LTS: Xung quanh vấn đề bằng đại học tại chức sẽ có giá trị giống như bằng đại học chính quy đang xảy ra nhiều ý kiến trái chiều.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết của giảng viên Hà Dung chia sẻ quan điểm lo ngại về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo, đánh giá đúng và công khai chất lượng từng hình thức đào tạo.
Nếu chất lượng hệ chính quy và tại chức không giống nhau mà lại được cấp cùng một loại văn bằng thì sẽ gây nên nhiều hệ lụy.
Hiện tại chắc chắn có sự chênh lệch
Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi.
Nếu đánh đồng hai hệ đào tạo chính quy - tại chức khi chưa có sự kiểm duyệt chính xác thì chắc chắn sẽ sảy ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn |
Theo đó, tại điều 6 của dự thảo luật này có quy định về cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (bao gồm hệ vừa học vừa làm, hệ giáo dục thường xuyên) được chuyển thành tập trung và không tập trung.
Như vậy có nghĩa là hai loại hình này chỉ khác nhau về phương thức đào tạo, còn các vấn đề như chương trình, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ hoàn toàn giống nhau.
Bằng tại chức không sai, sai ở người đào tạo |
Thiết nghĩ, trước khi có sự “cào bằng” này cần phải có sự đánh giá một cách chính xác và khách quan nhất về chất lượng của từng hệ đào tạo.
Hiện tại cần phải khẳng định rằng chất lượng của hệ tại chức không thể ngang hàng với hệ chính quy.
Có thể lời khẳng định này sẽ thiếu tính thuyết phục bởi chưa có một công thức đo lường nào được áp dụng.
Nhưng chỉ cần nhìn vào cách thức tuyển sinh, phương thức đào tạo, nội quy học tập cũng đủ thấy có sự khác biệt rõ nét.
Ngay đầu vào của 2 hệ đào tạo này cũng có sự khác biệt. Để được vào học tại một trường đại học hệ chính quy, thí sinh phải trải qua kỳ thi khắt khe, trong khi đó thi hệ tại chức thì lại vô cùng đơn giản.
Chương trình học của hệ chính quy cũng có sự bài bản và nghiêm túc hơn tại chức rất nhiều.
Về nội quy học đường, ắt hẳn chỉ cần ai đó đã từng tham gia vào một lớp học tại chức sẽ thấu hiểu rõ nét nhất cách học và cách thi của hệ tại chức và hệ chính quy có sự chênh lệch cao như thế nào?
Tôi từng nghe một người tham gia chương trình học tại chức kể lại, việc đi học chỉ để điểm danh.
Còn khi thi cử thì chẳng có hội đồng coi thi nghiêm túc. Trong phòng thi, thí sinh tha hồ quay cóp, thậm chí để xảy ra tình trạng thi hộ, thi thay cũng chẳng bị phát hiện.
Vậy nên, ngay thời điểm này chưa thể có một sự đánh đồng, cào bằng hai hệ đào tạo đang có sự chênh lệch vô cùng lớn này làm một được.
Phải chuẩn bị nghiêm túc và thành thật với chất lượng đào tạo
Vấn đề quy đổi hai hệ đào tạo này thành một chỉ có thể được áp dụng khi chất lượng đào tạo ngang hàng nhau. Để làm được điều đó cần phải mạnh dạn, nghiêm túc và thành thật với chất lượng đào tạo.
Tại chức - Chính quy, cứ thi là biết ngay năng lực |
Cần phải trả lời các câu hỏi sau trước khi quyết định đánh đồng 2 hệ đào tạo này:
Thứ 1: Hệ đào tạo tại chức yêu cầu tuyển sinh có khắt khe hay không?
Thứ 2: Phương thức tuyển sinh có đánh giá chất lượng sinh viên ngang hàng với hệ chính quy hay không?
Thử 3: Chương trình đào tạo hệ tại chức có kỹ càng và được kiểm duyệt một cách khắt khe hay không?
Thứ 4: Đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, hạ tầng của hệ đào tạo tại chức có đảm bảo yêu cầu về chất lượng hay không?
Thứ 5: Chuẩn đầu ra đối với hệ tại chức đã ngang hàng với hệ chính quy hay không?
Và điều then chốt nhất là các câu trả lời trên phải được đánh giá một cách khách quan, chính xác, chứ không phải là gian dối như một số chất lượng thi cử của hệ tại chức hiện nay.
Đừng đẩy trách nhiệm kiểm duyệt chất lượng cho nhà tuyển dụng
Vẫn biết rằng, hệ đào tạo nào cho ra đời những công dân tốt, làm việc hiệu quả thì đó là sự thành công.
Giáo sư Đào Trọng Thi không chọn những người học tại chức làm giảng viên |
Nhưng nếu đánh đồng khi chưa có sự kiểm duyệt chính xác thì chắc chắn sẽ xảy ra nhiều hệ lụy.
Nhiều cơ quan hiện nay tấm bằng đại học chỉ là tấm vé thông hành để các lãnh đạo (chưa có bằng) hợp thức hóa các thủ tục để “leo cao” mà thôi.
Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn họ sẽ rất ít chú trọng đến tấm bằng đẹp đẽ mà họ chỉ quan tâm người được tuyển dụng có làm được việc hay không?
Nhưng để lọt vào mắt nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên thì vẫn là tấm bằng (đối với sinh viên mới tốt nghiệp).
Vậy thì việc đánh đồng hai hệ đào tạo khi chưa có chất lượng đào tạo ngang hàng nhau này đã vô tình đẩy trách nhiệm kiểm duyệt về cho nhà tuyển dụng.