Tờ trình về dự thảo sửa Luật Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ nêu:
Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng.
Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh cấp trung học cơ sở trường công lập.
Về vấn đề này, tại hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, bà Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kỳ Lâm (Tuyên Quang) chia sẻ rằng:
“Hiện chúng tôi có khoảng 700 học sinh nhưng mỗi năm thường thất thu học phí khoảng 100 em học sinh. Những em nghèo được miễn, được Nhà nước hỗ trợ chi trả học tập.
Tuy nhiên, có những em không nghèo nhưng còn… nghèo hơn cả các em diện hộ nghèo. Vì sao? Vì cha mẹ các em lao động tự do, thường làm ăn xa, li hôn, li thân hoặc mất sớm.
Các em ở với người thân như ông bà làm công nhân nhưng lại không được liệt vào hộ nghèo, không được hưởng chế độ nào cả”.
Bà Hương cho hay, nhà trường thất thu với các trường hợp này. Do vậy chính sách miễn học phí chắc chắn sẽ được không chỉ giáo viên chúng tôi mà tất cả phụ huynh, học sinh ủng hộ.
“Chúng tôi chỉ thu học phí 50.000 đồng/ tháng nhưng đối với người dân nghèo, lao động tự do thì số tiền này là cả vấn đề", bà Hương giãi bày.
Ông Sầm Văn Du – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho rằng, chính sách miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở là chính sách có nghĩa nhân văn rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học và nuôi con đi học. (Ảnh: Xuân Trung) |
Đồng tình với ý kiến này, ông Sầm Văn Du – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho rằng:
“Miễn học phí cho học sinh bậc Trung học cơ sở giúp tạo hành lang cơ chế chính sách để thực hiện tốt phổ cập giáo dục cơ sở, phù hợp tinh thần phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng học sinh.
Đây sẽ là chính sách có nghĩa nhân văn rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học và nuôi con đi học”.
Bộ Giáo dục muốn miễn học phí tới cấp trung học cơ sở |
Dẫn lại số liệu thống kê trong một cuộc hội thảo trước đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ thông tin:
"Học phí bậc trung học cơ sở thu không lớn, mỗi năm cả nước thu 2.000 tỷ đồng nếu chia cho 63 tỉnh thành thì không nhiều nên việc miễn giảm rất nên làm".
Đối với vấn đề miễn học phí tới cấp trung học cơ sở, nhiều đại biểu các địa phương khẳng định đây là chính sách tốt sẽ giúp phổ cập giáo dục trung học cơ sở cũng như phân luồng học sinh sau trung học cơ sở nhưng cũng cần tính toán tới phần hụt ngân sách của các trường.
Liên quan đến vấn này, ông Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đề xuất:
"Miễn học phí thì phần thu của nhà trường bị giảm. Hiện nay tỉ lệ là 40-60, nhà trường được 60% các khoản thu từ học phí do đó miễn 1 cái là nhà trường giảm thu.
Theo cơ chế phân bổ các nhà trường là cứ 18-82 (18% chi cho hoạt động giáo dục, 82% chi thường xuyên).
Đây là câu chuyện cần tính trước, đưa phương án hỗ trợ vào văn bản để các nhà trường không thiếu hụt nguồn ngân sách. Bằng không, muốn giúp giáo dục nhưng lại khiến các trường gặp khó", ông Đức phân tích.