Muốn tự chủ đại học phải tự chủ về khoa học – công nghệ

11/11/2017 06:32
Trương Lê
(GDVN) - Nhiều chuyên gia kiến nghị nên có hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về Khoa học – Công nghệ trong thời gian tới.

Ngày 10/11, Đại học Huế đã tổ chức hội thảo về "Hợp tác quốc tế về Khoa học – Công nghệ trong các cơ sở giáo dục Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thực trạng và giải pháp", với sự tham gia của nhiều trường đại học trên cả nước.

Ông Trần Ngọc Tú cho rằng, Bộ Giáo dụcvà Đào tạo nên có hành lang pháp lý, chính sách để các trường thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ảnh: TL
Ông Trần Ngọc Tú cho rằng, Bộ Giáo dụcvà Đào tạo nên có hành lang pháp lý, chính sách để các trường thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ảnh: TL

Hội thảo lần này là dịp để các đại biểu làm rõ vai trò của hợp tác quốc tế trong hoạt động Khoa học – Công nghệ tại các cơ sở giáo dục Đại học.

Cũng như đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại của Hợp tác quốc tế.

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học này xác định việc hợp tác quốc tế về Khoa học – Công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Muốn tự chủ đại học phải tự chủ về khoa học – công nghệ ảnh 2

Muốn thành công, chương trình mới cần tính đến cách mạng 4.0

Ông Linh cho rằng, việc tăng cường hợp tác quốc tế về Khoa học – Công nghệ là để đi đến tự chủ Đại học, tự chủ tài chính.

Hiện nay, việc tăng cường hợp tác quốc tế còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học cũng như cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

Phó Giáo sư Võ Trung Hùng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc hợp tác quốc tế phải là một chặng đường dài, không có chuyện hợp tác chỉ để cho vui, trên nguyên tắc cả hai bên cùng có lợi.

Việc hợp tác quốc tế không chỉ tăng cường mối quan hệ giữa các trường với nhau mà đây còn là điều kiện để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Hùng cho rằng, hợp tác quốc tế vừa là tiền đề vừa là động lực để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Tuy vậy, thực tiễn hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường trong việc hợp tác đó là thiếu môi trường nghiên cứu, thiếu kinh nghiệm và chuyên gia cũng như kinh phí để hợp tác quốc tế", ông Hùng nói.

Ông Trần Ngọc Tú, Vụ phó Vụ Nghiên cứu Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, đây không phải là lần đầu Bộ tổ chức hội thảo về hợp tác quốc tế về Khoa học – Công nghệ (trước đó được tổ chức tại Hà Nội).

Ông Tú cho rằng, hội thảo lần này sẽ đi xa hơn và “có yếu tố quyết định vận mệnh đến hoạt động Khoa học – Công nghệ”.

Ông Tú cho hay, hiện có nhiều trường Đại học đã có quan hệ rất tốt với các trường Đại học khác thông qua những mối quan hệ của các giáo viên trong nhà trường.

Việc tự chủ về Khoa học – Công nghệ là điều đầu tiên phải tiến hành nếu các trường muốn tự chủ về Đại học.

Tuy vậy, ông Tú cho hay Bộ Giáo dục nên có hành lang pháp lý, cơ chế,chính sách để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về Khoa học – Công nghệ trong thời gian tới.

Đề cập đến việc sửa đổi luật giáo dục và luật giáo dục Đại học, ông Tú nhấn mạnh việc hợp tác quốc tế  về Khoa học – Công nghệ cũng nằm trong những dự thảo sửa đổi, bổ sung của luật.

Vấn đề mà các đại biểu quan tâm là kinh phí để các trường thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Ông Tú cho rằng, các trường nên tự chủ về việc này. Phía Bộ sẽ tập trung ưu tiên đã phát triển, để các trường này "phát triển thêm một bước nữa".

Trương Lê