Nếu có gian lận thi quốc gia ở Hà Giang, cao nhất là xử lý bằng hình sự

16/07/2018 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Kỳ thi quốc gia 2018 cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, riêng tỉnh Hà Giang đã có 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37%.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi trung học phổ thông quốc gia 2018 đã có những ý kiến xung quanh vấn đề học sinh ở Hà Giang đạt điểm cao bất thường ở một số môn thi.

Được biết, chiều 14/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đến Hà Giang để phối hợp điều tra vụ điểm thi “cao bất thường” tại địa phương này mà dư luận đang quan tâm.

Với điểm thi môn Toán, số thí sinh tại Hà Giang có mức điểm 8-8,75 là 50 em; số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 57 em. (Ảnh: vtv.vn)
Với điểm thi môn Toán, số thí sinh tại Hà Giang có mức điểm 8-8,75 là 50 em; số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 57 em. (Ảnh: vtv.vn)

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trưa ngày 15/7, ông Mai Văn Trinh cho hay, hiện tại đoàn công tác của Bộ vẫn đang phối hợp với Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang rà soát lại tất cả các khâu. 

“Hiện tại chưa có kết quả. Khi có kết quả, Bộ sẽ thông tin đến dư luận”, ông Trinh khẳng định. 

Trước đó, kỳ thi quốc gia 2018 cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi, trong đó Hà Giang có gần 5.500 thí sinh, tức là chỉ chiếm 5,9% số thí sinh của cả nước.

Tuy nhiên, năm nay Hà Giang đã đạt được rất nhiều kỷ lục, vượt qua cả những địa phương có truyền thống dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi và kết quả thi.

Kỳ thi năm nay cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, riêng tỉnh Hà Giang đã có 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37%.

Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán - Lý - Hoá) của cả nước là 82, thì riêng Hà Giang có 29 (chiếm 35,3%). Đối với môn Vật lý, toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28.

Theo các chuyên gia, kết quả này trái quy luật, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỷ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên mới hợp lý. Đặc biệt, dù có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay của Hà Giang lại chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước.

Truy cứu trách nhiệm hình sự và cấm đảm nhiệm công việc liên quan từ 1 - 5 năm

Theo quy chế thi trung học phổ thông quốc gia 2018 nêu rất rõ về việc xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi.

Theo đó, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:

Cảnh cáo đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau là để cho thí sinh quay cóp; mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi đã được quy định;

Chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; Ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình trung học phổ thông; Truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nếu có gian lận thi quốc gia ở Hà Giang, cao nhất là xử lý bằng hình sự ảnh 2Bốn giả thuyết đặt ra cho kết quả cao bất thường ở Hà Giang

Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau: Ra đề thi sai;

Trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; Lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; Gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.

Đặc biệt, buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau:

Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;

Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.

Quy chế cũng nêu: Người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan đến việc tổ chức thi không phải là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động; bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi sai phạm quy định.

Các hình thức xử lý vi phạm quy định trên do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định theo quy trình quy định. Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.

Đối với thí sinh vi phạm, Quy chế thi cũng nêu rõ, trong trường hợp, hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh, để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp...

Căn cứ báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng thi, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo  ra quyết định hủy bỏ kết quả thi.

Quy chế cũng quy định, tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức…


Thùy Linh