập của ngành giáo dục trong việc thực hiện chương trình học VNEN, thầy giáo Thanh An cho rằng việc dừng hay tiếp tục thì người trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các em học sinh.

Đồng thời, thầy giáo cũng đặt ra câu hỏi "Vì sao, VNEN đã không phù hợp và kém hiệu quả khi đưa vào áp dụng… vậy mà một số địa phương còn tiếc để làm gì?".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói đến thời điểm này, khi mà năm học 2017-2018 chuẩn bị diễn ra, đã có nhiều địa phương tuyên bố dừng dự án mô hình trường học mới (VNEN) thì vẫn còn nhiều địa phương chưa dám buông bỏ. 

Có những địa phương, các công ty phát hành sách chào mời các trường bằng hình thức chuyển hộp thư điện tử từ Sở về các đơn vị và Sở vẫn hướng dẫn duy trì mô hình dạy học này đối với những đơn vị đã triển khai.

Phải chăng một số địa phương chưa thấy hết được những hạn chế, những điều chưa phù hợp hay vẫn còn tiếc những “công sức” gây dựng, tập huấn giáo viên trong thời gian qua?

Mô hình dạy học VNEN vẫn đang gây tranh cãi tại nhiều địa phương hiện nay (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Mô hình dạy học VNEN vẫn đang gây tranh cãi tại nhiều địa phương hiện nay (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Giờ đây, VNEN dừng hay tiếp tục đều để lại một sự bất cập lớn cho ngành giáo dục, nhất là đối với cấp trung học cơ sở.

Nếu cứ tiếp tục, khi các em học sinh lớp 9 bước vào kì thi chuyển cấp sẽ vô cùng khó khăn khi mà kỳ thi này vẫn tổ chức hình thức thi chung. 

Trong khi mô hình trường học mới hướng tới hình thức làm việc nhóm, phát triển tư duy cho học sinh. Còn cách dạy truyền thống vẫn đơn thuần là truyền đạt kiến thức từ người thầy. 

Lượng bài kiểm tra nhiều, các em sẽ làm độc lập hơn, dễ dàng thích nghi với các kỳ thi mà Bộ đang tổ chức. Nhưng, nếu dừng lại và bỏ ngang thì một bộ phận học sinh lại quay lại với cách học truyền thống, bắt đầu làm quen với phương pháp và cách học mới.

Vì thế, dừng hay tiếp tục thì người trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các em học sinh đã và đang theo học chương trình VNEN.

Nhiều địa phương vẫn chưa muốn dừng hẳn chương trình VNEN vì đã đầu tư cho cơ ở hạ tầng, tập huấn cho hàng ngàn giáo viên, rồi sách tài liệu. Mấy năm trời luôn nói về những ưu điểm, những cái hay, cái mới của VNEN thì giờ đây bỏ cũng rất khó ăn nói với phụ huynh. 

Ngay trong năm học vừa qua, nhiều địa phương đã mở rộng mô hình dạy học này một cách rầm rộ. Hàng loạt giáo viên được đưa đi tập huấn, cơ sở vật chất được đầu tư và đến cuối năm học đã có chủ trương cho các trường đăng kí sách chương trình dạy VNEN cho năm học 2017-2018. Vì thế, nhiều trường đã cho học sinh đăng kí mua sách…bây giờ biết làm sao?

Lệnh "Kê cân" của Tào Tháo và chuyện buông bỏ VNEN ảnh 2

"Tôi có mấy kiến nghị VNEN gửi Bộ Giáo dục"

Chúng ta đều biết rằng việc triển khai mô hình dạy theo VNEN có nhiều điều bất cập. Rầm rộ tiến hành ở các địa phương rồi đến khi phụ huynh, học sinh ở một số địa phương phản đối thì Bộ lại nói là không bắt buộc.

Sự triển khai dở dang đó phải chăng còn có nhiều những uẩn khúc bên trong? Khi mà chúng ta chưa chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và học tập còn nhiều khó khăn, thi cử còn nặng nề thì việc triển khai mô hình này đâu có thể đem lại hiệu quả như những gì mà Bộ Giáo dục nói ban đầu.

Điều mà lãnh đạo ngành và địa phương không thấy được đó là những hạn chế của mô hình VNEN. Học sinh nào có học lực yếu thì ngày càng yếu vì trong các bài giảng giáo viên chỉ là người hướng dẫn cho các em làm bài tập và thảo luận nhóm.

Vì vậy, những em học được thì có thể trao đổi, phát biểu còn những em học yếu thì không có cơ hội để tiến bộ. Giáo viên cũng khó có thể bồi dưỡng, kèm cặp được. 

Điểm số lấy điểm theo nhóm thì nhóm nào làm tốt thì điểm cao. Cuối năm cũng không thể nào đánh giá được sự học thật của các em. Một bài thi cuối kì không nói lên được bản chất của cả quá trình học tập của học trò.

Khi giáo viên phản ánh tình hình học tập của học sinh với lãnh đạo ngành thì lãnh đạo nói: “Lâu nay, thầy cô cứ bảo học sinh thụ động thì mô hình trường học mới sẽ giúp cho học sinh không thụ động nữa còn phản đối cái gì”. 

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy mới cảm nhận rõ những khó khăn của giáo viên. Trong một tiết dạy (khoảng mấy chục phút) với những đơn vị kiến thức đã định sẵn làm sao giáo viên có thể trao hết cơ hội cho học trò một lớp. 

Hơn nữa, khi đã phân công làm việc nhóm thì nhóm có quyền cử đại diện trình bày. Nếu cử một bạn nhiều lần không dám, hoặc không có khả năng trình bày thì làm sao có thể phát huy sự chủ động cho học trò?

Lệnh "Kê cân" của Tào Tháo và chuyện buông bỏ VNEN ảnh 3

Ý kiến xác thực của các thầy hiệu trưởng ở những trường đã nói không với VNEN

Hạn chế của VNEN chúng ta đã thấy rõ và cũng đã có nhiều địa phương dừng lại mô hình dạy học này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa dám buông bỏ nó, chưa dám thừa nhận thất bại của mô hình dạy học này.

Từ câu chuyện VNEN, chúng ta lại liên tưởng đến Tào Tháo và Khổng Minh đối địch nhau ở Tà Cốc trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. 

Lúc bấy giờ, Tào Tháo có hàng chục vạn quân binh nhưng vì Tà Cốc là một cửa ải có địa hình hiểm trở nên quân Tào đánh mãi mà không qua được nên khiến ông buồn phiền, chán nản. 

Tướng dưới trướng có người đề nghị rút quân nhưng Tào Tháo dùng dằng chưa quyết. Tối nọ, một viên tướng gác đêm bước đến xin mệnh lệnh đúng vào lúc Tào Tháo đang cầm trong tay chiếc chân gà, miệng lẩm bẩm “kê cân, kê cân” (kê cân nghĩa là gân gà). 

Viên tướng đem khẩu lệnh trên báo cáo với Dương Tu. Dương Tu bèn lệnh cho quân thu dọn chuẩn bị rút lui. Nửa đêm khó ngủ, Tào Tháo dậy đi kiểm tra quân tình thì được biết quân lính đang thu dọn để rút quân. Hỏi ra thì đó là lệnh của Dương Tu.

Đáp lại sự trách mắng của Tào Tháo, Dương Tu trả lời: “Thừa tướng đã ban mệnh lệnh “kê cân” nghĩa là gân gà. Mà gân gà thì dai nhách có ăn được đâu, bỏ thì tiếc mà ăn thì chẳng có vị gì”.

Thôi thì, VNEN đã không phù hợp và kém hiệu quả khi đưa vào áp dụng… Vậy, một số địa phương còn tiếc để làm gì?

Thanh An