Một thầy “3 vai” làm sao tuyển được học sinh giỏi nhất?

21/02/2019 06:28
Đỗ Quyên
(GDVN) - Không ít trường chuyên hiện nay, mới chỉ tuyển được học sinh đạt điểm thi đầu vào cao nhất chứ chưa hẳn là học sinh giỏi nhất, thông minh nhất, có tố chất nhất

Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông không nằm ngoài mục đích tuyển được những học sinh giỏi nhất.

Nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. 

Thế nên, Luật Giáo dục (sửa đổi) bổ sung sẽ quy định về trường chuyên (Điều 61) cũng làm rõ hơn về đối tượng vào học trường chuyên.

Theo Chính phủ, trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Theo Chính phủ, trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Quy định nhấn mạnh, học sinh vào học trường chuyên phải là học sinh có tư chất thông minh, có kết quả xuất sắc trong học tập.

Làm thế nào để tuyển được những học sinh thật sự nổi trội, có tư chất thông minh như thế? Điều này, cũng không phải dễ dàng gì.

Không ít trường chuyên hiện nay, mới chỉ tuyển được học sinh đạt điểm thi đầu vào cao nhất chứ chưa hẳn là học sinh giỏi nhất, thông minh nhất, có tố chất nhất.

Bởi, cách mà không ít trường chuyên đang làm có nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho một số giáo viên quá thực dụng làm tiền.

Thầy dạy chuyên mở lớp ôn thi vào trường chuyên

Cô bạn gọi điện bức xúc “Con mình trượt trường chuyên rồi cậu ạ. Mình đã không nghe lời nhiều thầy cô khuyên tìm thầy dạy chuyên ôn thi cho cháu”.

Tôi biết cậu bé Dũng con của bạn là học sinh học giỏi nổi tiếng của trường trung học cơ sở.

Mới học lớp 8 nhưng cậu bé đã có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi lớp 9 và ẳm luôn giải nhất môn Toán của tỉnh.

Có lẽ vì quá tự tin về con nên bạn tôi đã không tìm thầy dạy chuyên ôn cho con. Thế là, cậu bé đã mất cơ hội vào ngôi trường mình mơ ước.

Bạn tôi nói rằng “Nó trượt mình buồn ít hơn việc con thi bị 3 điểm môn Toán. Thế là một số người có cơ hội bài xích vì cho rằng con học giỏi trước nay là do thầy cô ưu ái vì có ba mẹ dạy cùng trường”.

Câu chuyện trượt trường chuyên con của bạn không phải là cá biệt.

Người "đóng nhiều vai" trong kỳ thi học sinh giỏi khá phổ biến biến ở địa phương

Vào mỗi mùa thi vào chuyên, người viết bài vẫn thường hay nhận được những cuộc gọi như thế.

Cùng với đó là những thông tin về cách ra đề, ôn thi và tuyển học sinh vào một số trường chuyên.

Có điều chỉ dừng lại những câu chuyện kể bên lề, người kể lại không muốn làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng với tâm lý “sợ rắc rối cho bản thân”.

Một thực tế dễ thấy nhất hiện nay, nhiều thầy cô giáo dạy chuyên đang mở lớp ôn thi cho học sinh thi vào chính ngôi trường mình đang dạy.

Người từ các huyện thị lũ lượt đổ về xin cho con được học. Thu nhập của nhiều giáo viên dạy chuyên luôn ở mức hàng trăm triệu đồng/tháng.

Để xin vào học những lớp này, đôi khi cũng phải nhờ cả sự quen biết.

Một số người khẳng định “Đề thi vào trường cũng những thầy cô giáo này ra và cũng chính họ nằm trong hội đồng chấm. Một nách 3 vai như thế muốn cho ai đậu mà chẳng được”.

Với học sinh giỏi, ôn thi đâu cần trúng đề kiểu sao y bản chính như các đối tượng học sinh khác mà chỉ cầu trúng dạng (hoặc gần giống dạng thôi) các em đã làm rất tốt rồi.

Trường chuyên chỉ toàn thấy...lợi bất cập hại

H.D một học sinh chuyên Toán bật mí “Nếu không đi ôn, cơ hội khó đỗ bởi vì thầy cô cho nhiều dạng lạ mà mình chưa bao giờ gặp lần nào.

Thế nên bạn thi điểm cao vào học đã chắc gì giỏi hơn bạn thi điểm thấp”.

Rồi em kể, mình may mắn đậu vào trường chuyên năm ấy và vô cùng ngưỡng mộ một bạn con của bác Chủ tịch tỉnh (bạn ấy thi thủ khoa đầu vào).

Thế nhưng chỉ sau một học kì, kết quả học tập của bạn kia nằm sâu tốp giữa mà H.D mới là người vươn lên dẫn đầu.

 Có nên tồn tại trường chuyên?

Chủ tịch hội đồng quản trị một trường tiểu học tại tỉnh Quảng Trị đề nghị giấu tên, cho biết:

“Nên bỏ trường chuyên ở các tỉnh mà chỉ nên tập trung 3 vùng miền 3 trường chuyên quốc gia là đủ. Trường chuyên ở các tỉnh thường bị thao túng nên ít tuyển được học sinh thật sự giỏi”.

Theo nhà giáo này, trường chuyên lại nhận sự ưu đãi lớn về ngân sách, về cơ sở vật chất …khoảng 70-80%  trong khi các trường phổ thông khác chỉ khoảng 20-25%.

 Một nghịch lý được thầy chỉ ra, do dạy ở trường chuyên định mức tiết dạy của giáo viên giảm nhưng thu nhập giáo viên tăng cao, dẫn đến nhiều giáo viên chạy vào trường chuyên để dạy.

Bỏ thi học sinh giỏi các cấp, trường chuyên lớp chọn trá hình sẽ hết đất sống

Vì thế, môi trường này nhiều khi không còn giáo viên giỏi mà nhường chỗ cho giáo viên có tiền.

Một số phụ huynh có tiền, có quyền cũng vì sĩ diện thích gắn mác trường chuyên vào con để giải quyết khâu oai nên muốn con vào chuyên bằng mọi cách…

Có lẽ vì thế, không ít học sinh từ trường chuyên nhưng thi đại học điểm lại thấp hơn rất nhiều so với những học sinh học ở nhiều trường bình thường khác.

Từ thực tế đó, Luật Giáo dục sửa đổi có nhấn mạnh quy định “học sinh vào học trường chuyên phải là học sinh có tư chất thông minh, có kết quả xuất sắc trong học tập” cũng sẽ khó đạt lắm thay.

Đỗ Quyên