Bỏ 14 lĩnh vực ra khỏi Hội thi KHKT sẽ tránh được tình trạng "làm hộ" học sinh

23/11/2023 09:36
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đại diện Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nên công khai báo cáo nghiên cứu của các đề tài dự thi cũng như đánh giá của ban giám khảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư ban hành quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Dự thảo Thông tư khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.

Giảm tải các nội dung “cao siêu” là đúng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam ủng hộ và đánh giá rất cao những điểm mới trong dự thảo sẽ đem lại nhiều thay đổi tích cực cho hội thi những năm tới.

“Giảm tải nội dung nghiên cứu sẽ gián tiếp giúp hạ nhiệt cuộc “chạy đua” hàn lâm đầy căng thẳng cho các em học sinh trung học phổ thông vốn đã không còn nhiều thời gian rảnh sau những giờ học chính khoá trên trường cũng như các buổi học thêm, luyện thi.

Về sự hỗ trợ đến từ các môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp như cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, tôi cũng không tán thành việc họ can thiệp vào quá trình hình thành ý tưởng hoặc thực hiện đề tài của học sinh, vốn rất dễ dẫn đến những hiện tượng tiêu cực và bất công.

Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá cao việc các nhà nghiên cứu góp ý và định hướng cho học sinh nhằm giúp các em khắc phục những nhược điểm của quy trình nghiên cứu.

Chúng ta cần tách bạch hai hình thức hỗ trợ này. Tôi tin rằng hình thức góp ý, định hướng nếu được thực thi một cách minh bạch và khách quan (người cố vấn không liên quan gì đến việc chấm thi) thì sẽ giúp học sinh học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho sự nghiệp tương lai của các em. Đồng thời cũng góp phần làm trọn vẹn mục tiêu và ý nghĩa của hội thi khoa học kỹ thuật”, đại diện nhà trường bày tỏ.

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam nhận giải thưởng trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2022-2023. (Ảnh: website nhà trường)

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam nhận giải thưởng trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2022-2023. (Ảnh: website nhà trường)

Về việc dự thảo bỏ 14 lĩnh vực như: Y Sinh và Khoa học Sức khỏe; Kỹ thuật Y Sinh; Sinh học tế bào và phân tử… theo vị này, đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm mục đích hạn chế hành vi “làm hộ" cho học sinh những đề tài nghiên cứu cao siêu.

“Nhưng tôi không nghĩ việc đánh giá và phân loại các đề tài là một bài toán đơn giản. Chẳng hạn, học sinh vẫn có thể triển khai một đề tài kỹ thuật y sinh vào lĩnh vực Sinh học, cũng như khai thác một đề tài kỹ thuật cơ khí vào lĩnh vực Vật lý.

Ngay cả giới làm khoa học chuyên nghiệp cũng rất hay tranh cãi về lằn ranh và giới hạn của từng lĩnh vực nghiên cứu. Đặc biệt là trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, nhiều sản phẩm khoa học và kỹ thuật đã đến từ vùng giao thoa giữa hai hay nhiều mảng nghiên cứu khác nhau”, đại diện Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên, Bắc Ninh cho rằng việc bỏ các nội dung về Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Y học chuyển dịch… là hợp lý. Bởi đây là những nội dung đòi hỏi phải có nghiên cứu chuyên sâu, máy móc và thiết bị phức tạp. Những máy móc đó về cơ bản các trường trung học phổ thông hiện nay chưa thể đáp ứng được.

“Những thiết bị về y sinh phục vụ nghiên cứu phải là các thiết bị cao cấp đặc biệt là máy phân tích hay kính hiển vi để phóng đại lên quan sát. Hiện nay, ở các trung tâm lớn những thiết bị này còn khó khăn chứ chưa nói đến các trường phổ thông.

Các lĩnh vực khác như điện, điện tử thì học sinh được học nên có thể thực hiện vừa sức với các em. Còn lĩnh vực lập trình, robot, AI... rất rộng. Với các kiến thức, tư duy dùng máy tính để xử lý, kết nối với các thiết bị kỹ thuật thì học sinh có thể thực hiện được. Nhưng các nghiên cứu, phân tích sâu hơn thì rất khó, học sinh phổ thông không thể đáp ứng được”, đại diện Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên, Bắc Ninh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị này những năm vừa qua, trong hội thi cũng xuất hiện nhiều đề tài mang tính hàn lâm, học thuật cao ngang tầm với luận án tiến sĩ. Điều đó gây ra không ít tranh cãi, ảnh hưởng đến uy tín của Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Chính vì thế, cần xem xét để các đề tài vừa sức với học sinh, có thể ứng dụng vào thực tế.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên, Bắc Ninh nhận giải ở cuộc thi cấp tỉnh. (Ảnh: website nhà trường)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên, Bắc Ninh nhận giải ở cuộc thi cấp tỉnh. (Ảnh: website nhà trường)

Cần công khai các tác phẩm tham gia hội thi

Là người trực tiếp hỗ trợ học sinh tham gia hội thi và từng đạt giải, đại diện Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam khẳng định các em học sinh dự thi sẽ gặt hái được rất nhiều kiến thức quý giá, giúp các em bồi đắp được cả kỹ năng cứng (chuyên môn) và kỹ năng mềm (tự tin diễn thuyết, vấn đáp). Đa số cựu học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đây đạt giải cao ở Hội Khoa học kỹ thuật các cấp đều tiếp tục có thành tích học tập xuất sắc ở các trường đại học trong nước và quốc tế.

“Về phần cá nhân tôi, với tư cách là một giáo viên hướng dẫn đề tài, luôn giữ chừng mực về việc góp ý và định hướng cho các em học sinh dự thi, đảm bảo được rằng sự đóng góp tự thân của các em luôn đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết bài toán nghiên cứu.

Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, khi đi tham dự các vòng triển lãm của hội thi, đã nhìn thấy một số đề tài có vẻ khá “cao siêu" so với trình độ và giới hạn học hỏi của học sinh phổ thông.

Có lẽ việc nhiều đề tài “cao siêu" đó đạt được giải cao và nhận về những phần thưởng, những suất tuyển thẳng đại học đã vô hình trung thúc đẩy giáo viên hướng dẫn và các thế hệ học sinh khóa sau phải nâng tầm cho đề tài của mình lên, dẫn đến phải nhờ “làm hộ" hoặc đạo nhái nhiều ý tưởng của người khác, khiến học sinh mất đi sự trung thực và vô tư. Đây đúng là một thực trạng, và là một thực trạng rất đáng buồn”, đại diện Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam bày tỏ.

Để giải quyết vấn đề này, nam giáo viên đề xuất nên công khai các đề tài tham dự hội thi để minh bạch hóa. Từ đó, xã hội có thể theo dõi và đánh giá. Đồng thời, quy trình chấm thi cần tỉ mỉ hơn, có sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành.

“Theo tôi, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt nên đăng tải công khai toàn bộ poster, báo cáo nghiên cứu của các đề tài dự thi cũng như nội dung đánh giá của hội đồng giám khảo dành cho các đề tài đó.

Các trường hợp gian lận và tiêu cực có thể thoải mái “làm sai" nếu biết việc thẩm định chỉ dừng ở khuôn khổ cuộc thi. Nhưng một khi các tư liệu của họ đều được minh bạch hóa rộng rãi và lâu dài thì chắc chắn họ sẽ phải chùn chân.

Ngoài ra, tôi cho rằng quá trình chấm chọn các bài báo cáo cũng cần được diễn ra một cách cẩn trọng và tỉ mỉ, sử dụng các phần mềm chống đạo văn và nhờ đến sự thẩm định của các chuyên gia đầu ngành để có một đánh giá công tâm và chuẩn xác nhất có thể”, đại diện Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam bày tỏ.

Được biết, dự thảo mới cũng thay thế giải Nhất, Nhì, Ba thành huy chương Vàng, huy chương Bạc, huy chương Đồng. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân lựa chọn và trao các giải khác cho thí sinh theo tiêu chí đánh giá riêng của mình sau khi được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo Hội thi.

Tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 70%. Trong đó: huy chương Vàng không quá 10%; giải huy chương Bạc không quá 20%; huy chương Đồng không quá 40%.

Nhật Lệ