LTS: Tổng hợp những ý kiến của bạn đọc về việc nên bỏ trường chuyên, thầy giáo Hữu Sơn cho rằng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét và sớm “khai tử” mô hình trường chuyên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết: “Nên bỏ trường chuyên” của tác giả Hữu Sơn, đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 26/12/2018 đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc cả nước.
Hầu hết các ý kiến, bình luận của độc giả ở dưới bài đều tán thành, ủng hộ quan điểm: nên bỏ trường chuyên của tác giả Hữu Sơn.
Tôi xin trích dẫn nguyên văn ra đây một số ý kiến, bình luận và đề xuất rất xác đáng của các độc giả về thực trạng mô hình trường chuyên.
Bạn Hằng Nga viết: “Đúng. Nên bỏ trường chuyên. Trường chuyên thể hiện sự bất bình đẳng ngay trong giáo dục.
Thực tế, học sinh trường chuyên hiện nay phần lớn là con cháu cán bộ và người có tiền ở các địa phương vào học. Thật chất, học sinh giỏi nhà nghèo cũng không vào được...”.
Các trường chuyên liệu có cần thiết nữa không? Ảnh mang tính minh họa: http://baoquangninh.com.vn |
Độc giả Trung Phong bày tỏ: “Bỏ trường chuyên đi là đúng rồi, rất hoan nghênh. Bệnh thành tích cũng từ đây. Học thêm tràn lan cũng từ đây. Hy vọng "hão huyền" của cha mẹ học sinh cũng từ đây.
Trường chuyên là phản giáo dục. Đây là chủ trương của mấy ông hoạt động phong trào lên làm quản lý ngành giáo dục.”
Ông Vinh Phú phân tích và đặt ra các câu hỏi với nhiều băn khoăn: “Có tỉnh chỉ 500.000 dân cũng lập trường Chuyên, có tỉnh miền núi heo hút cũng lập! Tỉnh nào cũng xác định đó là nơi “đào tạo nhân tài”.
Ta lắm nhân tài thế sao vẫn nghèo quá vậy? Bồi dưỡng nhân tài xong thì sử dụng nhân tài ra sao?
“Nuôi gà chọi” mà làm gì, huy chương mà làm gì khi điều kiện sử dụng và việc sử dụng nhân tài còn quá nhiều bất cập?
Nước Mỹ hùng mạnh nhất hoàn cầu, tiến trước ta hàng thế kỷ, hơn 300 triệu dân, mà có lấy một trường chuyên đâu. Họ dại hơn ta chăng?
Tại sao đã “phổ thông” mà còn “chuyên”? Tại sao lại bớt tiền bạc cho khối trường này để tập trung đầu tư cho khối trường kia?
Tính công bằng giáo dục ở đâu? Cũng là những đối tượng được hưởng nền giáo dục phổ thông, tại sao lại bớt cơ hội vào đời của học sinh này để tập trung cho học sinh kia?
Nếu có thì chỉ nên lập ở cấp khu vực để tập trung chỉ đạo, đầu tư cho ra đầu tư, trường ra trường. 3 nơi có thể lập trường Chuyên là Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.”
Vài chục năm trước, trường chuyên là đúng, còn bây giờ thì không |
Bạn đọc Trần Kim Thoan viết dài cả trang với lời văn đầy trăn trở:
“Tôi rất tán thành ý kiến của bài viết. “Chuyên” nghĩa là gì? Cái tên này cắt nghĩa sao khó quá.
Bao năm rồi, cái tên trường Chuyên sao vẫn có vẻ khó lọt tai quá? Nó tạo ra một cái gì mơ hồ. Mà đã mơ hồ là thực hiện chệch choạc.
Chẳng thà nó mang cái tên “năng khiếu” còn có thể chấp nhận được.
1, Đã Chuyên ban còn lập Chuyên làm gì? Nền tảng phổ thông không chăm lo, sao lại đi lo cái việc của Đại học?
2, Nguồn nhân tài trong giáo viên và học sinh ở mỗi tỉnh đều quá ít. Một khu vực rộng lớn mới có đủ nguồn nhân tài thực sự cho một trường Chuyên.
Không lẽ cứ vét cạn người giỏi (HS, GV) trong cả tỉnh để tập trung cho trường Chuyên hay sao?
3, Sự chỉ đạo và bồi dưỡng chuyên môn của Bộ và sự đầu tư của các tỉnh còn rất nhiều bất cập.Tỉnh nào mạnh thì đầu tư nhiều, nghèo thì đầu tư ít.
4, Nhân tài được sử dụng còn quá nhiều hạn chế. Khá giỏi và có tiềm lực kinh tế một chút là du học nước ngoài, rồi ở lại phục vụ người ta, những em có tâm huyết trở về phục vụ đất nước thì khó dùng được điều mình đã học.
Đào tạo công phu ở phổ thông nhưng đào tạo ở đại học lại rất đuối! Phổ thông thì coi trọng nhưng lên Đại học lại đại trà bình thường hoá tất cả. Vậy đào tạo Chuyên làm gì?
Những điều này khiến trường Chuyên từ lâu đã bị dị dạng, méo mó. Nhiều trường đã đánh mất mục tiêu cao cả, chỉ có mục tiêu “vào đại học”.
Phụ huynh Trung Kiên chia sẻ: “Con tôi học một trường bình thường nhưng dám chắc giỏi hơn học sinh trường chuyên.
Chẳng qua từ tiểu học cháu luôn đứng nhất khối toàn trường nhưng sang cấp 2 tôi không chọn trường chuyên cho con.
Cứ đúng tuyến gần nhà học, thầy cô trẻ trung dạy giỏi đầy ra ở ngôi trường "bình thường" này, sung sướng hạnh phúc!
Thấy cảnh chạy chọt đưa đón kẹt xe ngày này qua ngày khác như địa ngục cho con ôn luyện, được cái danh hão thật đáng thương, đậu xong đại học, tốt nghiệp thủ khoa còn thất nghiệp kia kìa, học trường chuyên lớp chọn hơn được đứa nào mà hãnh tiếng hão?”
Có thể nói, 4 ý kiến, tâm tư của 4 bạn đọc nêu trên cũng là tiếng lòng, tiếng nói chung nhiều thầy cô giáo, phụ huynh học sinh về mô hình trường chuyên hiện nay.
Đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét và sớm “khai tử” mô hình trường lớp này vì 40 năm qua nó gây lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân mà hiệu quả, tác dụng của nó quá nhỏ bé, thậm chí đã, đang gây ra nhiều hệ lụy xấu cho nền giáo dục (chạy chọt, tiêu cực, bệnh thành tích, bệnh khoe mẽ, háo danh…).
Nó thực sự không còn phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và toàn cầu.
Nhìn rộng ra khu vực và thế giới, chẳng có nước nào lại nhiều trường chuyên, lớp chọn như ở Việt Nam ta.
Mô hình giáo dục nào không còn hiệu quả thì Nhà nước, ngành giáo dục cần kiên quyết loại bỏ, đừng níu kéo, cố giữ nữa, chỉ thêm tội lỗi với con em và nhân dân.