Một Hiệu phó kiến nghị Bộ bỏ cụm, khối thi đua ở ngành giáo dục

30/05/2017 06:15
Hữu Sơn
(GDVN) - Chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Việc bình xét đánh giá mang tính chất chiếu lệ, hình thức.

LTS: Phản ánh tính hình thức, không có ý nghĩa thiết thực trong các cụm, khối thi đua trong ngành giáo dục, thầy Hữu Sơn, một Hiệu phó trường phổ thông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét sớm loại bỏ hoạt động này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cụm, khối thi đua trong lĩnh vực giáo dục đã có lịch sử tồn tại từ bao nhiêu năm nay.

Ở loại hình trường, cấp nào cũng đều có khối, cụm thi đua từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường chuyên biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo đến các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ngay từ đầu mỗi năm học, các cấp quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo) ban hành hướng dẫn cụ thể về hoạt động của khối, cụm thi đua bao gồm:

Trách nhiệm của khối trưởng, khối phó; trách nhiệm của các đơn vị thành viên thuộc khối thi đua; quy trình bầu chọn khối trưởng, khối phó và bình xét, chấm điểm thi đua; các thủ tục, hồ sơ và thời gian khen thưởng.

Thầy giáo Hữu Sơn kiến nghị bỏ cụm, khói thi đua ở ngành giáo dục. (Ảnh: tuoitre.vn)
Thầy giáo Hữu Sơn kiến nghị bỏ cụm, khói thi đua ở ngành giáo dục. (Ảnh: tuoitre.vn)

Trên cơ sở hướng dẫn ấy, khối trưởng, khối phó cùng các thành viên trong cụm, khối xây dựng quy chế hoạt động; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua giữa các đơn vị thành viên trong khối;

Thành lập tổ thư ký, phân công nhiệm vụ tổ thư ký để giúp việc cho khối; tổ chức kiểm tra chéo, đánh giá hoạt động và thực hiện các chỉ tiêu thi đua đề ra; tổ chức sơ kết học kỳ 1, tổng kết năm học, bình xét thi đua, khen thưởng…

Về chức năng, nhiệm vụ, cụm, khối thi đua hoạt động theo nguyên tắc tự giác, bình đẳng, công khai, đoàn kết, hợp tác và phát triển.

Có thể nói, về quy trình, cách thức thực hiện trên lý thuyết, mặt giấy tờ, sổ sách của các cụm, khối thi đua ở ngành giáo dục là khá bài bản, đầy đủ.

Nhưng trên thực tế lại không làm được như thế, nhiều nơi bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Một là, việc tổ chức, sắp xếp, phân chia các đơn vị tham gia vào khối, cụm thi đua ở một số địa phương chưa phù hợp, tương đồng nhau về đặc điểm, tình hình, cơ sở vật chất, chất lượng học sinh…

Một Hiệu phó kiến nghị Bộ bỏ cụm, khối thi đua ở ngành giáo dục ảnh 2

Sắp tới, những cuộc thi nào ở nhà trường sẽ bị chấm dứt?

Điều này đã ảnh hưởng đến việc xây dựng nội dung tiêu chí thi đua, bình xét, chấm điểm thi đua trong cụm, khối không thống nhất, gây khó khăn khi đánh giá, bình xét, chấm điểm giữa các đơn vị.

Hai là, một số lãnh đạo đơn vị nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự quan tâm, đầu tư, dành thời gian, công sức để hướng dẫn, thống nhất xây dựng tiêu chí chung trên cơ sở đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ cụ thể để các đơn vị, địa phương cụ thể hóa tổ chức xây dựng tiêu chí thi đua, cách bình xét, chấm điểm, bình bầu phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Từ đó, dẫn đến chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.

Do việc xây dựng các tiêu chí thi đua còn chung chung, chưa thể hiện những chỉ tiêu đăng ký cụ thể, những con số thực hiện cụ thể, chưa bám sát vào việc thực hiện, công việc của từng đơn vị, địa phương.

Cho nên khi bình xét đánh giá mang tính chất chiếu lệ, hình thức, các chỉ tiêu đánh giá còn mang tính định tính nhiều hơn định lượng.

Thực tế việc bình xét đề nghị tặng cờ thi đua ở một số cụm, khối thi đua mang tính chất luân phiên và trở thành “Cờ luân lưu” giữa các đơn vị, địa phương trong cụm, khối thi đua, do tập thể đề nghị khen thưởng chưa thật sự tiêu biểu nên ít có sức lan tỏa để nêu gương, học tập.

Ba là, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở nhiều đơn vị chưa phát huy hết vai trò trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các cụm, khối thi đua.

Các thành viên hội đồng thi đua, khen thưởng chưa thường xuyên quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động cụm, khối thi đua mà giao quyền này cho trưởng, phó cụm, khối thi đua thực hiện.

Chính vì vậy khi tổng kết và bình xét đơn vị dẫn đầu để đề nghị tặng Cờ thi đua, có tập thể chưa mang tính tiêu biểu do có sự nể nang, nhường nhịn nhau nên khi trình cấp có thẩm quyền không được xem xét, xét tặng.

Bốn là, khối lượng công việc của các cơ sở giáo dục bây giờ quá nhiều, hằng ngày thường có từ một, thậm chí hai, ba công văn của cấp trên dội xuống yêu cầu phải làm báo cáo, tờ trình gửi lên trên, nếu chậm trễ thì bị nhắc nhở, phê bình.

Một Hiệu phó kiến nghị Bộ bỏ cụm, khối thi đua ở ngành giáo dục ảnh 3

Những cuộc thi, hội thi kì cục

(GDVN) - Không mấy khi người ta tổ chức thi vào giai đoạn cuối cùng của năm học bởi lúc này chỉ còn sót lại một số bài ôn tập, bài đọc thêm...

Ngoài ra, họ còn phải lo nhiều khác như dạy học, quản lý học sinh, nhà trường nữa trong bối cảnh giáo dục có nhiều cải tiến, đổi mới.

Vì thế, cán bộ, lãnh đạo làm công tác thi đua khen thưởng ít có thời gian và không mấy mặn mà để làm tốt nhiệm vụ mang tính chất tự nguyện - phối hợp này.

Các hội nghị khối, cụm thi đua ở đầu năm học thường “vẽ” ra trên giấy, trên báo cáo rất “đẹp” nhiều kế hoạch, hoạt động, công tác phối hợp trong khối, cụm thi đua.

Nhưng thực tế, chẳng làm, tổ chức được gì mấy, có đơn vị thì nhiệt tình, có đơn vị thì thoái thác (lấy lý do hạn chế kinh phí) mà không tham gia cũng không sao vì có ràng buộc, trừ điểm, cắt thi đua đâu (do nguyên tắc tự nguyện).

Cuối học kỳ 1, cuối năm học, các đơn vị, các trường nộp mấy báo cáo, số liệu, tự chấm điểm cho khối, cụm trưởng thế là xong hoặc có nơi cuối năm thêm một hội nghị nữa, chủ yếu đọc báo cáo, kết quả, thành tích chung của khối, cụm thi đua, sau đó là liên hoan vui vẻ…  

Nhiều đơn vị, thầy cô giáo thừa nhận: “Thi đua cụm, khối ở các loại trường, các cấp quản lý hiện nay đúng là hình thức, gây lãng phí, tốn kém.

Đơn vị, trường nhiều điểm cũng như đơn vị, trường ít điểm (tự chấm). Còn những danh hiệu, hình thức khen thưởng thì “luân phiên” nhau nhận.

Có đơn vị chẳng màng đến thi đua, khen thưởng của khối, cụm, vì quá mệt mỏi với một mớ yêu cầu về biểu mẫu, báo cáo để được khen thưởng”.

Từ những hạn chế, tồn tại trên của hoạt động khối, cụm thi đua, có ý kiến cho rằng: đã đến lúc cần “khai tử” hình thức thi đua cụm, khối ở các loại hình trường và các cấp quản lý giáo dục.  

Hơn nữa, hình thức thi đua mang tính chất tự nguyện, tập thể này đặt trong bối cảnh hiện nay xem ra không còn phù hợp nữa.

Đồng thời nó có phần thừa thãi, trùng lặp về bản chất, nội dung khi mà các đơn vị, các cơ sở giáo dục từng năm học đã có đăng ký các hình thức và danh hiệu thi đua ở những cấp quản lý giáo dục và nhà nước rồi.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp quản lý giáo dục sớm cần xem xét, cái nào ích nước, lợi nhà thì giữ gìn, phát huy, cái nào hình thức, vổ bổ, lãng phí như sáng kiến, các cuộc thi, hội thi không cần thiết hay hoạt động khối, cụm thi đua này thì nên bỏ càng sớm càng tốt.

Hữu Sơn