Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề xuất nhiều nội dung quan trọng như: Tăng lương cho giáo viên, nâng chuẩn giáo viên tiểu học, miễn giảm học phí đến bậc trung học cơ sở…
Đưa ra ý kiến tại Hội thảo góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 7/12, Phó giáo sư Phạm Bích San - Viện nghiên cứu tư vấn phát triển tán thành việc Bộ Giáo dục và Đào tạo mạnh dạn đưa vào luật vấn đề xếp hạng lương nhà giáo cao nhất thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Tuy nhiên, ông San cũng cho rằng:
“Việc đưa vấn đề lương vào luật nghe ra rất an ủi cho các thầy cô giáo.
Nhưng tình trạng cô giáo mầm non sau 30 năm công tác nhận lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng/tháng thì điều này không an ủi được gì nhiều.
Chúng ta đang đưa ra những điều vĩ đại nhưng thực tế lại không có”.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Chính vì vậy, Phó giáo sư Phạm Bích San cho rằng ngành giáo dục chỉ nên tập trung vào một số việc cụ thể để giải quyết.
Ví dụ như cần thiết phải thành lập trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân có chỗ gửi con.
Hiện nay, nhiều khu công nghiệp đang “trắng” trường mầm non. Con em công nhân phải gửi ở những nhóm lớp tự phát thiếu nghiệp vụ, thiếu an toàn.
Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trẻ làm dậy sóng dư luận nhiều năm qua.
Đồng thời ông khuyến cáo rằng:
“Làm sao để các văn bản dưới luật, các nghị định, hướng dẫn cũng phải ghi rõ hướng làm và cách triển khai để đạt được mục đích lương nhà giáo đạt cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Nếu không, giáo viên khó có thể tin tưởng được”.
Cũng liên quan đề xuất lương nhà giáo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia cho rằng, đó là một điều khó thực hiện.
Tăng lương giáo viên, miễn học phí thành điểm nóng góp ý sửa Luật Giáo dục |
“Tôi chỉ mong lương giáo viên bằng mức lương của thiếu úy cảnh sát giao thông. Làm sao có thể cao nhất được”, ông Dũng đề xuất.
Góp ý thêm về dự thảo Luật giáo dục, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn cho rằng, dự thảo Luật đưa ra mục tiêu giáo dục là:
“...phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu xây dựng bảo vệ tổ quốc, yêu cầu hội nhập quốc tế. Tôi nói thẳng, đây là mục tiêu của... anh hùng lao động. Nó quá to tát, quá vĩ mô.
Kỳ thực, tôi chỉ mong học sinh của chúng ta trở thành những người lương thiện trước khi trở thành người tài”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) lại cho rằng, đi đôi với việc quan tâm đến tiền lương giáo viên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế để thu hút người giỏi vào trường sư phạm.
“Bộ “máy cái” là các thầy cô có giỏi, mới nói đến đổi mới giáo dục được” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Đề xuất để thực hiện được Chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các trường phổ thông nhất thiết phải được quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức, tài chính và nhân sự.
Chứ như hiện nay trường phổ thông là những trường tuân thủ chi tiết từ trên xuống dưới mà không có chút tự chủ nào trong việc tuyển dụng giáo viên hay dạy học. Do đó rất khó để thực hiện chương trình mới.
“Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập tới điều này.
Tôi đề nghị mở rộng quyền tự chủ không chỉ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học mà cần nói chung cho các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Tất nhiên sẽ quy định mức độ tự chủ từng cơ sở sẽ khác nhau, nhưng trường phổ thông phải được quyền tự chủ, và việc đó phải được cụ thể hóa trong điều lệ nhà trường phổ thông sau này" - ông Tiến nêu cụ thể.