Xung quanh những điểm mới tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ đã cho độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam biết những quan điểm mà theo ông Bộ GD&ĐT cần khắc phục ngay.
Ông cũng đồng thời có nhiều chia sẻ, gợi ý và động viên dành cho các em học sinh trước kỳ thi quan trọng này.
Mơ hồ về hai kỳ thi
PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, tách riêng chuyện Quy chế tuyển sinh thì vấn đề cơ bản nhất Bộ GD&ĐT vẫn bảo thủ. Cụ thể, Bộ GD&ĐT chưa phân định rõ vấn đề “hai trong một” của kỳ thi quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì thực tế đánh giá bậc phổ thông khác với đánh giá để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
“Có thể ở mức phổ thông tỷ lệ đạt 99%, nhưng tuyển sinh là công cua, tức là cần bao nhiêu và còn phụ thuộc vào số học sinh tham gia kỳ tuyển sinh. Trong tuyển sinh còn yêu cầu rõ về năng lực các ngành liên quan. Do đó hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau” PGS. Nhĩ cho biết.
Theo PGS. Trần Xuân Nhĩ, nếu Bộ thấy được sự khác nhau giữa hai kỳ thi này thì lúc đó mới thấy được nguồn đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng. Câu chuyện này là hệ quả từ việc có các cụm thi ở địa phương, không như năm trước, năm nay mỗi tỉnh, thành một cụm thi và ở địa phương vẫn có cụm thi dành cho học sinh chưa có nhu cầu đào tạo ngay.
“Cách tổ chức thi như vậy dẫn đến phân biệt đối xử. Chuyện học sinh muốn hay không muốn đi học ngay là chuyện của học sinh, còn đúng theo luật là tốt nghiệp phổ thông có quyền đi học chỗ này, chỗ kia (học trường này, trường khác - PV), thực hiện hai loại cụm thi như của Bộ đưa ra là phân biệt đối xử ngay khi học sinh mới tốt nghiệp THPT” PGS. Nhĩ khẳng định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ. Ảnh của Xuân Trung |
Như quan điểm trên của nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ngoài chuyện phân biệt đối xử giữa hai loại cụm thi thì còn xảy ra chuyện lãnh đạo các cơ sở giáo dục ở địa phương - người chịu trách nhiệm chính đối với giáo dục phổ thông thì lại không rõ trách nhiệm khi có hai loại cụm thi. Hay nói như PGS. Nhĩ là tước bỏ quyền của lãnh đạo các sở giáo dục.
Khẳng định lại, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cách làm mà Bộ GD&ĐT áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2016 không tránh khỏi tốn kém cho xã hội.
“Xuất phát từ chuyện Bộ GD&ĐT rất mơ hồ về hai kỳ thi, trong khi tính chất của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là đánh giá trình độ phổ thông, tức là đánh giá tất cả những kiến thức phổ thông mà học sinh phải biết. Bất cứ một công dân nào cũng phải đạt trình độ phổ thông để mà sống.
Chính thức công bố Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016(GDVN) - Chiều 14/3, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. |
Nhưng vấn đề này Bộ vẫn mơ hồ và vẫn lẫn vào chuyện tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, từ khâu tổ chức cũng rất mơ hồ và tốn kém. Đề thi ở trình độ phổ thông là đánh giá một cách toàn diện, nhưng với cách ra đề như của Bộ theo môn là phiến diện.
Đây là vấn đề không chỉ trong kỳ thi mà ngay học ở phổ thông từ lớp 10, thậm chí ở các lớp nhỏ hơn học sinh khẳng định chỉ học tiếng Việt (Ngữ văn), Ngoại ngữ, Toán và chọn lấy một hướng.
Như vậy kiến thức là không toàn diện, nhưng Bộ lại mơ hồ nói thi 8 môn và cho học sinh lựa chọn. Thực tế là Bộ lừa người khác, gọi là 8 môn nhưng với từng học sinh chỉ là 4 môn mà thôi. Nếu học không toàn diện thì một con người ra đời đi làm việc thì hình dung sẽ như thế nào?
Cách đi của Bộ là một tác hại tới đào tạo nguồn nhân lực và Bộ chưa nhận ra tác hại đó, vẫn vương vấn giữa tuyển sinh đại học và thi tốt nghiệp THPT” nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặt câu hỏi.
Từ những sai lầm như vậy, PGS. Trần Xuân Nhĩ nhận định mùa tuyển sinh 2015 đã tạo nên tỷ lệ ảo rất lớn, lộn xộn trong thi cử xuất hiện nhiều. “Năm nay Bộ nghĩ rằng những đổi mới sẽ có sự thay đổi, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ vẫn lộn xộn.
Bởi vì tỷ lệ ảo còn liên quan tới công tác hướng nghiệp ở phổ thông. Không có ai khi thi mà không có định hướng hoặc định hướng dựa trên số điểm đạt được.
Lắm lúc tôi cũng thử đặt mình vào vị trí của học sinh phổ thông, cho tôi 6 nguyện vọng thì tôi cũng không biết vào nguyện vọng nào, đợt 1 vài nguyện vọng, đợt bổ sung vài nguyện vọng thì làm sao không chồng chéo và ảo rất nhiều?
Điều đó là không cần thiết, một khi con người được định hướng nghề nghiệp, được tư vấn kỹ lưỡng thì việc lựa chọn công việc học tập chỉ cần một vài trường là đủ, và học sinh sẽ theo đuổi nguyện vọng đó” PGS. Nhĩ nhận định.
Để hạn chế được tỷ lệ thí sinh ảo, năm 2016 Bộ GD&ĐT chính thức cho các trường tuyển sinh theo nhóm. Nhận định về quy định này, PGS. Trần Xuân Nhĩ đồng tình và cho rằng, đây là giải pháp tốt. Tuy nhiên với nhiều nguyện vọng ở các đợt xét tuyển chắc chắn sẽ vẫn có tỷ lệ ảo.
“Với nhóm trường cơ may vào các trường đại học học, cao đẳng đối với thí sinh tham gia xét tuyển vào nhóm trường sẽ cao hơn, đồng thời tỷ lệ ảo cũng giảm đi. Nhưng quan trọng nhóm trường phải được Bộ đưa ra tiêu chí cụ thể, nhóm trường theo chuyên môn hay theo vùng, nếu vùng thì đến mức độ nào.
Một khi có nhóm trường thì sẽ lọt một số trường đơn (trường không tham gia liên kết nhóm) và không dè chừng sẽ sinh ra câu chuyện lộn xộn tiếp theo. Như vậy, nhóm trường ở đây phải có vai trò của Bộ, Bộ không thể để cho các trường tự liên kết nhóm theo hình thức tự nguyện” PGS. Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
Trước câu chuyện thực tế của mùa tuyển sinh năm 2016, trong các đợt xét tuyển thí sinh sẽ không được rút điều chỉnh hồ sơ, tránh gây xáo trộn. Tuy nhiên, điều này có tạo nên áp lực và bài toán ăn may cho học sinh hay không?
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, điều này lại phải cần tời sự tư vấn của các trường phổ thông, tư vấn dựa trên quá trình đào tạo để học sinh thấy được năng lực của mình và lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất, tránh lãnh phí nguyện vọng.
Các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo nhóm phải chờ “lệnh” của Bộ GD&ĐT |
“Thời gian này là trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh phải định hướng, tư vấn cho con em, học sinh mình nên đi theo ngành nghề phù hợp với năng lực, công tác này ở ta đang yếu. Thứ nữa, tùy vào lực của học sinh nên tư vấn đi vào từng loại trường để cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Một học sinh học giỏi có thể đăng ký vào một trong tốp, nhưng một học sinh học lực yếu, trung bình mà đăng ký vào trường cao thì đương nhiên là không đỗ. Bản thân học sinh phải suy nghĩ kỹ theo tinh thần biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” PGS. Nhĩ nhắn tới thí sinh.
Thông tin mới năm nay Bộ GD&ĐT cho phép ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với bậc cao đẳng chỉ là tốt nghiệp THPT. Nhưng câu chuyện này PGS. Trần Xuân Nhĩ chưa bàn, điều đáng nói vì sao Bộ GD&ĐT vẫn quy định “ngưỡng đảm bảo chất lượng”?
“Học sinh tốt nghiệp phổ thông, theo luật là được đi học tiếp. Chính nhà trường là nơi xác định ngưỡng chứ không phải Bộ là nơi xác định ngưỡng, phải chăng Bộ muốn mình có một quyền hành ở đây? Điều đó tôi không bình luận” PGS. Nhĩ cho biết.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ mong các em học sinh bình tĩnh, tự tin, quan trọng phải biết mình đang ở đâu và học lực như thế nào. Biết mình theo PGS. Nhĩ đó là cảm thấy mình hứng thú, thích với một ngành nào đó. Mình có thích thú thì mình mới hăng hái trong học tập.